Vĩnh Phúc tập trung khai thác thế mạnh và tiềm năng du lịch
Trong giai đoạn 2022-2025, Vĩnh Phúc sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối các khu, điểm có hoạt động du lịch; hỗ trợ đầu tư xây dựng khách sạn…
Với các chính sách thông thoáng, nhiều giải pháp hướng tới an toàn, thân thiện, hấp dẫn, Vĩnh Phúc đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
Lợi thế phát triển du lịch
Nằm trong vùng chuyển tiếp giữa Đồng bằng sông Hồng và vùng núi phía Bắc, Vĩnh Phúc có 3 vùng sinh thái: miền núi, trung du và đồng bằng với nhiều cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đa dạng, đặc biệt có Khu du lịch Tam Đảo, khu thắng cảnh Tây Thiên – điểm nghỉ dưỡng và du lịch tâm linh lý tưởng.
Bên cạnh đó, những chính sách thu hút đầu tư nổi bật của tỉnh đã “hút” các doanh nghiệp đầu tư nhiều công trình hạ tầng, khu nghỉ dưỡng cao cấp; các trung tâm hội nghị tầm cỡ quốc tế được hình thành và phát triển như Flamingo Đại Lải Resort, FLC Vĩnh Phúc Resort, Sông Hồng Resort; khách sạn Dic Star, khách sạn Westlake…
Những năm qua, Vĩnh Phúc quan tâm, phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch cả về số lượng và chất lượng, số nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn tăng lên rõ rệt.
Hiện, tỉnh có 517 cơ sở lưu trú du lịch; trong đó có 4 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 8 khách sạn 3 sao, 48 khách sạn 2 sao, 21 khách sạn 1 sao và 435 sơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 4391:2009.
Trong 5 tháng đầu năm 2022, tổng lượng khách tham quan du lịch đến Vĩnh Phúc đạt trên 3,2 triệu lượt, doanh thu du lịch ước đạt trên 1.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, công suất sử dụng phòng lưu trú du lịch chỉ đạt từ 10-12%.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, mặc dù sở hữu nhiều lợi thế song việc thu hút khách du lịch đến Vĩnh Phúc vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển du lịch của tỉnh. Nguyên nhân là phát triển du lịch còn mang tính tự phát. Sản phẩm du lịch đặc thù của Vĩnh Phúc chưa gây được ấn tượng và thu hút được du khách. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân lực chưa được quan tâm đúng mức. Đội ngũ cán bộ quản lý và kinh doanh còn thiếu kinh nghiệm, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển.
Xây dựng hướng đi bền vững
Bà Lê Thị Minh Huệ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Âu Việt Vĩnh Phúc chia sẻ hiện nay, tỉnh đang dành nhiều sự ưu tiên cho đầu tư phát triển ngành du lịch. Tuy nhiên khách du lịch còn ít biết đến các sản phẩm du lịch đặc trưng của Vĩnh Phúc. Để thu hút được du khách, tỉnh cần quảng bá tốt, rộng rãi hình ảnh du lịch Vĩnh Phúc đến khách du lịch nội địa và quốc tế; đồng thời, phát triển hệ thống giao thông kết nối các điểm du lịch trên địa bàn.
Theo ông Nguyễn Xuân Thọ, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tam Đảo, Khu du lịch Tam Đảo thu hút khoảng gần 2 triệu du khách mỗi năm. Tuy nhiên, khu du lịch này chưa có nhiều dịch giữ chân du khách lưu trú dài ngày và khách đến với khu du lịch chi tiêu còn thấp. Do đó, Hiệp hội mong muốn được tỉnh quan tâm, đầu tư xây dựng nhiều điểm vui chơi, dịch vụ để thu hút du khách lưu trú và quay lại với Khu du lịch Tam Đảo.
Hiến kế phát triển du lịch Vĩnh Phúc, ông Nguyễn Văn Niên, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Vĩnh Phúc cho rằng tỉnh cần chuyển hướng về mặt kinh phí, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, địa phương cần tạo cơ chế, điều kiện thông thoáng để các doanh nghiệp lớn tiếp cận các nguồn vốn, chính sách; xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp vào khai thác các tiềm năng du lịch trên địa bàn.
Nói về chiến lược phát triển du lịch, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc Lê Duy Thành khẳng định tỉnh quan tâm đến du lịch từ sớm và coi du lịch là ngành quan trọng không chỉ góp phần thúc đẩy phát kinh tế mà còn góp phần quảng bá, nâng tầm giá trị của Vĩnh Phúc ra quốc tế.
Ông Thành cho biết tỉnh chủ trương xây dựng du lịch là ngành mũi nhọn gắn với bảo tồn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển du lịch theo hướng văn minh, hiện đại. Vĩnh Phúc quy hoạch các khu du lịch, khu sinh thái và xây dựng cơ chế, chính sách mang tính đặc thù để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh; chú trọng xây dựng văn minh, văn hóa du lịch.
Nhằm tiếp tục phát huy những lợi thế về du lịch của tỉnh và thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư vào ngành du lịch trên địa bàn, Vĩnh Phúc đang xây dựng nghị quyết hỗ trợ phát triển du lịch giai đoạn 2022-2025. Trong đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, nâng cấp hệ thống đường giao thông kết nối các khu, điểm có hoạt động du lịch; hỗ trợ đầu tư xây dựng khách sạn; hỗ trợ các hộ gia đình kinh doanh dịch vụ nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; hỗ trợ kinh phí thành lập đội văn nghệ quần chúng phục vụ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ tại các địa điểm có hoạt động du lịch cộng đồng.
Địa phương cũng sẽ hỗ trợ xây dựng mới nhà hàng kết hợp bán hàng đặc sản, sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch, quà lưu niệm của tỉnh; hỗ trợ xúc tiến, quảng bá du lịch; giảm phí tham quan, dịch vụ cáp treo, xe điện tại Khu danh thắng Tây Thiên và khu du lịch Flamingo Đại Lải cho người dân Vĩnh Phúc./.
Ý kiến ()