Vinh dự, trách nhiệm của người lính canh trời
Với nhiệm vụ canh trời Tổ quốc, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn Tên lửa phòng không 64, Sư đoàn Phòng không 361, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân (PK-KQ) đã vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCÐ).
Với nhiệm vụ canh trời Tổ quốc, những năm qua, cán bộ, chiến sĩ Ðoàn Tên lửa phòng không 64, Sư đoàn Phòng không 361, thuộc Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) đã vượt khó vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCÐ).
Trên đường đưa chúng tôi ra thăm trận địa, Thượng tá Trần Công Hùng, Bí thư Ðảng ủy, Chính trị viên Ðoàn, phấn khởi cho biết: Ðơn vị được thành lập ngày 22-9-2005. Tuy “sinh sau, đẻ muộn”, nhưng Ðoàn được trang bị hệ thống tên lửa phòng không cơ động đa kênh S300 PMU 1. Trong đó, nếu hệ thống tên lửa phòng không trước đây khi đang hành quân, chuyển sang triển khai đội hình chiến đấu phải mất từ 1,5 đến hai giờ, thì hệ thống tên lửa mới triển khai chỉ dưới năm phút, có khả năng phát hiện mục tiêu phạm vi đường kính 300 km, kể cả mục tiêu được chế tạo theo công nghệ tàng hình. Với hệ thống tên lửa mới này, quản lý đồng thời 100 mục tiêu khác nhau; bắt, bám sát và tiêu diệt các mục tiêu có vận tốc hướng tâm 2.800 m/s (tương đương 10.000 km/giờ), bảo đảm độ chính xác cao. Nhất là, cùng lúc có thể “bấm nút” 12 quả tên lửa bay lên tìm diệt được các mục tiêu ở độ cao đến 27 km và khoảng cách xa 150 km, trong điều kiện địch sử dụng nhiễu… Tuy nhiên, đây là loại vũ khí mới, hiện đại, nên ngày đầu khai thác làm chủ vũ khí, khí tài phục vụ huấn luyện, SSCÐ, đơn vị gặp không ít khó khăn. Vì nhiều cán bộ, nhân viên trong đơn vị tuy được đào tạo cơ bản chuyên ngành về tên lửa, nhưng chưa được đào tạo chuyên sâu sử dụng hệ thống tên lửa S300 PMU 1…
Ðể nâng cao chất lượng huấn luyện, SSCÐ, Ðoàn thực hiện tốt phương châm huấn luyện “cơ bản, thiết thực, vững chắc, an toàn, tiết kiệm”, coi trọng vận dụng kinh nghiệm từ thực tế chiến đấu của thế hệ cha anh đi trước vào huấn luyện bộ đội. Trong đó, cán bộ, quân nhân chuyên nghiệp khi về đơn vị đều được chỉ huy Ðoàn phân công người bồi dưỡng, giúp đỡ về chuyên môn, nghiệp vụ “người trước huấn luyện cho người sau”, theo yêu cầu của từng bộ phận kỹ thuật. Ðoàn tổ chức huấn luyện thuần thục từ thao tác cá nhân, hiệp đồng kíp nhỏ đến kíp chiến đấu toàn Ðoàn. Yêu cầu đặt ra là sau ba tháng huấn luyện, kiểm tra mỗi cán bộ, chiến sĩ phải đạt loại khá, sau sáu tháng đạt loại giỏi.
Có mặt tại trận địa, mặc dù trời đã xế trưa, cuối thu thời tiết nắng nóng khô hanh, nhưng cán bộ, chiến sĩ các phân đội vẫn hăng say luyện tập. Kẻng báo động ba tiếng vang lên, chỉ trong chớp mắt, kíp chiến đấu trên các xe: liên kết địa hình, đài ra-đa chiếu xạ và điều khiển tên lửa, đài ra-đa phát hiện độ cao và các xe bệ phóng nhanh chóng cơ động vào vị trí. Tiếng động cơ xe ô-tô, xen lẫn khẩu lệnh của chỉ huy các phân đội, làm sôi động vùng đất trung du… Tranh thủ phút nghỉ giải lao, lau vội giọt mồ hôi trên khuôn mặt sạm nắng, Trung úy chuyên nghiệp Trần Văn Long hồ hởi: Ở Trường trung cấp kỹ thuật PK-KQ, em được học về khí tài tên lửa C125, nhưng về đơn vị lại được giao nhiệm vụ đảm nhiệm kỹ thuật viên, kiêm trắc thủ bệ phóng tên lửa S300 PMU 1. Ngày đầu huấn luyện, sử dụng khí tài mới, hiện đại, em cũng như anh em trong đơn vị rất bỡ ngỡ, phải tranh thủ cả ngày nghỉ, giờ nghỉ để học tập, học hỏi kinh nghiệm. Nhiều lúc, anh em phải thức thâu đêm suốt sáng nghiên cứu tài liệu và luyện tập để thành thục các thao tác huấn luyện. Hiện nay, anh em trong kíp không chỉ nắm chắc chuyên môn, làm tham số chiến đấu thuần thục, mà còn làm tốt việc bảo dưỡng khí tài. Còn trắc thủ tay quay đài ra-đa chiếu xạ và điều khiển tên lửa, Trung úy chuyên nghiệp Hoàng Minh Ðức, quê lúa Thái Bình thổ lộ: “Nhiệm vụ “rất căng”, vì vừa quan sát màn hình, điều khiển cánh sóng, vừa phải hiệp đồng, bắt và bám sát các mục tiêu, nên dễ gây mệt mỏi về thần kinh và thị giác… Bởi vậy, trong huấn luyện, anh em luôn nêu cao tinh thần tự học, tự rèn, đến nay, kíp chiến đấu đã bảo đảm cho tên lửa tiêu diệt máy bay địch kịp thời, hiệu quả”.
Coi trọng công tác giáo dục truyền thống của Sư đoàn Anh hùng, vinh dự, trách nhiệm của người lính canh trời, cán bộ các cấp thường xuyên sâu sát, động viên bộ đội, kịp thời giải quyết khó khăn để anh em yên tâm công tác. Như trường hợp Thiếu tá Lương Ðình Thi, Phó Ðoàn trưởng quân sự, quê ở xã Diễn Thái, huyện Diễn Châu (Nghệ An) có hoàn cảnh rất khó khăn. Vợ anh là Hồ Thị Huệ, 30 tuổi, quê ở Ninh Giang (Hải Dương) đang mắc bệnh hiểm nghèo. Bố vợ anh Thi bị tai biến mạch máu não, đột quỵ đang nằm điều trị ở Bệnh viện T.Ư Quân đội 108; hai con anh Thi còn nhỏ. Chia sẻ khó khăn cùng gia đình anh, đơn vị đã cử người trực thay, tạo điều kiện cho anh Thi đi phép, tranh thủ thứ bảy, chủ nhật về nhà chăm sóc vợ và các con. Ðồng thời, đơn vị cử cán bộ về thăm hỏi và động viên gia đình. Trò chuyện với tôi, anh Thi chia sẻ: “Tuy hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nhưng được đơn vị quan tâm, đồng đội chia sẻ, động viên, tôi luôn xác định, dù hoàn cảnh khó khăn thế nào, cũng phải đặt nhiệm vụ tổ chức phân công lên trên hết, luôn nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()