Vinatex quyết tâm cổ phần hóa trong năm Giáp Ngọ
Nhìn lại năm 2013, ông Lê Tiến Trường - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) có tâm trạng đầy hứng khởi và phấn chấn trước kết quả của một năm đầy thắng lợi. Chia sẻ niềm vui với phóng viên trước việc Tập đoàn hoàn thành vượt mức kế hoạch cũng như công cuộc “lột xác” từ các doanh nghiệp trong ngành để hoàn thiện đề án tái cơ cấu, ông Trường khẳng định: Vinatex quyết tâm hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2014.
Phóng viên (PV): Năm 2013 đánh dấu một năm thắng lợi của ngành dệt may nói chung và Vinatex nói riêng. Xin ông cho biết những giải pháp nào để đạt được thành công này ?
Ông Lê Tiến Trường:Có thể nói năm 2013 là năm thắng lợi của ngành dệt may Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu vượt qua con số 20 tỷ USD, duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 18%. Tức là so với đăng ký ban đầu với Chính phủ xuất khẩu khoảng 19,2 tỷ USD thì đã vượt trên 1 tỷ USD. Các mặt hàng chính là dệt may và xơ sợi cũng vượt chỉ tiêu đề ra.
Riêng Vinatex đạt kim ngạch xuất khẩu 2,95 tỷ USD và tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng 14%, tập trung vào những thị trường trọng yếu để tạo những mặt hàng tốt hơn trên diện rộng. Điểm khác biệt nữa về quy mô tăng trưởng của ngành dệt may Việt Nam trong năm 2013 là cả sự đóng góp rất tích cực của các nhà đầu tư nước ngoài và các nhà đầu tư trong nước.
Có được thành công đó, theo tôi một trong những giải pháp cơ bản của ngành là đã xác định được đúng tính chất và tín hiệu của thị trường.
Trở lại thời gian đầu, việc dự báo của thị trường năm 2013 đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức sản xuất và chuẩn bị “đón lõng” thị trường bởi đã qua hai năm 2011, 2012, thị trường dệt may tương đối trầm lắng. Năm 2013, thị trường này không tăng nhiều hơn các năm trước, khoảng 3,5% trên toàn cầu và ở các nước phát triển. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa dệt may cũng tăng trung bình 3- 4% . Tuy nhiên, những tín hiệu về hợp tác quốc tế, về dịch chuyển dòng chảy của cung ứng toàn cầu về phía Việt Nam thì rõ ràng hơn và ngành dệt may Việt Nam đã tận dụng cơ hội cũng như tổ chức sản xuất phù hợp để đón được cơ hội này vào Việt Nam.
Chính vì vậy, trong khối các nước xuất khẩu dệt may, năm 2013, dệt may Việt Nam là quốc gia có tốc độ tăng trưởng lớn nhất ngay cả đối với những thị trường trọng điểm. Cụ thể như đối với thị trường Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu dệt may tăng được gần 13% trong khi Hoa Kỳ nhập khẩu chỉ tăng 3%. Với thị trường Nhật Bản gần như không tăng nhưng Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng hàng dệt may ở thị trường này khoảng 14-15%. Riêng thị trường Hàn Quốc, hàng dệt may Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng gần 30%.
PV: Về thị trường xuất khẩu dệt may năm 2014, ông dự báo thế nào và theo ông cần những giải pháp gì để ngành tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng ?
Ông Lê Tiến Trường:Tập đoàn đã nghiên cứu rất nhiều những nguồn dự báo trên thế giới năm 2014 của các tổ chức lớn như WB, IMF. Theo đó, năm 2014, tăng trưởng chung trên thế giới vào khoảng 3,6% so với mức 2,6% của năm 2013, nghĩa là thế giới sẽ có 1 năm sáng sủa hơn. Tín hiệu sáng trên toàn cầu cũng cho phép Việt Nam có thể hy vọng đây lại là một năm đầy cơ hội cho ngành dệt may. Đáng chú ý là thị trường Hoa Kỳ được các chuyên gia nhận định sẽ có một năm phát triển tốt hơn, châu Âu cũng hy vọng sẽ có mức tăng trưởng dương và Nhật Bản có mức duy trì như năm 2013. Như vậy, ngành dệt may hoàn toàn có thể hy vọng sẽ đạt một ngưỡng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trên 12% trong năm 2014.
Đứng về phương diện một ngành xuất khẩu đã 15 năm nay với kim ngạch tăng liên tục tôi cho rằng giải pháp chủ yếu vẫn là một hệ thống xuyên suốt và linh hoạt theo từng năm. Riêng đối với ngành dệt may thì giải pháp trọng tâm để tạo được vị thế cạnh tranh tốt trên thị trường thế giới vẫn phải bám sát vào 4 yếu tố: Chất lượng, giá cả, tốc độ cung ứng cho thị trường và khả năng giải quyết dịch vụ sau bán hàng.
PV: Trong những năm tới, cổ phần hóa sẽ tạo ra nhiều cơ hội những cũng không ít những thách thức trong bước phát triển của Vinatex. Ông nhận xét thế nào về vấn đề này ?
Ông Lê Tiến Trường:Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Dệt May Việt Nam-Vinatex không chỉ dừng lại ở cổ phần hóa công ty mẹ mà còn sắp xếp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Tập đoàn cũng đã thực hiện thoái vốn ra các khu vực không là ngành cốt lõi đối với dệt may. Và tôi cũng khẳng định đây là số lượng nhỏ và không phải là cổ đông quá quan trọng của công ty ở ngoài ngành để tập trung cho Đề án tái cơ cấu.
Chính vì vậy mà thời gian qua, bên cạnh việc tái cơ cấu vốn sở hữu, Tập đoàn đã thoái 70% vốn đầu tư ngoài ngành. Vì thế, với bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay thì việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Tập đoàn vừa không làm mất vốn Nhà nước mà vẫn bảo toàn được vốn, thậm chí một số khoản vốn có giá bán thị trường cao hơn giá hạch toán hay giá đầu tư ban đầu.
Tuy nhiên, k hó khăn và vướng mắc đối với Vinatex hiện nay là cơ chế, chính sách đối với ngành vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Điều này thể hiện ở việc giá thuê đất còn cao, các địa phương lại không mặn mà với những dự án đầu tư khâu nhuộm – hoàn tất, xử lý nước thải nên khó thu hút các nhà đầu tư chiến lược tham gia trong khi chất lượng chuỗi liên kết sợi – dệt – nhuộm hoàn tất – may còn yếu. Ngoài ra, tỷ trọng xuất nhập khẩu cũng chưa cân đối, làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và giảm giá trị gia tăng của hàng dệt may Việt Nam.
PV: Vậy thì theo ông, Tập đoàn cần phải có những thay đổi gì để thích nghi với điều kiện mới ?
Ông Lê Tiến Trường:Để tái cơ cấu thành công, theo tôi, Tập đoàn phải tập trung đổi mới mạnh mẽ, hoàn thiện mô hình tổ chức và quản trị doanh nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại, minh bạch; trong đó xác định rõ các loại doanh nghiệp để ưu tiên phát triển, thu hẹp, chuyển đổi hoặc xóa bỏ…. Giải pháp tái cơ cấu quy mô toàn Tập đoàn, nhất là mô hình quản trị phải phù hợp với việc cổ phần hóa.
Theo đánh giá chung của Bộ Công Thương, Vinatex đã xử lý nhanh và tốt Đề án tái cơ cấu rút tiền vốn khỏi các khu vực mà không phải là ngành nghề cốt lõi. Toàn bộ xác định giá trị doanh nghiệp công ty mẹ Tập đoàn đến giờ phút này đã được phê duyệt. Phương án cổ phần hóa cũng đã trình Bộ Công Thương và Bộ sẽ thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Với tiến trình như thế này, Tập đoàn hoàn toàn tin tưởng trong 6 tháng đầu năm 2014 sẽ thực hiện IPO công ty mẹ của Tập đoàn.
Bên cạnh đó, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và có nền tảng vững chắc do cổ phần hóa mang lại, tôi cũng hy vọng Vinatex sẽ vững vàng trên lộ trình tái cơ cấu và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông !
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()