Vinh danh chiến sĩ Hỏa Lò
Đầu xuân Tân Mão 2011, tin vui đến với những cựu tù cách mạng bị giam cầm tại Nhà lao Hỏa Lò, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày tại Nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội (giai đoạn 1930 - 1954). Đây là sự ghi nhận đối với những hy sinh, mất mát và tinh thần quả cảm của người tù cách mạng. Như vậy, nhà lao đế quốc cũng là một trận tuyến chống quân thù, mà ở đó, mỗi người tù là một chiến sĩ trên một trận tuyến mới.'Sống trong tù kiên trung bất khuấtSống ngoài đời tình nghĩa thủy chung'Đó là lời phát biểu của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người cũng đã từng bị giam cầm tại Nhà lao Hỏa Lò. Câu nói ấy của anh Mười Cúc (tên gọi thân mật của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) chứa đựng nội hàm sâu sắc, thể hiện đúng bản chất của người tù cách mạng kiên trung, bất khuất trong chiến đấu; thủy chung, kiên định với sự nghiệp...
Đầu xuân Tân Mão 2011, tin vui đến với những cựu tù cách mạng bị giam cầm tại Nhà lao Hỏa Lò, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tập thể chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày tại Nhà lao Hỏa Lò, Hà Nội (giai đoạn 1930 – 1954). Đây là sự ghi nhận đối với những hy sinh, mất mát và tinh thần quả cảm của người tù cách mạng. Như vậy, nhà lao đế quốc cũng là một trận tuyến chống quân thù, mà ở đó, mỗi người tù là một chiến sĩ trên một trận tuyến mới.
'Sống trong tù kiên trung
bất khuất
Sống ngoài đời tình nghĩa
thủy chung'
Đó là lời phát biểu của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người cũng đã từng bị giam cầm tại Nhà lao Hỏa Lò. Câu nói ấy của anh Mười Cúc (tên gọi thân mật của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) chứa đựng nội hàm sâu sắc, thể hiện đúng bản chất của người tù cách mạng kiên trung, bất khuất trong chiến đấu; thủy chung, kiên định với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc; sẵn sàng nhận hy sinh về mình vì đồng chí, đồng đội, vì lợi ích của Đảng, của Tổ quốc. Ngay cả khi đất nước hòa bình, thống nhất, tuổi cao, sức yếu, nghĩa tình ấy vẫn được thể hiện sâu đậm trong cuộc sống đời thường…
Từ năm 1930 – 1954, là giai đoạn nhân dân ta vùng lên chống lại ách đô hộ của thực dân, phong kiến. Những ngày đầu tiền khởi nghĩa, Đảng ta còn non trẻ, gặp nhiều khó khăn, thử thách. Những chiến sĩ cách mạng hoạt động trong thời kỳ này đều là những chiến sĩ trung kiên của Đảng; không may sa vào tay giặc, bị giặc giam cầm tại Nhà lao Hỏa Lò, vẫn thể hiện bản lĩnh của người cách mạng 'Kiên trung, bất khuất'. Đó là thế hệ các đồng chí cách mạng tiền bối như: Nguyễn Văn Cừ, Trường Chinh, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười… sau này đều là những lãnh tụ của Đảng. Tiếp nối truyền thống thế hệ đi trước, lớp người tù cách mạng sau đó, dù là những chiến sĩ quân báo, tình báo nằm sâu trong lòng địch, cài vào tổ chức của địch, chiến đấu thầm lặng, không tiếng súng với kẻ thù; hay những đồng chí là bộ đội, công an, du kích; những người đã chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội với lời thề 'Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh'…, khi chưa vào nhà lao, họ làm cho kẻ thù khiếp sợ bởi sự mưu trí, dũng cảm trong công tác, chiến đấu, trừ gian, diệt ác. Vào tù, mỗi người tù xác định chuyển sang một trận tuyến mới, trận tuyến đấu tranh với kẻ thù bằng tay không, bằng sự gan dạ, thủy chung với cách mạng bất chấp sự kìm kẹp, đàn áp dã man của cả một bộ máy nhà tù. Ngoài tù, họ chiến đấu có vũ khí với quân thù, thì trong tù, bằng vũ khí tinh thần và ý chí, những chiến sĩ cách mạng không chịu khuất phục kẻ thù, vẫn tràn đầy tinh thần lạc quan cách mạng. Nhà tù trở thành trường học lớn, để họ tiếp tục tu dưỡng, rèn luyện. Chi bộ Đảng trong nhà tù ngày một lớn mạnh, lãnh đạo cuộc đấu tranh của tù chính trị chống lại sự đàn áp và chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc.
Những cuộc đấu tranh của các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày như: tuyệt thực phản đối chúa ngục đàn áp, bỏ đói tù nhân; đả đảo việc thủ tiêu tù chính trị, tù binh; đả đảo việc đánh đập, tra tấn tù nhân đã trở thành những cuộc biểu tình rầm rộ trong song sắt. Mặc dù, nhiều cuộc phản kháng của người tù bị địch khủng bố, tra tấn dã man bằng những kiểu tra tấn thời trung cổ…, nhưng những người tù vẫn giữ vững khí tiết của người cộng sản, kiên quyết không khai báo tổ chức của Đảng, không đầu hàng, nhượng bộ trước quân thù. Đã có nhiều tấm gương hy sinh anh dũng trong nhà lao đế quốc, đặc biệt là sự hy sinh của Liệt sĩ Hoàng Văn Thụ, với câu nói nổi tiếng trên pháp trường: 'Chỉ biết rằng, cuối cùng chúng tôi sẽ thắng' đã làm cho kẻ thù phải khâm phục bởi khí tiết của người cộng sản. Hay như sự hy sinh của Liệt sĩ trẻ tuổi Đỗ Hoàng Tôn, bị địch dùng máy chém đầu trước cửa Nhà lao Hỏa Lò, nhằm trấn áp tinh thần yêu nước của nhân dân ta. Sự tàn ác của kẻ thù không làm người tù cộng sản khiếp sợ, mà trái lại càng hun đúc ý chí, lòng căm thù giặc.
Nói đến những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày tại Nhà lao Hỏa Lò, không thể không nhắc đến những cuộc vượt ngục ngoạn mục để trở về với Đảng, với nhân dân, tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp của cách mạng. Như cuộc vượt ngục tháng 3-1945, bằng cách vượt tường, chui cống ngầm, trá hình… với sự thoát hiểm của hàng trăm chiến sĩ cách mạng, đã kịp thời bổ sung lực lượng đóng góp vào cuộc khởi nghĩa, cướp chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa…
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, đất nước đã hòa bình, thống nhất và đang trên đà phát triển. Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày giai đoạn 1930 – 1954 đều đã cao niên; nhiều đồng chí đã nằm lại Nhà lao Hỏa Lò hoặc khi ra tù đã hy sinh trên các trận tuyến với quân thù; nhiều đồng chí đã yên nghỉ do tuổi cao sức yếu, bị bệnh tật do đòn roi tra tấn của kẻ thù, song tình cảm, sự thủy chung với đồng đội vẫn không thay đổi. Những chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày đều giữ được phẩm chất của người cộng sản; đồng chí nào còn sức khỏe, trí tuệ vẫn nhiệt tình tham gia công tác tại địa phương, tiếp tục có những đóng góp cho Đảng, Nhà nước, thực hiện thành công công cuộc xây dựng và đổi mới đất nước.
Việc Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho Tập thể các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù, đày (giai đoạn 1930-1954) là sự thừa nhận nhà tù cũng là một trận tuyến chống quân thù, góp phần vào sự nghiệp giải phóng đất nước. Ở đó, mỗi người tù là một chiến sĩ, một anh hùng. Đây là sự ghi nhận lớn lao đối với những hy sinh, mất mát và những đóng góp của những chiến sĩ cách mạng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước; đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những chiến sĩ cách mạng đã chịu nhiều hy sinh, mất mát để đất nước được độc lập, tự do như hôm nay. Đối với người tù cách mạng, thì đây vừa là niềm vinh dự, tự hào, cũng là niềm vui, để động viên các bác, các cụ tiếp tục trường thọ, chứng kiến sự đổi thay đi lên của đất nước.
Theo Nhandan

Ý kiến ()