Vĩnh Long: Xây dựng, phát triển kinh tế tập thể gắn với tái cơ cấu ngành nghề
Tại hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể của tỉnh Vĩnh Long diễn ra ngày 12/9, tỉnh Vĩnh Long xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng nên trong xây dựng phát triển kinh tế tập thể cần chú trọng gắn với tái cơ cấu ngành nghề, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Tại hội nghị tổng kết 12 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của kinh tế tập thể của tỉnh Vĩnh Long diễn ra ngày 12/9, tỉnh Vĩnh Long xác định kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng nên trong xây dựng phát triển kinh tế tập thể cần chú trọng gắn với tái cơ cấu ngành nghề, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Việc xây dựng, phát triển kinh tế tập thể tỉnh Vĩnh Long còn hướng tới việc nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức kinh tế tập thể và các cán bộ quản lý; hoạt động tuân thủ các quy định của Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012; khắc phục tình trạng mọi việc đều trông chờ vào sự đầu tư của ngân sách nhà nước hoặc sự góp vốn của một số ít người, nhất là đối với gần 40% số HTX đang hoạt động trung bình và yếu kém trên địa bàn tỉnh hiện nay.
Theo đánh giá của Tỉnh ủy Vĩnh Long, từ năm 2001 đến tháng 6/2013, thực hiện chủ trương đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tỉnh đã củng cố, nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của 108 HTX, 1 liên hiệp HTX, tăng 118% so với năm 2001.
Các HTX này hoạt động trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, giao thông, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ, thu hút hơn 7.200 xã viên, giải quyết việc làm tạo thu nhập ổn định cho hơn 8.500 lao động. Tổng số vốn hoạt động của các HTX, Liên hiệp HTX đạt trên 335 tỷ đồng, vốn điều lệ hơn 147 tỷ đồng, tăng gần 22 lần so với năm 2001.
Đặc biệt, với 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh, chất lượng hoạt động của 17 HTX , 482 tổ hợp tác được củng cố về bộ máy, quy mô hoạt động, thực hiện tốt nội dung hợp đồng, hợp tác theo Nghị định 151 của của Chính phủ để liên kết tiêu thụ sản phẩm. Một số xã điểm có các HTX, tổ hợp tác hoạt động có hiệu quả như xã Tân Long (huyện Mang Thít), xã Trung Hiếu (huyện Vũng Liêm)…
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long cũng còn không ít hạn chế, khó khăn, yếu kém, nhất là quy mô sản xuất nhỏ, cơ sở vật chất lạc hậu, vốn góp của xã viên chiếm tỷ trọng thấp, trình độ quản lý chưa đáp ứng yêu cầu, khả năng cạnh tranh về sản xuất, kinh doanh thấp…. Để khắc phục những hạn chế trên, tỉnh Vĩnh Long đang thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của 108 HTX, 1 liên hiệp xã, gần 2.000 tổ hợp tác và trên 7.230 tổ, nhóm, câu lạc bộ hợp tác trên địa bàn toàn tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa IX).
Cụ thể, từ nay đến năm 2015 và định hướng đến 2020, Vĩnh Long chú trọng phát triển các HTX, tổ hợp tác, câu lạc bộ, tổ nhóm kinh tế tập thể, nhất là ở 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh phải phù hợp với đặc điểm địa phương, lĩnh vực, ngành nghề sản xuất. Khi mở rộng ngành nghề, phạm vi, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ cần có sự thống nhất trong tập thể, có sự tự nguyện của các thành viên để thuận lợi trong việc tăng vốn góp, vốn tích lũy, thu hút thêm xã viên mới và phân chia lợi nhuận hợp lý.
Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, Liên minh các HTX đảm bảo cho các HTX, tổ hợp tác, tổ, nhóm, câu lạc bộ sản xuất tiếp cận các chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể, nhất là chính sách về cán bộ, đào tạo nguồn nhân lực, đất đai, tài chính – tín dụng, khoa học – công nghệ, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu – nhãn hiệu hàng hóa, mở rộng thị trường; nhân rộng các mô hình HTX hoạt động có hiệu quả của HTX lúa giống xã Xuân Hiệp (huyện Trà Ôn), HTX thương mại – dịch vụ Hoàn Thiện (huyện Tam Bình)…
Các ngành, các cấp trong tỉnh Vĩnh Long đã xây dựng các giải pháp cụ thể, phù hợp với các lĩnh vực hoạt động chủ lực của tỉnh như sản xuất nông nghiệp, kinh doanh dịch vụ, phát triển chợ; tăng cường công tác quản lý nhà nước, tăng cường các mối liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm… để đạt các chỉ tiêu chủ yếu như tăng số HTX 10%/năm, xã viên tăng 5%/năm; tăng trưởng giá trị sản xuất của các HTX 12%/năm; tăng thu nhập của xã viên và người lao động 12%/năm; có 90% số HTX sản xuất kinh doanh có lãi, 70% số HTX đạt khá, giỏi vào năm 2015 và đạt 75% vào năm 2020.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()