Vĩnh Long khai thác thế mạnh du lịch gắn với văn hóa - làng nghề
Với mục tiêu từ nay đến năm 2015 thu hút lượng khách du lịch tăng bình quân 20%/năm, doanh thu về du lịch tăng bình quân 22%/năm, tỉnh Vĩnh Long đang tập trung khai thác thế mạnh du lịch gắn với văn hóa – làng nghề, tăng cường mối liên kết vùng trong phát triển tuyến du lịch và đẩy mạnh thu hút các dự án đầu tư nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Theo đó, tỉnh tiếp tục nâng chất lượng dịch vụ tuyến du lịch sông Tiền hướng đến hình thành tuyến du lịch liên vùng bao gồm 4 xã cù lao huyện Long Hồ – Vĩnh Long với làng nghề, chợ nổi Cái Bè (Tiền Giang) và làng trái cây Chợ Lách (Bến Tre); đẩy mạnh đầu tư phát triển tuyến du lịch sông Hậu từ huyện Bình Tân đến chợ nổi Trà Ôn, hình thành tuyến du lịch mới từ Mỹ Thuận đến huyện Bình Minh. Khai thác thế mạnh 9 khu di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia và 25 di tích cấp tỉnh. Ngành văn hóa kết hợp với các doanh nghiệp lữ hành xây dựng 6 chương trình tour du lịch gắn với 5 khu di tích; tổ chức nghiên cứu sưu tầm và đưa vào phát huy các dự án văn hóa phi vật thể như lễ hội Công Thần Miếu, lễ hội Lăng Ông Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn, nghi thức hát bội đình làng Long Thanh, truyền thống văn chương Văn Xương Các… thu hút khách du lịch.
Thực hiện chương trình khôi phục 25 làng nghề tại các làng đã có nghề và phát triển thêm các làng nghề mới, tỉnh tập trung phát triển các làng nghề gắn với thế mạnh nguồn nguyên liệu và khai thác lao động tại chỗ, trong đó tập trung tại thị xã Vĩnh Long, huyện Vũng Liêm, Bình Minh, Mang Thít, mỗi huyện từ 4 đến 5 làng nghề gồm các nghề dệt chiếu, đan đát, thủ công mỹ nghệ, chế biến trái cây, chế biến thực phẩm. Huyện Long Hồ, Tam Bình, Trà Ôn, mỗi huyện phát triển từ 2 đến 3 làng nghề gồm các nghề sản xuất gốm mỹ nghệ, đan thảm lục bình, may thêu thủ công… Tại các làng nghề truyền thống trọng điểm như làng nghề sản xuất bánh tráng Lục Sỹ Thành (huyện Trà Ôn), làng nghề sản xuất tàu hủ ky thị trấn Cái Vồn (huyện Bình Minh), làng nghề sản xuất gốm đỏ ở các xã Thanh Đức (huyện Long Hồ)…, Hiệp hội du lịch tỉnh kết hợp với cơ sở sản xuất tổ chức hướng dẫn du khách tham gia quy trình sản xuất sản phẩm. Các điểm giới thiệu sản phẩm tại làng nghề tạo điều kiện cho khách du lịch tham quan, mua sắm. Mạng lưới 30 điểm du lịch vườn, du lịch sinh thái tập trung ở các xã cù lao huyện Long Hồ, cù lao Quới Thiện – Thanh Bình (huyện Vũng Liêm) tập trung nâng chất lượng phục vụ, đa dạng sản phẩm, dịch vụ để tạo điểm nhấn, “làm mới” mô hình du lịch thu hút và giữ chân du khách…
Từ nay đến năm 2015, tỉnh Vĩnh Long tập trung nguồn lực hoàn thành 4 dự án trọng điểm phục vụ phát triển du lịch gồm đường vào khu du lịch Mỹ Hòa (huyện Bình Minh), dự án xây dựng mô hình du lịch sinh thái cộng đồng ở cù lao An Bình (huyện Long Hồ), dự án khu du lịch Trường An mở rộng và khu du lịch phường 1 (thành phố Vĩnh Long); đồng thời mở rộng tuyến dịch vụ du lịch từ huyện Bình Minh đến cầu Mỹ Thuận tạo ra nhiều điểm dừng chân cung ứng sản phẩm du lịch cho du khách. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh liên kết với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre và Trà Vinh, tăng cường liên kết vùng xây dựng khu du lịch chuyên đề cấp quốc gia, khắc phục tình trạng phát triển điểm du lịch tràn lan và trùng lắp gây nhàm chán du khách.
Hiện nay, với quy hoạch phát triển 5 khu phát triển du lịch sinh thái tại các xã: Đồng Phú, An Bình (huyện Long Hồ), Lục Sỹ Thành (huyện Trà Ôn, Mỹ Hòa (huyện Bình Minh), Quới Thiện (huyện Vũng Liêm) với tổng diện tích 55,5 ha, tỉnh Vĩnh Long có 100 doanh nghiệp và hộ cá thể kinh doanh dịch vụ du lịch. Do các điểm du lịch rời rạc, quy mô điểm du lịch nhỏ, chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế nên tỉnh chưa khai thác hết tiềm năng thế mạnh về du lịch sinh thái; sản phẩm du lịch chưa nâng cao sức cạnh tranh với các tỉnh khu vực và trong nước
Ý kiến ()