Vĩnh Hảo thoát nghèo nhờ cây trôm
Nông dân xã Vĩnh Hảo (Tuy Phong, Bình Thuận) thu hoạch mủ trôm. Trôm vốn là loại cây rừng gần gũi với người dân ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), mủ cây trôm được người dân dùng làm thuốc dân gian chữa bệnh hiệu quả. Hiện nay, mủ trôm luôn "hút hàng" và trôm trở thành cây trồng chủ lực, đạt hiệu quả kinh tế cao ở Vĩnh Hảo.Là loại cây không kén đất, có thể mọc và phát triển bình thường trên nền đất khô cằn sỏi đá, nên trôm có mặt khá nhiều ở vùng rừng núi Vĩnh Hảo. Loại cây này cũng được trồng lấy bóng mát tại các ngôi chùa và một số hộ dân ở địa phương. Năm 2005, chương trình khuyến lâm của Trung tâm khuyến nông quốc gia chuyển giao cho hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong (Bình Thuận) trồng 15 ha trôm với mục đích khai thác mủ kết hợp với trồng rừng. Với diện tích được nhận của chương trình này là 11 ha. Trạm khuyến nông Tuy Phong đã giao cho 22 hộ trồng, trong đó diện tích trồng ở xã Vĩnh Hảo là sáu ha.Trước...
|
Trôm vốn là loại cây rừng gần gũi với người dân ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong (Bình Thuận), mủ cây trôm được người dân dùng làm thuốc dân gian chữa bệnh hiệu quả. Hiện nay, mủ trôm luôn “hút hàng” và trôm trở thành cây trồng chủ lực, đạt hiệu quả kinh tế cao ở Vĩnh Hảo.
Là loại cây không kén đất, có thể mọc và phát triển bình thường trên nền đất khô cằn sỏi đá, nên trôm có mặt khá nhiều ở vùng rừng núi Vĩnh Hảo. Loại cây này cũng được trồng lấy bóng mát tại các ngôi chùa và một số hộ dân ở địa phương. Năm 2005, chương trình khuyến lâm của Trung tâm khuyến nông quốc gia chuyển giao cho hai huyện Bắc Bình và Tuy Phong (Bình Thuận) trồng 15 ha trôm với mục đích khai thác mủ kết hợp với trồng rừng. Với diện tích được nhận của chương trình này là 11 ha. Trạm khuyến nông Tuy Phong đã giao cho 22 hộ trồng, trong đó diện tích trồng ở xã Vĩnh Hảo là sáu ha.
Trước đó, một số hộ nông dân ở Vĩnh Hảo đã trồng cây trôm vì bà con sớm nhận thấy giá trị của sản phẩm mủ trôm và thực tế, khách hàng ở nhiều nơi đã đến Vĩnh Hảo tìm mua về dùng. Một trong những hộ tiên phong đầu tư trồng trôm ở Vĩnh Hảo là gia đình anh Trịnh Toàn ở xóm 1A, thôn Vĩnh Sơn. Năm 1995, gia đình anh bắt đầu trồng thử hai ha trôm với mật độ khoảng 1.000 cây/ha, vốn đầu tư ban đầu khoảng 20 triệu đồng/ha. Với nền đất ở khu vực Nha Lư đầy sỏi đá, không phải chăm sóc gì nhiều, nhưng trôm vẫn phát triển tốt. Đến năm thứ ba, thứ tư, trôm đã bắt đầu cho thu hoạch mủ. Tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích, đến nay, gia đình anh Toàn đã có gần 50 ha trôm, trong đó có gần 30 ha đã cho mủ.
Cây trôm ở Vĩnh Hảo đang lan tỏa từ núi rừng về đến vùng đất lâu nay chuyên trồng cây thuốc lá, hoa màu, thậm chí, có chân ruộng thuộc loại 'nhất đẳng điền' ở địa phương cũng đã bắt đầu xuống giống trôm. Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Hảo Lê Xuân cho biết: 'Hiện nay, hễ còn đất là bà con trồng trôm, kể cả đất thổ cư quanh nhà'. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong, tổng diện tích cây trôm toàn huyện đã hơn 300 ha, trong đó gần 150 ha cho thu hoạch, tập trung chủ yếu ở ba xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Tân và Phong Phú, riêng xã Vĩnh Hảo hơn 265 ha.
Sản phẩm chính của cây trôm là mủ, nếu được đầu tư chăm sóc tốt, chừng ba năm trôm đã cho khai thác. Tuy nhiên, thời điểm cây trôm cho mủ nhiều nhất và chất lượng mủ tốt nhất là từ năm thứ bảy trở đi.
Quy trình khai thác mủ trôm khá đơn giản. Khi đến độ tuổi khai thác, nhà vườn dùng dùi nhọn đục những lỗ vuông nhỏ ở phần da cây cho đến khi tiếp giáp với phần gỗ, rồi bóc bỏ hẳn ô vỏ này, tạo thành những 'vết thương' trên thân trôm. Từ những 'vết thương' ấy, mủ trôm tiết ra ngoài quánh đặc quanh ô vuông, chừng mười ngày sau, nhà vườn bắt đầu thu gom mủ. Thông thường, chu kỳ thu hoạch mủ trôm ở Vĩnh Hảo khoảng một tháng rưỡi và người dân chủ yếu khai thác vào mùa nắng, tức là từ tháng Chạp của năm trước đến tháng tư năm sau (âm lịch). Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy Phong, năng suất bình quân mủ trôm hiện nay khoảng 0,5 kg/cây/năm. Theo một số hộ trồng trôm ở Vĩnh Hảo, mỗi cây trôm bảy năm tuổi, một năm cho lượng mủ khoảng gần một kg.
Mủ trôm thu gom buổi sáng, chiều đã bán với thời giá hiện tại khoảng 100 nghìn đồng/kg, nếu phơi khô khoảng ba nắng, giá bán dao động từ 220 nghìn đến 250 nghìn đồng/kg. Nhờ mủ trôm có giá cao, thị trường tiêu thụ mạnh, nên nhiều hộ nông dân ở Vĩnh Hảo có thêm nguồn thu nhập ổn định. Những hộ có diện tích lớn, giàu lên nhanh chóng. Anh Trịnh Toàn cho biết: Năm 2010, bình quân mỗi ha trôm bốn, năm năm tuổi của nhà anh cho lãi ròng khoảng 40 triệu đồng. Trang trại trôm của nhà anh cũng tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 15 nông dân nghèo ở địa phương với mức lương hơn ba triệu
đồng /tháng. Anh Phan Khắc Phong, ở xóm 1A, thôn Vĩnh Sơn, xã Vĩnh Hảo, cũng cho biết: 'So với cây nho, trồng trôm chưa thấy rủi ro, mức đầu tư thấp, không phải dùng thuốc bảo vệ thực vật, thu nhập cao ổn định và canh tác lại rất nhàn'. Năm 2010, khi cây còn tơ, trồng xen ớt dưới tán trôm, với một ha, anh thu lãi gần 60 triệu đồng.
Theo tính toán của nhiều nông dân ở Vĩnh Hảo, với một ha trôm đến tuổi cho mủ, vào những tháng khai thác, bình quân mỗi ngày chủ vườn trôm thu được gần hai triệu đồng. Với những hộ nghèo có chừng từ 20 đến 30 cây trôm trồng quanh nhà cũng đủ trang trải cuộc sống hằng ngày.
Cây trôm đã từng bước khẳng định chỗ đứng trên vùng đất khô cằn như Vĩnh Hảo. Thiết nghĩ, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cần sớm nghiên cứu kỹ lưỡng về loại cây trồng này để có thể xây dựng quy hoạch và có kế hoạch phát triển ổn định lâu dài.
Theo Nhandan
Ý kiến ()