Vĩnh Long giải quyết việc làm cho trên 21.400 lao động tại các khu, tuyến công nghiệp
Năm 2015, tỉnh Vĩnh Long chủ động thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất. Ước tính cả năm 2015, chỉ số sản xuất ngành công nghiệp của tỉnh tăng hơn 12%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 22.362 tỷ đồng, tăng gần 12% so với năm trước.
Ngành gạch gốm được đánh giá phục hồi từ việc chuyển đổi công nghệ lò nung liên hoàn.
(Nguồn: baovinhlong.com.vn)
Theo đó, nhiều ngành công nghiệp có thế mạnh của tỉnh đã phục hồi với giá trị sản xuất tăng mạnh như sản xuất cấu kiện bê tông tăng trên 47%; sản xuất thức ăn gia súc tăng gần 26%; công nghiệp hóa chất tăng 19%; sản xuất thuốc, hóa dược, dược và phân bón hóa học đều tăng hơn 14%; công nghiệp đóng tàu tăng 13%…
Lợi thế lớn nhất của tỉnh Vĩnh Long là tại 3 khu – tuyến công nghiệp: Hòa Phú, Bình Minh và Cổ Chiên đang thu hút 39 dự án đầu tư với tổng số vốn 3.984 tỷ đồng và gần 20 triệu USD; trong đó có 28 dự án đã đi vào hoạt động và mở rộng quy mô thu hút thêm trên 4.100 lao động tạo thêm năng lực sản xuất mới cho ngành công nghiệp.
Các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp, tuyến công nghiệp đã chủ động sắp xếp lại sản xuất, tập trung đầu tư có trọng điểm cho ngành hàng thế mạnh và có thị trường tiêu thụ ổn định. Nhờ vậy, năm 2015 các doanh nghiệp này đã thực hiện giá trị sản xuất 7.375 tỷ đồng, tăng gần 16% và xuất khẩu đạt 172,72 triệu USD, tăng gần 17% so với năm 2014, góp phần giải quyết việc làm cho trên 21.400 lao động tại các khu, tuyến công nghiệp.
Theo ông Nguyễn Văn Còn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long, năm nay tỉnh tập trung thực hiện 3 giải pháp để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp là: hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tiếp cận vốn tín dụng và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại liên kết mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Bên cạnh đó, chương trình khuyến công tỉnh Vĩnh Long đã chuyển giao công nghệ lò nung liên hoàn cho doanh nghiệp sản xuất gạch ngói, gốm đỏ, nhờ vậy đã rút ngắn thời gian nung, giảm chi phí chất đốt và giảm ô nhiễm môi trường, giảm giá thành sản phẩm hơn 37%, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm, góp phần khôi phục sản xuất làng nghề.
Để hỗ trợ doanh nghiệp nguồn vốn đầu tư trang thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa ngân hàng – doanh nghiệp; các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã cho vay nguồn vốn trung và dài hạn với dư nợ 6.720 tỷ đồng, tăng 15,15% so với đầu năm.
Năm nay cùng với việc hỗ trợ 51 doanh nghiệp thực hiện xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP, tỉnh Vĩnh Long tổ chức chương trình kết nối Cung – Cầu với các hoạt động quảng bá sản phẩm, xây dựng kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống.
Đồng thời liên kết cung ứng sản phẩm giữa các doanh nghiệp sản xuất phân bón, vật tư nông nghiệp với các “Cánh đồng mẫu lớn”, vùng chuyên canh rau màu; liên kết cung ứng thức ăn chăn nuôi giữa các doanh nghiệp với các trang trại, gia trại, vùng nuôi trồng thủy sản… nhờ vậy doanh nghiệp mở rộng được thị trường, giảm chỉ số hàng tồn kho, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()