VietinBank thực hiện “mục tiêu kép” trong hoạt động kinh doanh
Trong 6 tháng đầu năm, VietinBank đã chủ động, linh hoạt điều tiết cân đối vốn và đổi mới điều hành theo hướng tăng cường huy động các nguồn vốn với chi phí thấp, thay thế nguồn chi phí cao.
Dù thời gian qua đã đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ khách hàng trong và sau dịch bệnh như hạ mạnh lãi suất cho vay, giảm, miễn phí dịch vụ đã ảnh hưởng không nhỏ tới tăng trưởng thu nhập của ngân hàng…, song nhờ đẩy mạnh tái cấu trúc các hoạt động ngân hàng, kiểm soát hiệu quả chi phí kinh doanh, các hoạt động tự doanh, thu ngoài lãi, VietinBank đã cải thiện mạnh mẽ hiệu quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm.
Thực hiện “mục tiêu kép”
Theo đại diện của VietinBank, với vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước trụ cột, chủ lực của nền kinh tế, thời gian qua đơn vị này đã triển khai thực hiện “mục tiêu kép”: vừa đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; vừa đẩy mạnh đổi mới, cải cách, tái cấu trúc hoạt động để phát triển bền vững, bảo đảm hiệu quả hoạt động kinh doanh và lợi ích của cổ đông, gia tăng lợi nhuận để tăng vốn tự có, tạo tiền đề để tăng khả năng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế trong các năm tiếp theo.
Theo đó, VietinBank đã kịp thời triển khai hạ mạnh lãi suất cho vay, giảm lãi, giảm, miễn phí, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư 01 và văn bản hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Đối với khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19, VietinBank đã hỗ trợ hạ lãi suất khoảng 2% cho gần 9.000 khách hàng với dư nợ được miễn giảm lãi suất lên tới hơn 242.000 tỷ đồng; cơ cấu gốc và lãi cho hơn 8.400 tỷ đồng dư nợ gốc, lãi của gần 1.700 khách hàng; giảm, miễn phí giao dịch cho khách hàng, ảnh hưởng giảm khoảng 2 ngàn tỷ đồng thu nhập lãi và phí trong 6 tháng đầu năm.
Ngoài ra, VietinBank cũng hỗ trợ tối đa cho khách hàng để phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau dịch bệnh với tổng doanh số cho vay mới đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch lên tới trên 184.000 tỷ đồng.
Đại diện VietinBank cho biết dư nợ cho vay khách hàng 6 tháng đầu năm riêng lẻ đạt hơn 932.000 tỷ đồng, tăng 0,77% so với cuối năm trước do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nhu cầu tín dụng sụt giảm. VietinBank liên tục triển khai các chương trình, chính sách miễn giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng là những yếu tố ảnh hưởng tới thu nhập lãi và phí dịch vụ của Ngân hàng.
VietinBank đồng thời triển khai nhiều chương trình tín dụng thiết thực hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp và người dân phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, tiêu dùng,… đáp ứng kịp thời, chủ động các nhu cầu vốn cần thiết của nền kinh tế, chủ động tư vấn cho các doanh nghiệp để cơ cấu lại hoạt động trong bối cảnh dịch COVID-19. Do đó đã đóng góp rất quan trọng vào việc phục hồi và phát triển kinh tế đất nước
Kiểm soát tốt chất lượng hoạt động
VietinBank chú trọng quản trị hiệu quả về chi phí, bao gồm cả chi phí vốn, chi phí kinh doanh, chi phí hoạt động và chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Đây là định hướng xuyên suốt trong các năm qua và đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong bối cảnh những chính sách chủ động về miễn giảm lãi, phí hỗ trợ khách hàng chịu tác động của COVID-19 tác động tới thu nhập lãi và thu nhập từ phí dịch vụ.
Trong 6 tháng đầu năm, VietinBank đã chủ động, linh hoạt điều tiết cân đối vốn và đổi mới điều hành theo hướng tăng cường huy động các nguồn vốn với chi phí thấp, thay thế nguồn chi phí cao.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng tận dụng và tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn vốn, phù hợp với nhu cầu tăng trưởng tín dụng để kiểm soát chi phí vốn tổng thể, tạo nguồn lực và cơ sở để giảm lãi suất cho vay. Ngân hàng kiểm soát chi phí hoạt động dịch vụ giảm 0,6% so với cùng kỳ, chi phí hoạt động giảm 4,6% khiến tỷ lệ chi phí hoạt động/thu nhập hoạt động giảm từ 34,2% cùng kỳ năm 2019 xuống còn 30,9%.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cho kỳ kế toán 6 tháng kết thúc 30/6 giảm 10,7% so với cùng kỳ năm trước do ngân hàng nỗ lực kiểm soát chất lượng nợ và triển khai hiệu quả các biện pháp đồng hành, hỗ trợ khách hàng khôi phục hoạt động kinh doanh. Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro giảm so với cùng kỳ mặc dù VietinBank vẫn tiếp tục trích lập thêm dự phòng rủi ro cho trái phiếu VAMC nhanh hơn nhiều so với lộ trình theo quy định.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, VietinBank đã mua lại thêm trên 6.000 tỷ đồng nợ bán VAMC, nâng tổng giá trị nợ mua lại từ thời điểm bán nợ tháng 12/2018 đến nay (sau khoảng 1,5 năm) lên tới gần 6.800 tỷ đồng (chiếm hơn 1/2 mệnh giá ban đầu). Số còn lại, VietinBank cũng đã trích dự phòng rủi ro khoảng 50% giá trị khoản nợ, đẩy nhanh tiến độ thực hiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.
Theo đại diện VietinBank, chất lượng hoạt động đang được kiểm soát tốt. VietinBank thực hiện điều chỉnh cơ cấu danh mục tín dụng, đa dạng hóa và ưu tiên tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực được Chính phủ khuyến khích, phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô và diễn biến từng ngành, lĩnh vực kinh tế. Ngoài ra, tỷ trọng dư nợ giữa các phân khúc khách hàng được cân đối lại bám sát định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. VietinBank tiếp tục duy trì là một trong những ngân hàng có chất lượng nợ tốt nhất với tỷ lệ nợ xấu cho vay riêng lẻ ở mức 1,69%.
Cuối năm 2019, VietinBank đã thành lập Trung tâm Khách hàng phía Nam; tháng 7/2020, VietinBank tiếp tục thành lập Trung tâm Phát triển giải pháp tài chính khách hàng. Đây là những bước đi quan trọng trong chiến lược phát triển của VietinBank, khẳng định tầm vóc của ngân hàng thương mại lớn của đất nước, gắn kết chặt chẽ với chiến lược và quá trình phát triển của đất nước, phát triển VietinBank hiện đại, chuyên nghiệp.
“Song song với ưu tiên nguồn lực để nâng cao chuẩn mực quản trị rủi ro, trích lập dự phòng cho trái phiếu VAMC, lành mạnh hóa bảng cân đối như đã thực hiện xuyên suốt trong thời gian qua, VietinBank sẽ tiếp tục nỗ lực tối đa để khắc phục những hạn chế, khó khăn, tạo dựng những kết quả tài chính tốt nhất. VietinBank xác định đây là giải pháp chủ động quan trọng nhất để gia tăng vốn tự có, tiếp tục giữ vững vai trò là ngân hàng thương mại Nhà nước chủ lực trong cung ứng vốn tín dụng, sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng, tích cực tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, đồng hành phát triển kinh tế cùng các ngành, các vùng và các địa phương,” đại diện VietinBank cho biết thêm./.
Ý kiến ()