Cà-phê Việt Nam hiện đứng thứ hai thế giới về sản lượng xuất khẩu, trong đó Tổng Công ty cà-phê Việt Nam (Vinacafe) chiếm khoảng 25 – 30%. Để nâng cao chất lượng, tăng sản lượng xuất khẩu, Vinacafe đang có những bước đi mới góp phần phát triển ngành cà-phê ngày một bền vững.
Hiệu quả qua từng con số
Vinacafe hiện có 56 đơn vị thành viên, chuyên sản xuất, chế biến kinh doanh, xuất nhập khẩu các sản phẩm cà-phê, ca- cao, trải rộng trên 15 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu ở khu vực miền trung và Tây nguyên, vùng đất có nhiều thuận lợi cho cây cà-phê phát triển. Bằng những nỗ lực của mình, sau 15 năm hoạt động theo mô hình Tổng công ty nhà nước, Vinacafe đã xây dựng và phát triển thành một thương hiệu mạnh trong nước và ngoài nước, với hệ thống sản xuất khép kín từ trồng trọt đến chế biến kinh doanh, xuất, nhập khẩu, có quy mô lớn về tổ chức với hơn 33.000 lao động, hằng năm đem lại kim ngạch xuất khẩu cao cho nền kinh tế quốc dân. Tạo việc làm ổn định và thu nhập khá cho hàng trăm nghìn lao động, nhất là người dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm an ninh – quốc phòng. Có thể thấy, hiệu quả hoạt động của Vinacafe được thể hiện qua ba yếu tố chính: bảo tồn và phát triển vốn chủ sở hữu, lỗ lũy kế giảm dần theo từng năm và trong năm năm gần đây làm ăn liên tục có lãi.
Nếu như năm 2001, tổng tài sản chỉ gần 4.000 tỷ đồng thì đến cuối năm 2009 đã tăng lên gần 8.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến 31-12-2005 là hơn 237 tỷ đồng, đến 31-12- 2009 là hơn 1.200 tỷ đồng, tăng 413,83%, trong đó vốn tăng từ Nhà nước cấp bổ sung là hơn 155 tỷ đồng, số còn lại được bổ sung từ lợi nhuận của năm năm (2005- 2009) và nguồn tăng trưởng từ đầu tư. Tổng doanh thu năm 2009 đạt 9.233 tỷ đồng, tăng 110,64% so với năm 2005. Chỉ tính riêng hiệu quả kinh doanh năm năm (2005 – 2009), Vinacafe đạt lợi nhuận hơn 689 tỷ đồng, lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2009 chỉ còn hơn 409 tỷ đồng, giảm 27,71% so với năm 2005. Tổng công ty nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm khoảng 120 tỷ đồng. Thu nhập bình quân năm 2009 đạt 2,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 300% so với năm 2005.
Như vậy trong năm năm (2005- 2009) cùng với việc Nhà nước xử lý tài chính cho Tổng công ty thì hằng năm Vinacafe liên tục sản xuất, kinh doanh có lãi và bù đắp được lỗ lũy kế. Sáu tháng đầu năm 2010, Vinacafe tiếp tục lãi hơn 97 tỷ đồng. Mặc dù tính đến năm 2009, số lỗ lũy kế của Vinacafe còn hơn 409 tỷ đồng nhưng đây là số lỗ lũy kế qua nhiều năm, kéo dài từ năm 1999 đến 2001, khi giá cà-phê xuống thấp (năm 2001, giá bán cà-phê chỉ bằng một phần ba giá thành sản xuất, khoảng 3.000 – 4.000 đồng/kg) nên hầu hết các đơn vị kinh doanh đều gặp khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh không hiệu quả. Tuy nhiên, số nợ này chỉ nằm ở một số công ty con trực thuộc tổng công ty, và cũng chỉ có thể dùng lợi nhuận của từng công ty đó để giảm dần số lỗ lũy kế. Số lỗ lũy kế này sẽ giảm dần từng năm, khi các công ty con làm ăn có lãi thì ngoài việc khấu trừ các chi phí cần thiết, số còn lại được dùng để giảm lỗ lũy kế. Theo định hướng phát triển, trong vài năm tới, tổng công ty sẽ xóa hoàn toàn số lỗ lũy kế hiện tại.
Phát triển ngành cà-phê bền vững
Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinacafe Đoàn Đình Thiêm cho biết: Trong thời gian qua, vấn đề quy hoạch và quản lý quy hoạch ở tầm vĩ mô của tổng công ty còn hạn chế cho nên diện tích, sản lượng tự phát tăng, giảm theo biến động giá trên thị trường thế giới, tác động lớn đến thị trường trong nước. Hơn nữa, lại chưa có hệ thống quản lý chất lượng đồng bộ theo ngành mà chủ yếu dựa và lượng hàng thu mua trên thị trường, chất lượng chế biến cà-phê không đồng nhất do thiết bị vừa thiếu, vừa lạc hậu, việc thu hái không tuân thủ quy trình chặt chẽ từ cơ sở nên chất lượng và giá cả bị ảnh hưởng nhiều, giảm tính cạnh tranh của cà-phê Việt Nam. Về mô hình tổng công ty, tuy đã hình thành tổ chức thống nhất về quản lý tài chính, nhân lực, đất đai nhưng vẫn còn bất cập, chưa huy động được sự tập trung vốn trong nội bộ. Do thiếu vốn hoạt động, nhất là vốn cho thu mua cà-phê xuất khẩu cần một lượng lớn nhưng chỉ dựa vào nguồn vay từ ngân hàng nên bị động, mất thời cơ cạnh tranh trên thị trường. Tổng công ty mong được Nhà nước cấp đủ vốn điều lệ, đồng thời các Ngân hàng thương mại Nhà nước dành một tỷ lệ vốn nhất định để đáp ứng nhu cầu sản xuất và xuất khẩu nông sản, trong đó có cà-phê. Đặc biệt những Tổng công ty Nhà nước lớn như Vinacafe nên có một công ty tài chính để điều chỉnh tín dụng và hỗ trợ vốn các công ty theo thời vụ.
Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn đó, bằng nội lực của mình, Vinacafe đang có những hướng phát triển mới để góp phần đưa ngành cà-phê nước nhà phát triển ngày một bền vững. Đó là việc tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh để đem về lợi nhuận cao hơn, nâng cao đời sống cho công nhân và những người trồng cà-phê. Trong đó, Vinacafe xác định rõ, tập trung mọi nguồn vốn đầu tư vào tất cả các khâu từ trồng trọt, đến chế biến, xuất khẩu cà-phê, không đầu tư ra bất cứ ngành nghề ngoài lĩnh vực nào. Đồng thời có những biện pháp cụ thể để giữ giá cho cà-phê Việt Nam, bảo đảm cho người trồng cà-phê có lãi thỏa đáng. Đặc biệt, Vinacafe đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu trực tiếp từ các công ty đến các nhà rang xay cà-phê ở I-ta-li-a, Đức… từng bước nâng cao giá trị hạt cà-phê, đồng thời tạo dựng uy tín, thương hiệu đúng nghĩa cho cà-phê Việt Nam trên thị trường thế giới.
Ý kiến ()