Viettel Lạng Sơn: Hành trình 20 năm kết nối hạnh phúc
- Ngày 20/3/2004, POP Lạng Sơn, tiền thân của Viettel Lạng Sơn đã kết nối thành công kinh doanh dịch vụ VOIP 178. Từ đây đã mở ra một hành trình kết nối hạnh phúc, kết nối những giấc mơ để phổ cập sóng di động tới mỗi người dân.
Viettel Lạng Sơn trao học bổng "Vì em hiếu học" năm thứ 10 cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh
Thời điểm trên, chi nhánh chỉ có duy nhất một điểm giao dịch điện thoại đường dài VOIP với 8 cán bộ công nhân viên (CBCNV), điều kiện về trụ sở, phương tiện đặc biệt khó khăn, hạ tầng mạng lưới còn rất sơ khai. Bên cạnh đó, Lạng Sơn là tỉnh có địa hình chủ yếu là đồi núi, việc vận chuyển trang thiết bị để phát triển hạ tầng viễn thông tại các vùng “lõm” sóng vô cùng khó khăn. Dù vậy, với sự quyết tâm và ý chí của người lính, Ban lãnh đạo và CBCNV Viettel Lạng Sơn luôn khát vọng sẽ phát triển mạng di động để bất cứ ai cũng có thể được sử dụng, biến một mặt hàng được coi là xa xỉ thời bấy giờ trở nên phổ biến. Điều này đã trở thành động lực để đội ngũ CBCNV Viettel Lạng Sơn vượt qua mọi khó khăn.
Được sự quan tâm giúp đỡ, tạo điều kiện của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Lạng Sơn, Tập đoàn Viễn thông Quân đội, sau 20 năm, đội ngũ CBCNV Viettel đã nỗ lực phát triển mạng lưới hạ tầng trải rộng khắp từ nông thôn tới thành thị với gần 800 vị trí trạm thu phát sóng di động 2G, 3G, 4G, 5G cung cấp cho gần 700.000 thuê bao các loại. Đó không chỉ là một hạ tầng số hiện đại, an toàn, bảo mật, mà còn là một mạng lưới thông minh với hơn 70% công tác vận hành kỹ thuật đã được tự động hóa. Cùng đó, Viettel Lạng Sơn đã phát triển hệ thống kênh phân phối với 12 cửa hàng trực tiếp, 2 siêu thị, 168 hộ kinh doanh và hơn 3.000 điểm bán bán hàng phủ rộng khắp đến 100% xã, phường của tỉnh. Qua đó, đảm bảo cung cấp các sản phẩm dịch vụ đến khách hàng một cách nhanh và đầy đủ nhất.
Trong 20 năm xây dựng và phát triển, các thế hệ CBCNV Viettel Lạng Sơn đã làm việc không ngừng nghỉ, tạo nên những thành tựu đáng tự hào. Đến nay, đơn vị đã và đang nỗ lực phát triển và tăng trưởng với tổng doanh thu gần 600 tỷ đồng, đóng góp ngân sách nhà nước bình quân 25 tỷ đồng/năm và trở thành nhà mạng số 1 trên địa bàn tỉnh với 74% thị phần về di động và 42% về cố định băng rộng.
Bên cạnh đó, Viettel Lạng Sơn đã phát triển nhiều giải pháp góp phần xây dựng chính quyền điện tử, phát triển và cải thiện nhiều lĩnh vực như giao thông, nông nghiệp, y tế, giáo dục. Trong đó, nổi bật là các giải pháp như: hỗ trợ triển khai hồ sơ và bệnh án điện tử; hỗ trợ đưa nhiều loại nông sản của tỉnh lên sàn thương mại điện tử; xây dựng, lắp đặt gần 40 trạm phát sóng tại các khu vực biên giới, hỗ trợ đắc lực cho các hoạt động quốc phòng, an ninh, hoạt động kinh tế tại đây; triển khai nền tảng chuyển đổi số doanh nghiệp vESS; phát triển dịch vụ thu phí tự động ePass.
Với triết lý kinh doanh gắn liền với trách nhiệm xã hội, Viettel Lạng Sơn đã triển khai nhiều hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc trong 20 năm qua. Trong đó, có nhiều chương trình đã gây tiếng vang trong cộng đồng và được nhiều cấp lãnh đạo tỉnh đánh giá là đơn vị có nhiều đóng góp phát triển kinh tế, xã hội địa phương như: “Bò giống giúp người nghèo biên giới”; “Vì em hiếu học”; “Chung tay chống COVID”; “Sóng và máy tính cho em”; hoạt động tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ… với tổng giá trị các chương trình gần 62 tỷ đồng.
“Trong thời gian tới, toàn thể đội ngũ CBCNV Viettel Lạng Sơn sẽ tiếp tục xây dựng mạng lưới hạ tầng vững chắc, rộng khắp. Từ đó, giúp cho bà con tại các vùng trắng sóng có thể tiếp cận các thông tin một cách nhanh nhất cũng như góp phần phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh nhà”. Ông Bùi Đình Khoa, Giám đốc Viettel Lạng Sơn |
Từ những kết quả tích cực trong sản xuất kinh doanh và sự đóng góp trong công tác xã hội trên địa bàn tỉnh, nhiều năm liền, Viettel Lạng Sơn đã được UBND tỉnh trao tặng cờ, bằng khen về việc hoàn thành xuất sắc hoạt động sản xuất kinh doanh góp phần thúc đẩy phong trào yêu nước, phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, an sinh xã hội.
Phát huy những kết quả đó, Viettel Lạng Sơn đã và đang đề rõ những định hướng phát triển trong thời gian tới. Theo đó, đơn vị nỗ lực thực hiện 5 mục tiêu gồm: tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền địa phương trong công cuộc chuyển đổi số, góp phần vào phát triển kinh tế nói chung và kinh tế số nói riêng; xây dựng thêm 150 trạm phát sóng 4G để chuẩn bị cho việc tắt sóng 2G phục vụ cho công cuộc chuyển đổi số và phát triển 5G; duy trì thị phần số 1 về dịch vụ di động tại tỉnh, phấn đấu phủ sóng di động tới 100% thôn, xóm; phấn đấu hết năm 2024, nâng độ phủ hạ tầng cố định băng rộng đến 100% thôn, xóm và 75% độ phủ hộ dân, từng bước trở thành nhà mạng số 1 về thị phần dịch vụ internet cố định băng rộng; phấn đấu trở thành doanh nghiệp số 1 về thị phần giải pháp công nghệ thông tin; duy trì triển khai các chương trình an sinh xã hội, đảm bảo việc làm, chăm lo đời sống cho gần 800 CBCNV và tạo thu nhập ổn định cho hơn 3.000 kênh bán của Viettel trên địa bàn tỉnh.
Với Viettel Lạng Sơn, sức mạnh lớn nhất của chi nhánh 20 năm qua chính là sự đoàn kết, đồng lòng của toàn thể CBCNV trên cả địa bàn tỉnh trong việc hoàn thành mọi mục tiêu đề ra. Đó là nền tảng quan trọng nhất để đơn vị tiếp tục chinh phục những đỉnh cao mới, hoàn thành những sứ mệnh mà tập đoàn, tổng công ty, chính quyền địa phương giao phó và đáp lại lòng tin yêu của bà con nhân dân Lạng Sơn.
Ý kiến ()