Viettel đứng thứ 2 thế giới về sức mạnh thương hiệu trong lĩnh vực viễn thông
Ngày 26-3, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, Brand Finance – tổ chức hàng đầu thế giới của Anh vừa công bố Bảng xếp hạng giá trị thương hiệu toàn cầu. Tập đoàn Viettel trở thành thương hiệu viễn thông mạnh thứ 2 thế giới, vượt qua nhiều nhà cung cấp dịch vụ viễn thông lớn như Swisscom (Thụy Sĩ), Jio (Ấn Độ), STC (Ả Rập Xê Út)…
Chỉ số sức mạnh thương hiệu (Brand Strength Index - BSI) của Viettel đạt 89,4/100, xếp hạng AAA - mức cao nhất trong các năm và tăng 4,2 điểm so với năm 2023. Chỉ số BSI được xác định dựa trên kết quả khảo sát, phân tích và đánh giá các thuộc tính bao gồm Cảm nghĩ của khách hàng về thương hiệu (nhận thức, yêu mến…) và hành vi của khách hàng với thương hiệu (sử dụng các sản phẩm dịch vụ, sẵn sàng giới thiệu đến người khác, sẵn sàng trả giá cao….).
Chỉ số BSI là yếu tố quan trọng nhất tạo nên giá trị thương hiệu xấp xỉ 9 tỷ USD của Viettel, giúp Viettel giữ vững ngôi vị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á, xếp hạng thứ 9 tại châu Á và thăng một hạng trên thế giới lên bậc 16.
Giải thích lý do cho sự gia tăng vượt bậc về chỉ số BSI của Viettel, ông Alex Haigh – Giám đốc điều hành Brand Finance châu Á - Thái Bình Dương nhận định: “Điều này đến từ những cam kết mạnh mẽ của Viettel trong việc chuyển đổi số và phát triển bền vững, giúp gia tăng giá trị cảm nhận của khách hàng về sự đổi mới sáng tạo, các chỉ số môi trường và cộng đồng tại thị trường Việt Nam”.
Hiện nay, Viettel duy trì vị thế là nhà cung cấp hệ sinh thái số toàn diện nhất hiện nay với 6 lĩnh vực nền tảng: Hạ tầng số, giải pháp số, tài chính số, nội dung số, an ninh mạng và sản xuất công nghệ cao. Các giải pháp, dịch vụ số của Viettel giữ thị phần số 1 trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, chính quyền tỉnh. Viettel cũng là lực lượng nòng cốt đảm bảo an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, năm 2023, Viettel thực hiện xây dựng báo cáo phát triển bền vững với chủ đề “Technology with heart - Công nghệ từ Trái tim”, tập trung vào 6 lĩnh vực trọng yếu là nguồn nhân lực chất lượng cao, kiến tạo xã hội số, an toàn thông tin, biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính, trung tâm dữ liệu xanh thông minh, quản trị minh bạch và trách nhiệm. Các lĩnh vực trọng yếu được xác định thể hiện khát vọng sử dụng công nghệ và năng lực cốt lõi để giải quyết các vấn đề của xã hội, cải thiện cuộc sống của con người và thúc đẩy phát triển bền vững.
Ý kiến ()