Vĩnh Phúc coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ
Sản xuất bộ ly hợp xe máy tại Công ty TNHH EXEDY, Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc. Phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang là một trong những hướng đi chiến lược của tỉnh Vĩnh Phúc nhằm tạo nền tảng vững chắc cho các ngành công nghiệp của tỉnh phát triển bền vững. Để thực hiện mục tiêu này, Vĩnh Phúc đang xúc tiến nhiều hoạt động mời gọi đầu tư, thực hiện nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích và thu hút các doanh nghiệp (DN) đầu tư vào lĩnh vực quan trọng này.Vĩnh Phúc là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, với tỷ trọng khá lớn trong GDP hằng năm (chiếm hơn 50%). CNHT cũng đã được hình thành và có những bước phát triển, trong đó tập trung vào ba ngành lớn: cơ khí, điện tử - tin học và ô-tô, xe máy, chiếm hơn 10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm CNHT đáp ứng cho ngành công nghiệp mô-tô, xe máy, thì những lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô-tô, điện tử - tin học mới chỉ dừng lại ở một vài sản...
Sản xuất bộ ly hợp xe máy tại Công ty TNHH EXEDY, Khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc. |
Vĩnh Phúc là địa phương phát triển mạnh về công nghiệp, với tỷ trọng khá lớn trong GDP hằng năm (chiếm hơn 50%). CNHT cũng đã được hình thành và có những bước phát triển, trong đó tập trung vào ba ngành lớn: cơ khí, điện tử – tin học và ô-tô, xe máy, chiếm hơn 10% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ngoài các sản phẩm CNHT đáp ứng cho ngành công nghiệp mô-tô, xe máy, thì những lĩnh vực cơ khí chế tạo, ô-tô, điện tử – tin học mới chỉ dừng lại ở một vài sản phẩm linh kiện đơn giản như ăng-ten, ắc-quy, chắn bùn, tấm che nắng… Sự kém phong phú về chủng loại sản phẩm CNHT đã ảnh hưởng đến việc thu hút các nhà đầu tư sản xuất, lắp ráp các sản phẩm kỹ thuật cao, công nghệ hiện đại, cũng như ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của sản phẩm do phải nhập khẩu chi tiết, linh kiện, nguyên liệu với chi phí cao. Cụ thể, trong nhiều năm qua, nhập siêu ở Vĩnh Phúc luôn ở mức cao hơn một tỷ USD, riêng chín tháng năm 2012, nhập siêu là 1,130 tỷ USD. Nhập siêu tập trung ở khu vực các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), chiếm tỷ trọng hơn 95% tổng kim ngạch nhập khẩu, bao gồm máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu cho sản xuất. Nhiều ngành công nghiệp của DN FDI như ô-tô, xe máy, hàng điện tử… tuy có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhưng lại phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn hàng nhập khẩu nên tạo ra giá trị gia tăng thấp.
Sự tăng trưởng của công nghiệp Vĩnh Phúc những năm qua có đóng góp rất lớn của hai DN FDI là Toyota Việt Nam và Honda Việt Nam, đóng góp khoảng 80% vào GDP của tỉnh. Đây là các DN lớn và sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng, vì vậy đó là cơ sở tốt để phát triển CNHT. Tuy nhiên, hiện nay hai DN này chủ yếu là hoạt động lắp ráp từ các thiết bị, phụ tùng nhập khẩu nên tỷ lệ nội địa hóa một số sản phẩm chính không cao do có ít nhà sản xuất sản phẩm hỗ trợ. Nhiều DN với cam kết sau mười năm được cấp phép sẽ nâng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm từ 30-40%, nhưng cho đến nay hầu hết chỉ đạt 2-10%, riêng ngành công nghiệp ô-tô, mức nội địa hóa không quá 6%. Theo khảo sát của Ban Quản lý Khu công nghiệp Vĩnh Phúc, Công ty Honda Việt Nam hiện có khoảng 500 nhà cung cấp sản phẩm CNHT, trong đó có hơn 400 DN FDI. Trong khi đó, đến nay, Vĩnh Phúc mới chỉ có hơn 40 DN hỗ trợ. Nguyên nhân do ngành CNHT ở Việt Nam nói chung chưa được quan tâm tạo điều kiện cho các DN trong nước tham gia đầu tư và những năm qua, Vĩnh Phúc cũng chưa có chính sách khuyến khích, thu hút các DN sản xuất các sản phẩm CNHT.
Trong dự thảo quy hoạch phát triển CNHT Vĩnh Phúc đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, tỉnh đã xác định quy hoạch các ngành CNHT gắn kết chặt chẽ với quy hoạch phát triển công nghiệp. Trong đó, phát triển CNHT sẽ trở thành nền tảng cho các ngành công nghiệp theo hướng sử dụng các công nghệ tiên tiến, có tính cạnh tranh cao, trước mắt là tăng tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực. Lĩnh vực CNHT của tỉnh phấn đấu trở thành một mắt xích cung cấp sản phẩm hỗ trợ cho các ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận, cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới.
Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương Vĩnh Phúc) Nguyễn Thành Đô cho biết, trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá tiềm năng, lợi thế hiện có, tỉnh sẽ tập trung phát triển sáu nhóm CNHT chủ lực, gồm: sản xuất và lắp ráp ô-tô, xe máy; sản phẩm cơ khí chế tạo; sản xuất sản phẩm điện tử tin học; vật liệu xây dựng; chế biến nông sản và may mặc, da giày với mục tiêu đến năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ trở thành địa phương có thế mạnh về phát triển CNHT hiện đại. Nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển CNHT, Vĩnh Phúc đã và đang triển khai nhiều biện pháp thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp này. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là ban hành các chính sách kêu gọi các DN trong và ngoài nước.
Theo Phó Trưởng Ban Quản lý Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc Khổng Thành Công, bên cạnh những chính sách chung của Chính phủ, Vĩnh Phúc sẽ hỗ trợ một số chi phí đầu tư ban đầu bao gồm: hỗ trợ chi phí tư vấn lập hồ sơ dự án đầu tư từ 20 – 200 triệu đồng đối với các dự án có tổng mức đầu tư từ 200.000 USD đến năm triệu USD; hỗ trợ hai triệu đồng cho việc bố cáo thành lập DN; năm triệu đồng cho phí báo cáo đánh giá tác động môi trường… Ngoài ra, tỉnh cũng tăng cường xúc tiến đầu tư tới các nước có ngành CNHT phát triển trong khu vực. Trong năm 2012, Vĩnh Phúc đã tổ chức ba đợt xúc tiến đầu tư tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ nhằm kêu gọi các DN đầu tư vào lĩnh vực CNHT trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cho thấy, không có nhiều địa phương có đủ điều kiện để xây dựng các chính sách hỗ trợ đầu tư cho DN như Vĩnh Phúc, nhưng cùng với thực hiện các giải pháp về cải cách thủ tục hành chính, thành lập cơ quan chuyên trách về xúc tiến, hỗ trợ đầu tư, việc xây dựng và ban hành chính sách hỗ trợ khuyến khích các DN đầu tư vào CNHT sẽ là bước đi quan trọng để Vĩnh Phúc xây dựng, phát triển ngành công nghiệp bền vững.
Theo Nhandan
Ý kiến ()