LSO-Khi các nhà trường đang tất bật chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2012-2013, cũng là lúc hội Khuyến học các cấp triển khai nhiều công việc để ngày toàn dân đưa trẻ em đến trường thực sự là ngày hội học tập và là sự mở đầu của Tháng khuyến học- tháng 9 hàng năm.
Bằng sự đóng góp của cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh, Trường THCS bán trú xã Lợi Bác,
huyện Lộc Bình đã có nhà bán trú khang trang sạch đẹp cho học sinh
Ông Lã Thanh Thủy, Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, ngay từ giữa tháng 8, Hội Khuyến học tỉnh đã có công văn hướng dẫn cơ sở thực hiện tháng Khuyến học. Theo đó, những công việc cần làm trong tháng 9- tháng khuyến học là vận động các cháu trong độ 5 tuổi đi học mầm non; vận động các gia đình chăm lo cho các cháu nhân đầu năm học mới; có những biện pháp thiết thực giúp đỡ con em gia đình chính sách, gia đình nghèo, khó khăn… Trong tháng 9, các địa phương tổ chức Liên hoan gia đình hiếu học, cộng đồng hiếu học, nhằm tôn vinh và biểu dương những gia đình, dòng họ, địa phương làm tốt công tác hiếu học. Hơn 10 năm kể thừ ngày thành lập, Hội Khuyến học Lạng Sơn đã có những đóng góp không nhỏ vào sự nghiệp khuyến học, khuyến dạy, khuyến tài và từng bước hình thành xã hội học tập. Hơn 10 năm làm công tác hội, ông Nguyễn Khắc Dư- Chủ tịch Hội khuyến học huyện Tràng Định đã đến các vùng xa xôi, từ vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao ở Khánh Long, Đoàn Kết đến vùng đồng bào Tày nơi biên giới Quốc Khánh, Đội Cấn… Qua đó, ông và các cán bộ khuyến học đã khơi dậy cho người dân nơi đây biết được sự cần thiết của cái chữ, của tri thức như cơm ăn nước uống hàng ngày. Và rõ ràng, hội khuyến học, các cán bộ khuyến học đã thuyết phục được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể quần chúng trong hệ thống chính trị luôn đồng hành cùng nhân dân, giúp đỡ người dân, hình thành trong họ nhu cầu học tập, dùng tri thức làm “chìa khóa” để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hơn 10 năm qua, không một đồng phụ cấp, với đồng lương ít ỏi của một nhà giáo về hưu, các cán bộ khuyến học đã làm được rất nhiều việc cho xã hội, biểu hiện cụ thể ở các mặt như tập hợp được trên 37 ngàn hội viên (chiếm 5% dân số) trong gần 2.300 chi hội, dòng họ khuyến học ở 220/226 xã, phường cùng hàng trăm cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh. Hội Khuyến học luôn là địa chỉ tin cậy để huy động nguồn lực cộng đồng cho giáo dục với hàng tỷ đồng, hàng chục vạn ngày công, hàng ngàn m2 đất người dân hiến cho các nhà trường… Với sự tham gia của Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức, các Trung tâm học tập cộng đồng (HTCĐ) đã có nhiều khởi sắc. Nếu giai đoạn 2006-2009, toàn tỉnh mở được 2.098 lớp với 198.476 lượt người học tập thì riêng năm 2011 đã tổ chức được 5.620 lớp, thu hút 515.573 lượt người đến học tập với nhiều chuyên đề khác nhau. Năm 2011, Hội Khuyến học Lạng Sơn đã được Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng cờ thi đua “Vì sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”. Đó là sự ghi nhận xứng đáng những đóng góp của tổ chức khuyến học Lạng Sơn.
Thực hiện các chỉ thị của Bộ Chính trị, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ và hợp tác có hiệu quả của ngành GD, sự ủng hộ của các tổ chức xã hội và nhân dân, Hội Khuyến học Lạng Sơn đã không ngừng phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động. Việc hội khuyến học được công nhận là hội có tính chất đặc thù đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hội trong các hoạt động. Tuy vậy, cần có chế độ cho Hội khuyến học cấp huyện để giúp đội ngũ này hoạt động có hiệu quả hơn. Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Khắc Dư cho rằng, cho dù có nhiệt tình đến mấy, các cán bộ khuyến học cấp huyện cũng còn nhiều khó khăn, ràng buộc trong đời sống, có chút phụ cấp- dù rất ít ỏi cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với họ, đồng thời gắn trách nhiệm của họ với công việc.
Ý kiến ()