Vinacafe rà soát, sắp xếp lại các dự án đầu tư
Kiểm tra chất lượng sản phẩm ở công ty Vinacafe. Trong những năm qua, cùng nhiều biện pháp tăng sản lượng xuất khẩu, không ngừng nâng cao chất lượng cà-phê, Tổng công ty cà-phê Việt Nam (Vinacafe) đã có những bước phát triển mới, hướng tới mục tiêu trở thành Tập đoàn kinh tế Nhà nước trong tương lai không xa.Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội Vinacafe đã đưa ra những giải pháp cụ thể để bảo đảm thực hiện có hiệu quả.Tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chínhĐây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Tổng công ty cà-phê Việt Nam đưa ra nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào việc tăng cường mọi nguồn lực sản xuất, tái canh, thâm canh cà-phê đạt chất lượng tốt. Đồng thời tăng cường công tác chế biến, nhất là chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng. Vinacafe đang hướng tới mục tiêu thay thế, cải...
|
Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm pháp, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội Vinacafe đã đưa ra những giải pháp cụ thể để bảo đảm thực hiện có hiệu quả.
Tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính
Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu được Tổng công ty cà-phê Việt Nam đưa ra nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Trong đó, tập trung vào việc tăng cường mọi nguồn lực sản xuất, tái canh, thâm canh cà-phê đạt chất lượng tốt. Đồng thời tăng cường công tác chế biến, nhất là chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng. Vinacafe đang hướng tới mục tiêu thay thế, cải tạo, tái canh và chăm sóc tốt để đạt năng suất cao, bền vững trên diện tích cà-phê 20 nghìn ha, đạt sản lượng khoảng 55 nghìn tấn cà-phê nhân/năm. Tổng công ty cũng làm nòng cốt cho việc phát triển bền vững, hiệu quả của ngành cà-phê cả nước với tổng diện tích khoảng 450 nghìn ha, sản lượng cà-phê nhân gần 1 triệu tấn/năm, xuất khẩu gần 900 nghìn tấn/năm. Theo dự kiến, từ nay đến năm 2012, Tổng công ty cà-phê Việt Nam đầu tư hơn 950 tỷ đồng để triển khai đồng bộ các giải pháp kỹ thuật trong tái canh cây cà-phê nhằm góp phần thực hiện tốt mục tiêu phát triển cây cà-phê bền vững. Ngay mùa mưa năm nay, Tổng công ty có kế hoạch trồng tái canh hơn 1.000 ha cà-phê. Tổng công ty cà-phê Việt Nam hiện có gần 20.000 ha cà-phê, nằm trên các địa bàn các tỉnh Đác Lác, Gia Lai, Kon Tum, Đác Nông, Quảng Trị. Trong đó các đơn vị thành viên nằm trên địa bàn tỉnh Đác Lắc quản lý nhiều diện tích cà-phê nhất, với 11 nghìn 582 ha. Tổng công ty cũng đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tập trung luân canh, cải tạo đất trước khi đưa vào tái canh cây cà-phê. Đồng thời, chuyển đổi gần 500 ha cà-phê bị sâu bệnh ở các công ty, nông trường thành viên như Đác Đoa, Ia Sao, Buôn Hồ, Ia Ko sang trồng cao-su, ca-cao… Mới đây, Vinacafe cũng đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm xây dựng các mô hình trồng tái canh cây cà-phê để làm cơ sở cho các đơn vị, địa phương trong cả nước học tập triển khai thực hiện. Đồng thời kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách cho các công ty, tổng công ty, địa phương vay vốn ưu đãi để đầu tư cải tạo vườn cây già cỗi, bảo đảm thực hiện có hiệu quả việc tái canh cây cà-phê.
Cắt giảm, sắp xếp lại các dự án đầu tư
Thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, Vinacafe cũng thực hiện rà soát, cắt giảm sắp xếp lại các dự án đầu tư. Theo đó, Tổng công ty đã cắt giảm 34 dự án xây dựng dân dụng và công nghiệp, xưởng chế biến, nhà kho, sân phơi, giao thông nội đồng với tổng vốn đầu tư 59 tỷ đồng. Các dự án thực hiện chỉ tập trung vào xây dựng các nhà máy chế biến cà-phê nhân chất lượng cao, đưa tổng công suất đạt 250 nghìn tấn/năm; Xây dựng các nhà máy cà-phê rang xay ở các vùng có thương hiệu nổi tiếng như Buôn Ma Thuột, Buôn Hồ, Plây Cu, Đà Lạt… với tổng công suất 500 nghìn tấn/năm. Ngoài ra, chỉ thực hiện tu sửa các công trình thủy lợi thiết yếu đang xuống cấp nghiêm trọng, phục vụ sản xuất và dân sinh. Bên cạnh đó, Tổng công ty còn tiến hành rà soát các định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí ở tất cả các khâu sản xuất, chế biến với mục đích hạ giá thành sản phẩm, hạ chi phí kinh doanh để bảo đảm có lợi nhuận cao hơn năm 2010. Năm 2010, lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty đạt gần 260 tỷ đồng, nộp ngân sách hơn 186 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 317 triệu USD. Theo mục tiêu đề ra, trong những năm tới, kim ngạch xuất nhập khẩu ổn định khoảng 450 – 500 triệu USD. Đồng thời trong bối cảnh xuất khẩu gặp không ít khó khăn như hiện nay, Vinacafe phải thực hiện cùng lúc nhiều biện pháp để giữ vững những thành quả năm 2010 và đạt được những mục tiêu đề ra trong năm 2011. Hiện tại Vinacafe đang xây dựng bốn trung tâm thương mại dịch vụ Vinacafe tại Đác Lắc, Gia Lai, Kon Tum và Khánh Hòa. Không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế để học tập kinh nghiệm, liên doanh liên kết và mở rộng thị trường xuất khẩu. Hiện Tổng công ty đang phát triển mạnh mạng lưới tiêu thụ cà-phê trong nước và liên doanh với nước ngoài; đầu tư phát triển 3.000 ha cà-phê chè tại Lào. Từ đó xây dựng và đẩy mạnh quảng bá toàn diện thương hiệu Vinacafe trên thị trường trong và ngoài nước.
Ngoài ra, để tập trung thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 11 của Chính phủ, Tổng công ty tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Theo đó, triệt để tiết kiệm trong sản xuất, mua sắm tài sản, chi tiêu văn phòng, chi phí quản lý, xây dựng cơ bản với mục tiêu tiết kiệm ít nhất 10% so với kế hoạch. Tổng công ty chỉ đạo các đơn vị tham gia công tác an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống cho người lao động, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; góp phần phát triển kinh tế – xã hội và giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn Tây Nguyên.
Theo Nhandan
Ý kiến ()