Với chủ đề "Vinh danh hạt ngọc Việt- môi trường xanh cho cánh đồng vàng", Liên hoan lúa gạo lần thứ hai được tổ chức tại Sóc Trăng là cơ hội để tôn vinh, quảng bá thương hiệu gạo Việt và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời cũng là dịp đánh giá về hạt gạo Việt Nam và những bước phát triển của nó trong tương lai.Hiện Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Thái-lan. Tính chung 10 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,05 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 24% về trị giá so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, giá thu mua lúa bình quân là 6.280 đồng/kg. Mức giá này được xem là có lợi cho nông dân. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục ổn định. Theo đó, cả năm 2011, Việt Nam sẽ xuất khẩu bảy triệu tấn gạo, kim ngạch thu về khoảng 3,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt...
Với chủ đề “Vinh danh hạt ngọc Việt- môi trường xanh cho cánh đồng vàng”, Liên hoan lúa gạo lần thứ hai được tổ chức tại Sóc Trăng là cơ hội để tôn vinh, quảng bá thương hiệu gạo Việt và mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời cũng là dịp đánh giá về hạt gạo Việt Nam và những bước phát triển của nó trong tương lai.
Hiện Việt Nam đứng thứ hai thế giới về xuất khẩu gạo, chỉ sau Thái-lan. Tính chung 10 tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu hơn 6,3 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt 3,05 tỷ USD, tăng 8,4% về lượng và 24% về trị giá so cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, giá thu mua lúa bình quân là 6.280 đồng/kg. Mức giá này được xem là có lợi cho nông dân. Theo dự báo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ nay đến cuối năm, giá gạo xuất khẩu sẽ tiếp tục ổn định. Theo đó, cả năm 2011, Việt Nam sẽ xuất khẩu bảy triệu tấn gạo, kim ngạch thu về khoảng 3,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, trên thực tế, khả năng cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam vẫn còn thấp do chất lượng chưa cao và chưa khẳng định được thương hiệu trên thị trường quốc tế, trong khi xu hướng tiêu dùng thế giới là chọn lựa tập trung vào sản phẩm có thương hiệu. Một thí dụ điển hình là Thái-lan, họ làm thương hiệu rất tốt, nên nhiều năm nay luôn giữ vững ngôi đầu về xuất khẩu gạo, đồng thời giá trị gia tăng luôn ở mức cao. Hơn nữa, muốn tạo dựng được thương hiệu thì chất lượng gạo phải bảo đảm ổn định, phải thay việc xuất khẩu những sản phẩm gạo đơn thuần bằng những sản phẩm đã qua chọn lọc và tinh chế.
Hiện nay các địa phương trong cả nước, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Cửu Long, đang mở rộng diện tích trồng lúa chất lượng cao. Với việc chọn một đến hai giống lúa chủ lực sản xuất với quy mô 500 – 1.000 ha, cộng với ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, đặc biệt là hướng dẫn nông dân giảm mạnh việc sử dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất lúa, tạo ra gạo sạch là yếu tố quan trọng tăng sức cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Đây cũng là một tín hiệu lạc quan cho vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long trên hành trình định vị thương hiệu của mình, nếu các địa phương quyết tâm thực hiện.
Hơn 20 năm qua, hạt gạo Việt đã từng bước khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường thế giới. Đặc biệt, trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu hiện nay, hạt gạo càng có lợi thế xuất khẩu. Điều đó đòi hỏi chúng ta phải có một chiến lược dài hạn cho cây lúa, từ việc quy hoạch ổn định diện tích đất trồng lúa, thực hiện các quy trình trồng lúa chất lượng cao, đến nâng cao giá trị gia tăng cho hạt gạo và mở rộng thị trường xuất khẩu. Phải bảo đảm lợi nhuận, nâng cao mức sống cho người trồng lúa để tạo động lực giữ đất ruộng và sản xuất lúa. Tại Liên hoan lúa gạo lần này sẽ có các cuộc hội thảo: “Việt Nam – con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao”, “Định vị thương hiệu gạo Việt Nam – gạo Việt Nam ai bán, ai mua?”, hy vọng sẽ có nhiều đề xuất, phản biện giá trị, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng hạt gạo – hạt ngọc Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()