Vĩnh Long: Ứng dụng phương pháp "Bàn tay nặn bột" vào phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực
Để giúp học sinh có nhiều cơ hội tham gia trực tiếp hơn trong các giờ học thí nghiệm, năm học 2011-2012 ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã ứng dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào dạy các môn khoa học tự nhiên, bước đầu thí điểm tại 15 trường tiểu học của tỉnh.
Ở bậc Tiểu học, môn Tự nhiên và Xã hội, môn Khoa học có khá nhiều tiết thực hành, thực nghiệm, tuy nhiên tại nhiều trường tiểu học việc thực hành, thực nghiệm hiện không đạt yêu cầu. Học sinh thường chỉ được xem thầy cô thí nghiệm, các em không ghi lại được tiến trình, ít suy nghĩ và chỉ làm theo hướng dẫn trong sách giáo khoa hay của giáo viên.“Bàn tay nặn bột” là một phương pháp dạy học tích cực dựa trên thí nghiệm, nghiên cứu,…trong đó chú trọng đến việc hình thành kiến thức cho học sinh bằng thí nghiệm, tìm tòi nghiên cứu để chính các em tìm ra câu trả lời. Mục tiêu của “Bàn tay nặn bột” là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá, yêu và say mê khoa học của học sinh, đồng thời rèn luyện kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho các em. Quy trình phương pháp này là học sinh tiếp cận với vấn đề đã được đặt ra, học sinh dự đoán điều gì sẽ xảy ra và phải làm gì để có kết quả đồng thời ghi vào phiếu học tập. Tiếp theo đó các em bắt đầu thực nghiệm, thí nghiệm, có bạn quan sát, tham gia và ghi lại cả tiến trình. Sau khi thí nghiệm xong là phần kiểm chứng, đối chiếu kết quả thu được với dự đoán ban đầu để có thể đưa ra kết luận, khẳng định về hiện tượng, sự vật đó.
Cô Nguyễn Ngọc Thùy-Hiệu trưởng trường tiểu học Hựu Thành B (xã Hựu Thành, huyện Trà Ôn) cho biết: “Từ đầu học kỳ II năm học 2011-2012, theo sự chỉ đạo của Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh, trong các giờ học môn Tự nhiên – Xã hội (khối lớp 1, 2, 3) và môn Khoa học (khối lớp 4, 5), các em học sinh của trường đều được trực tiếp tham gia các hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm. Ví dụ như tiết học về sự biến đổi hóa học của một số chất trong chương trình lớp 5, thông qua hình thức trò chơi bí mật, các em học sinh được giáo viên hướng dẫn thực hiện một bức thư viết bằng chanh hoặc xà phòng. Sau khi phơi khô, các bức thư thoạt nhìn chỉ là những tờ giấy trắng nhưng khi nhúng vào nước hay hơ trên lửa những thông tin cần biết sẽ hiện lên. Điều này đã tạo nên sự thích thú đặc biệt cho học sinh, cũng thông qua bài học các em đã nắm bắt cụ thể hơn về sự biến đổi hóa học của một số chất. Hay như tiết học thực hành thí nghiệm về tuabin quay để minh chứng cho bài học sử dụng năng lượng gió và năng lượng nước chảy, các em học sinh lớp 5 được trực tiếp làm những tuabin sau đó sử dụng nước và gió để làm quay tuabin.” Em Phạm Khánh Băng – học sinh lớp 5 1 trường tiểu học Hựu Thành B hào hứng: “Qua thực hành thí nghiệm em biết năng lượng gió và năng lượng nước chảy sẽ tạo ra được những gì và có tác dụng như thế nào đối với người dân, các xí nghiệp, khu công nghiệp. Đồng thời, qua thí nghiệm em cũng học được lòng tự tin và biết dự đoán kết quả của thí nghiệm”.
Theo hiệu trưởng một số trường tiểu học, phương pháp “Bàn tay nặn bột” được đánh giá khá “gần gũi” với giáo viên và học sinh, cụ thể như các vật liệu, sản phẩm phục vụ cho công tác dạy và học: quả bóng, viên bi, mốp, chanh, giấm, xà phòng, giấy báo… đều đơn giản, dễ tìm và có sẵn tại địa phương. Ngoài ra, hiệu quả mang lại cho từng trường còn là đổi mới phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục, trong đó tập trung vào việc tìm tòi, khám phá của giáo viên và học sinh. “Việc ứng dụng phương pháp bàn tay nặn bột vào dạy học đòi hỏi giáo viên phải đầu tư, suy nghĩ nhiều hơn vào bài giảng, từ đó giúp cho giáo viên nâng cao kỹ năng tổ chức, thực hành thí nghiệm; còn đối với học sinh thì vui hơn, tích cực hơn. Tiết học từ đó trở nên sinh động, tất cả cùng làm việc với nhau, hài hòa giữa thầy và trò”-cô Nguyễn Minh Thúy-Hiệu trưởng Trường tiểu học An Bình A (xã An Bình, huyện Long Hồ) nhận xét.
Bên cạnh khơi dậy niềm say mê, hứng thú, các giáo viên của trường tiểu học An Bình A còn tạo được nhiều cảm xúc cho học sinh qua từng tiết học. Điển hình như tiết học về “Trái đất quay quanh mặt trời” trong chương trình lớp 3, giáo viên đã xây dựng bài học qua các hình trình chiếu, các đoạn video về 8 hành tinh và mặt trời giúp học sinh rõ hơn về Thái dương hệ. Ngoài ra, các em còn trực tiếp ghi những gì sống trên trái đất (bằng quả banh nhựa) như hình người, cây cối, con cá, xe cộ, … rất sinh động. Điều ấn tượng của tiết học là hình ảnh hoạt động của những bàn tay các em học sinh chụm lại đỡ trái đất và đọc to thông điệp “Hãy bảo vệ trái đất, bảo vệ môi trường của chúng ta”. Hiện tại ngoài các môn tự nhiên xã hội các giáo viên của trường cũng đang từng bước áp dụng phương pháp này vào 2 môn Toán và Tiếng Việt tùy theo mức độ yêu cầu.
Cái khó của phương pháp “Bàn tay nặn bột ” hiện nay đó là giáo viên phải đầu tư nhiều hơn vào bài giảng, các hoạt động thí nghiệm phải được làm trước để lấy kết quả, đôi khi phải làm đi làm lại nhiều lần. Điều này đòi hỏi giáo viên phải thật sự yêu thích mới đầu tư thời gian, công sức cho phương pháp đổi mới này. Cô Nguyễn Ngọc Thùy-Hiệu trưởng trường tiểu học Hựu Thành B chia sẻ: “Do mới bước đầu thực hiện nên Ban giám hiệu nhà trường đã khuyến khích các thầy cô giáo có năng khiếu, có điều kiện thuận lợi để hỗ trợ cho các giáo viên khác cùng hoàn thành tốt phương pháp bàn tay nặn bột.”
Ông Lý Đại Hồng-Phó Giám đốc Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Đối với cách dạy truyền thống trước đây giáo viên ít quan tâm đến vấn đề thực hành, phương pháp “Bàn tay nặn bột” đã tạo nên một chuyển biến mới trong phương pháp giảng dạy. Hiện Vĩnh Long có trên 250 trường tiểu học, trong thời gian tới Sở sẽ tổ chức các lớp tập huấn, các tiết thao giảng, các buổi hội thảo xoay quanh phương pháp này để giáo viên cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm. Năm học 2012-2013 tất cả các trường tiểu học của tỉnh sẽ áp dụng phương pháp “Bàn tay nặn bột” vào giảng dạy”.
Ý kiến ()