Viettel triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng phòng COVID-19 quốc gia
Nền tảng đi vào vận hành sẽ giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện – Ảnh: Minh Thi |
Nền tảng gồm 4 hệ thống: Ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử, Cổng công khai thông tin tiêm chủng phòng COVID-19, Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng quốc gia, Trung tâm Đáp ứng (MCC). Cơ sở dữ liệu của nền tảng được quản lý tập trung, đáp ứng tiêu chuẩn đồng bộ, minh bạch về thông tin từ người dân đến các cơ quan quản lý.
Nền tảng đi vào vận hành sẽ giúp người dân tham gia tiêm chủng một cách chủ động, thuận tiện. Toàn bộ quy trình, từ đăng ký tiêm chủng với tra cứu lịch sử, kết quả tiêm chủng đều có thể thao tác qua ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử hoặc Cổng thông tin tiêm chủng phòng COVID-19.
Với ngành y tế, nền tảng này bảo đảm mục tiêu kép, vừa triển khai tiêm chủng nhanh và rộng nhất nhưng vẫn an toàn, hiệu quả, minh bạch, hỗ trợ cho công tác quản lý, giám sát và nghiên cứu.
Nền tảng này cũng giúp các cơ quan của Chính phủ nắm bắt thông tin thời gian thực về khu vực, đối tượng tiêm, hoạt động vận hành-logistics… để đưa ra chỉ đạo nhanh chóng và phù hợp nhất.
Trước khi ra mắt Nền tảng quản lý tiêm chủng phòng COVID-19, Viettel đã có gần 6 năm kinh nghiệm trong triển khai Hệ thống tiêm chủng quốc gia kết nối 14.000 cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc. Hệ thống đã nhận được sự quan tâm, học hỏi từ nhiều quốc gia, trở thành niềm tự hào của ngành y tế Việt Nam.
Bên cạnh kinh nghiệm và nguồn lực để triển khai các hệ thống lớn ở quy mô quốc gia trong nhiều năm, Viettel cũng sở hữu thế mạnh về hạ tầng viễn thông có chất lượng và độ phủ lớn nhất Việt Nam; đội ngũ chuyên gia công nghệ hàng đầu, đặc biệt có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực y tế, an toàn, an ninh thông tin và có khả năng triển khai rộng trên toàn quốc trong thời gian ngắn.
Ông Lê Đăng Dũng, Quyền Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Viettel chia sẻ: “Xác định việc triển khai nền tảng quản lý tiêm chủng là nhiệm vụ trọng tâm phục vụ cho lợi ích cấp bách của đất nước, của nhân dân, Viettel tối đa nguồn lực để bảo đảm việc phát triển, triển khai hệ thống. Toàn bộ nhân lực của Viettel cho đến cả cấp tỉnh, cấp huyện tham gia phát triển, triển khai hệ thống được quán triệt để làm việc với tinh thần thời chiến, đặt lợi ích của nhân dân, đất nước làm trên hết.”
Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 quốc gia sẽ diễn ra trên toàn bộ 63 tỉnh, thành phố với 19.500 điểm tiêm chủng. Thông qua chiến dịch, Bộ Y tế kỳ vọng hết năm 2021, sẽ tiêm vaccine cho tối thiểu 50% người dân từ 18 tuổi trở lên và hết quý I/2022, tiêm được hơn 70% dân số.
Tham gia vào chiến dịch, Viettel được giao nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý tiêm chủng, cụ thể: Xây dựng nền tảng công nghệ quản lý toàn bộ chiến dịch; triển khai hệ thống hồ sơ sức khỏe cá nhân, hệ thống chứng nhận tiêm chủng (hộ chiếu vaccine) và xây dựng tài liệu, phối hợp tổ chức đào tạo, tập huấn cho các tỉnh về chuẩn hóa cơ sở dữ liệu và sử dụng nền tảng quản lý.
Trước đó, để phục vụ công tác phòng, chống dịch, Viettel đã chủ động triển khai nhiều giải pháp công nghệ như: Triển khai hệ thống Telehealth tại hơn 1.500 cơ sở y tế trên cả nước; xây dựng hệ thống Tờ khai y tế điên tử; kết nối và tích hợp hơn 3.000 camera giám sát… Viettel cũng từng bước giải quyết các bài toán chuyển đổi số ngành y, bao gồm Hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm toàn quốc, Hệ thống tiêm chủng toàn quốc, Hệ thống kết nối mạng cơ sở cung ứng thuốc toàn quốc…
Ý kiến ()