Vĩnh Phúc hoàn thành nhiều mục tiêu sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế
Trụ sở Huyện ủy, UBND huyện Tam Dương.
Với quyết tâm chính trị cao, ba năm qua, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở. Quá trình tổ chức thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã chủ động nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù để hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Lãnh đạo chặt chẽ, xây dựng cơ chế phù hợp
Khi triển khai Đề án của Tỉnh ủy ngày 30-11-2016 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan, đơn vị giai đoạn 2016-2021, các cơ quan Trung ương và nhiều địa phương trong cả nước đã đến tìm hiểu, nghiên cứu cách làm của tỉnh. Từ việc thực hiện Đề án này, khi có Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xây dựng Chương trình hành động trên cơ sở kế thừa các mục tiêu và kết quả đã đạt được trước đó.
Đối với việc sắp xếp tổ chức bộ máy, các cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng kế hoạch, chương trình tuyên truyền, quán triệt và quyết liệt chỉ đạo thực hiện nội dung các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ; chương trình, đề án của Tỉnh ủy, nghị quyết của HĐND tỉnh và kế hoạch của UBND tỉnh. Các hình thức tuyên truyền khác nhau như: hội nghị, tọa đàm, phổ biến tại các buổi sinh hoạt chi bộ, họp cơ quan, trên đài, báo,… đã góp phần nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận, quyết tâm triển khai thực hiện việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là bước đi có ý nghĩa quyết định để việc triển khai tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế được thuận lợi.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy xây dựng nhiều văn bản về công tác cán bộ như Quy định về phân cấp quản lý cán bộ; Quy định về tiêu chuẩn chức danh cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; Quy định về bổ nhiệm cán bộ và giới thiệu cán bộ ứng cử; Đề án về việc thực hiện Văn phòng Tỉnh ủy phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Đề án về tổ chức lại Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu giúp việc Tỉnh ủy; Quy định về khung tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý của các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương; ban thường vụ các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy.
Hai năm qua, HĐND tỉnh đã ban hành các nghị quyết về cơ chế, chính sách cho cán bộ, công chức, góp phần quan trọng vào việc tinh giản tổ chức bộ máy và biên chế. Đáng chú ý là Nghị quyết số 22 quy định số lượng, chức danh, mức phụ cấp và một số chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị – xã hội ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; Nghị quyết số 30 quy định một số chính sách hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức được biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng và thu hút giai đoạn 2017 – 2021; Nghị quyết số 31 về việc hỗ trợ công chức, viên chức, lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng.
UBND tỉnh ban hành nhiều kế hoạch, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII. Các cơ quan, đơn vị đã sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động, quy định lại chức năng, nhiệm vụ các phòng, ban sau khi sắp xếp, sáp nhập, giải thể tổ chức bộ máy.
Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành hệ thống các văn bản về quy chế làm việc, quy định phân cấp và hệ thống các văn bản công tác cán bộ và các lĩnh vực bảo đảm hợp lý giữa tỉnh và địa phương, giữa cấp trên và cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm. Đồng thời, xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực chặt chẽ bằng các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, đề cao trách nhiệm giải trình nhằm tăng tính chủ động cho các cơ quan, đơn vị, địa phương, gắn với đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý cấp trên. Khuyến khích sự năng động, sáng tạo và phát huy tính tích cực, chủ động của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc xây dựng, kiện toàn tổ chức, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Triển khai với quyết tâm cao
Đến nay, tỉnh Vĩnh Phúc đã giảm được một đơn vị trực thuộc Tỉnh ủy là Ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ tỉnh; giảm hai ban quản lý dự án cấp tỉnh. Đã giảm 202 phòng, ban và tương đương, trong đó: Khối đảng, đoàn thể giảm 43 đầu mối, khối chính quyền giảm 159 đầu mối. Sau sáp nhập, giảm 26 trường THCS và tiểu học.
Sau sắp xếp, sáp nhập, toàn tỉnh giảm 110 cấp phó, trong đó có hai cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và 108 cán bộ thuộc thẩm quyền của các cơ quan, đơn vị quản lý. Đặc biệt, dù Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định mỗi huyện được cơ cấu hai phó chủ tịch HĐND nhưng Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc quy định mỗi huyện chỉ bố trí một đồng chí, vừa giảm số lượng cấp phó vừa phù hợp hơn với thực tiễn.
Đã hoàn thành việc giải thể văn phòng các ban xây dựng Đảng của Tỉnh ủy, chuyển các nhiệm vụ phục vụ về Văn phòng Tỉnh ủy từ ngày 1-9-2018. Sau tổ chức lại, các cơ quan tham mưu, giúp việc đã thực hiện bố trí cấp phó bảo đảm số lượng theo quy định của Trung ương là phòng có từ năm đến 10 biên chế chỉ bố trí một phó trưởng phòng.
Năm 2017, Trung tâm Hành chính công tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, thông qua đó, đã giảm 16 bộ phận một cửa thuộc các sở, ban, ngành. Tỉnh đã kiện toàn và thành lập Ban Quản lý dự án sử dụng vốn vay nước ngoài trên cơ sở hợp nhất ba ban quản lý dự án; kiện toàn và thành lập ba ban quản lý dự án chuyên ngành qua đó giảm chín ban quản lý dự án thuộc các sở, ngành. Chỉ đạo UBND cấp huyện kiện toàn và thành lập ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cấp huyện trên cơ sở sáp nhập ban đền bù, giải phóng mặt bằng với ban quản lý dự án xây dựng cấp huyện, qua đó giảm bảy ban quản lý dự án cấp huyện.
Đã thực hiện thí điểm nhất thể hóa chức danh trưởng ban tổ chức huyện ủy đồng thời là trưởng phòng nội vụ; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra huyện ủy đồng thời là chánh thanh tra tại hai huyện Yên Lạc và Tam Dương. Từ năm 2017, tỉnh Vĩnh Phúc thí điểm sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị vào ban tuyên giáo cấp huyện tại 9/9 huyện, thành phố, trong đó huyện Vĩnh Tường thí điểm sáp nhập ba đầu mối làm một, gồm Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận và Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị. Mô hình trưởng ban dân vận đồng thời là chủ tịch Ủy ban MTTQ cấp huyện được thực hiện tại 5 trong tổng số 9 đơn vị cấp huyện.
Từ đầu nhiệm kỳ, 8 trong số 9 huyện, thành phố bố trí bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND huyện, đến nay do điều động, luân chuyển cán bộ chỉ còn 2 trong số 9 đơn vị thực hiện. Có 72 trong tổng số 137 xã thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch HĐND xã, 10 xã thực hiện mô hình bí thư đồng thời là chủ tịch UBND xã.
Nhiều cách làm mới được tỉnh mạnh dạn triển khai. Cụ thể, tỉnh đã thí điểm sáp nhập trung tâm bồi dưỡng chính trị vào ban tuyên giáo cấp ủy cấp huyện; thí điểm việc sáp nhập ban tuyên giáo vào ban dân vận cấp ủy cấp huyện; thí điểm bố trí kế toán kiêm nhiệm thực hiện tại nhiều trường học; thí điểm không tổ chức khám, chữa bệnh tại các trạm y tế ở các đô thị, trung tâm huyện; thí điểm chuyển nhân viên y tế học đường về trạm y tế quản lý…
Tỉnh đã sáp nhập 72 thôn, tổ dân phố thành 32 thôn, tổ dân phố mới; giảm được 40 thôn. Các huyện, thành phố đã chỉ đạo cấp xã tích cực rà soát, sắp xếp lại số lượng người hoạt động không chuyên trách, qua đó đã giảm từ 18.700 người (3.584 người ở xã, 15.116 người ở thôn, tổ dân phố) xuống còn 7.996 người (1.089 người ở xã, 6.907 người ở thôn, tổ dân phố). Mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội ở cấp xã và ở thôn, tổ dân phố hiện nay là hơn 3 tỷ đồng/tháng.
Chỉ có ba tổ chức hội được thực hiện chế độ đặc thù là Chữ thập đỏ tỉnh, Văn học nghệ thuật và Liên minh Hợp tác xã tỉnh vẫn tiếp tục được giao dự toán chi thường xuyên để thực hiện các nhiệm vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao. Đối với các hội còn lại, dự toán năm 2018 không duyệt và không chi trả phụ cấp lãnh đạo hội, chỉ hỗ trợ kinh phí hoạt động bằng 50% số kinh phí đã bố trí trong dự toán năm 2017 của các hội còn lại.
Tính từ ngày 30-4-2015 đến ngày 31-10-2018, toàn tỉnh đã thực hiện tinh giản 1.640 trường hợp. So với năm 2017, tiết kiệm hơn 131 tỷ đồng chi thường xuyên.
Những đề xuất từ thực tiễn triển khai sắp xếp bộ máy
Qua rà soát, tỉnh Vĩnh Phúc có bốn đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về dân số và diện tích tự nhiên, phải đưa vào danh sách sắp xếp lại. Các xã Phú Thịnh, Tân Cương, Bồ Sao thuộc huyện Vĩnh Tường được thành lập từ lâu đến nay vẫn giữ được sự ổn định. Trong đó, Phú Thịnh đã được công nhận danh hiệu là xã Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân trong kháng chiến chống thực dân Pháp; xã Tân Cương có nghề mộc truyền thống lâu đời; xã Bồ Sao có phong tục, tập quán lâu đời; do vậy nếu sáp nhập các xã trên với các đơn vị hành chính khác sẽ gây xáo trộn trong cộng đồng dân cư. Thị trấn Tam Đảo được thành lập năm 1967 nằm trên đỉnh núi Tam Đảo, có độ cao hơn 1.000 m so với mực nước biển, biệt lập với các đơn vị hành chính khác. Do đó, cần thiết giữ nguyên các đơn vị hành chính nói trên để bảo đảm truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, thuận lợi cho công tác quản lý dân cư.
Điều kiện về số hộ gia đình quy định tại Thông tư số 09/2017/TT-BNV là quá cao so với tình hình thực tế tại một số địa phương, trong khi mật độ dân số tại các thôn không đồng đều, nhiều thôn có số hộ gia đình ít, cách xa nhau. Nhiều thôn có quy mô nhỏ nhưng có truyền thống lâu đời, có hương ước, quy ước riêng và phong tục, tập quán hoặc tôn giáo riêng, do vậy người dân không muốn sáp nhập với các thôn khác. Việc khoán kinh phí và thực hiện cổ phần hóa đơn vị sự nghiệp công lập gặp nhiều khó khăn do thiếu các hướng dẫn của Trung ương. Cơ chế vận hành Văn phòng phục vụ chung các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp ủy tỉnh còn một số vướng mắc, nhất là cơ chế tài chính. Đối tượng tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP còn bó hẹp. Việc phê duyệt số lượng vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính nhưng không đi kèm với số lượng biên chế, dẫn đến khó khăn cho các địa phương khi bố trí công chức ở các cơ quan, đơn vị.
Có thể nói, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã sớm ý thức và quyết tâm thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đồng chí Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định: Việc kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan tham mưu, giúp việc cấp tỉnh, cấp huyện được kịp thời thực hiện theo đúng quy định. Việc rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức các sở, ban, ngành được thực hiện nghiêm túc và hiệu quả. Một số cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp đơn ngành, đơn lĩnh vực được sắp xếp lại theo mô hình quản lý đa ngành, đa lĩnh vực tạo sự liên thông, thống nhất giải quyết trong công việc. Một số đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế, văn hóa, giáo dục… được đổi mới theo hướng tập trung vào việc tăng cường trao đổi, khuyến khích các đơn vị có điều kiện chuyển sang việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Về lâu dài, việc sắp xếp tổ chức bộ máy chắc chắn sẽ đem lại hiệu quả tốt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()