Vĩnh Phúc, Ninh Bình khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6
Mặc dù bão số 6 đã qua nhưng nước ở nhiều sông ngòi, kênh mương, đồng trũng ở Vĩnh Phúc vẫn dâng cao, ngập trắng, ngày 10/8, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động các lực lượng để đối phó với hậu quả của mưa, lũ.
Mặc dù bão số 6 đã qua nhưng nước ở nhiều sông ngòi, kênh mương, đồng trũng ở Vĩnh Phúc vẫn dâng cao, ngập trắng, ngày 10/8, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục huy động các lực lượng để đối phó với hậu quả của mưa, lũ.
Trong sáng 10/8, trên khu vực đồng Mong đã có khoảng 1.000 cán bộ, chiến sỹ thuộc các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn thị trấn Hương Canh tham gia đóng cọc, vận chuyển đất đá, đào đắp nâng cao chiều cao cho con đập, bảo bệ khu đồng Mong chắc chắc hơn.
Ông Lê Đình Bích, Trưởng Khu phố 2, thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên cho biết, thị trấn Hương Canh có cánh đồng Mong rộng 250 mẫu do hợp tác xã Tiên Hường sản xuất. Đây là cánh đồng lúa khá trũng và được bao bọc các bờ đập xung quanh nhưng nước lũ ở khắp nơi đã đổ dồn về.
Ngoài lực lượng quân đội, Vĩnh Phúc còn huy động lực lượng công an, cán bộ công chức, nhân dân và các xe tải vận chuyển đất đá để phòng chống lũ lụt, bảo bệ tài sản nhân dân với một quyết tâm cao nhất.
* Theo báo cáo ngày 10/8 của Chi cục thuỷ lợi thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, trên địa bàn đã có gần 1.900 héc-ta lúa và hoa màu bị ngập do ảnh hưởng của mưa lũ. Nặng nhất là huyện ven biển Kim Sơn (818 héc-ta), tiếp theo là huyện Nho Quan (767,2 héc-ta), Gia Viễn (245 héc-ta), Yên Mô (53 héc-ta). Trước tình hình trên, Chi cục thuỷ lợi đã chỉ đạo các đơn vị thành viên vận hành liên tục 236 máy bơm, 59 trạm bơm, mở 17 cống trên những tuyến đê để tiêu thoát nước đệm trong nội đồng.
Tại huyện miền núi Nho Quan, lũ dồn về cũng đã làm cho 200 m3 đê bao khu vực xã Xích Thổ, bờ vùng nội đồng xã Sơn Thành bị sạt lở, sập 1 cống, 70 mét đường giao thông nông thôn bị hư hỏng. Diện tích nuôi trồng thuỷ sản bị ảnh hưởng là 722 héc-ta, trong đó khoảng 434 héc-ta bị mất trắng, tập trung chủ yếu ở 3 xã Gia Thuỷ, Gia Lâm và Gia Sơn. Nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập sâu, gây khó khăn trong việc đi lại của người dân tại một số thôn, xóm ở các xã Gia Lâm, Gia Tường và Gia Thuỷ.
Bên cạnh việc tích cực triển khai những biện pháp chống lũ, các xã ven sông Hoàng Long, sông Bôi như Xích Thổ, Gia Sơn, Gia Lâm, Gia Tường, Đức Long, Lạc Vân, Lạng Phong, Thượng Hòa đã chuẩn bị đầy đủ vật tư dự phòng tập trung ở các trọng điểm xung yếu sẵn sàng ứng phó kịp thời trước diễn biến bất thường của thời tiết.
Ngoài lực lượng xung kích tại địa phương, huyện Nho Quan còn hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị bộ đội đóng quân trên địa bàn sẵn sàng chi viện nhân lực di dời người và tài sản khi xảy ra tình huống khẩn cấp.
Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Thắng cho biết, phần lớn hệ thống đê điều tại địa phương được kiên cố hóa bằng bê tông, tuy nhiên hệ thống đê bối ở hai huyện Nho Quan, Gia Viễn đang ở độ cao thấp, chủ yếu ở cốt 3,5 mét. Khi nước trên thượng nguồn đổ về dồn dập trong thời gian ngắn dễ gây tràn bờ.
Bên cạnh việc chỉ đạo các lực lượng chức năng vận hành tối đa công suất của máy bơm thuỷ lợi để cứu lúa, vận động nông dân khi nước rút đến đâu tiến hành làm vụ màu, phủ xanh đất đến đấy, tỉnh đang đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ đầu tư kinh phí cho phép nâng cốt đê bối lên thêm 50 cm, tức là đạt cốt 4 mét để có thể chống lũ trên sông Hoàng Long, vừa bảo vệ sản xuất, vừa góp phần hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.
Theo CPV
Ý kiến ()