VietinBank cho vay doanh nghiệp và cá nhân lãi suất từ 8,95%/năm
Ngày 31-8, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) triển khai đồng thời gói cho vay 10.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp và gói tín dụng 5.000 tỷ đồng cho vay cá nhân sản xuất kinh doanh với lãi suất từ 8,95%/năm.Cụ thể, gói cho vay trị giá 10.000 tỷ đồng triển khai trên quy mô toàn quốc kéo dài đến giữa tháng 9-2012. Với thời hạn vay 12 tháng, chương trình áp dụng cho đối tượng là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt đủ điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của VietinBank, với lãi suất từ 8,95%/năm. Chương trình không áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán và kinh doanh vận tải thủy. Gói tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân vay sản xuất kinh doanh (SXKD) từ nay đến hết năm 2012, áp dụng đối với các khoản vay SXKD mới, được ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân trong thời gian triển khai chương trình. Các khoản vay phục vụ thương nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp nông thôn, các khoản vay...
Cụ thể, gói cho vay trị giá 10.000 tỷ đồng triển khai trên quy mô toàn quốc kéo dài đến giữa tháng 9-2012. Với thời hạn vay 12 tháng, chương trình áp dụng cho đối tượng là các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ đạt đủ điều kiện cho vay theo quy định hiện hành của VietinBank, với lãi suất từ 8,95%/năm. Chương trình không áp dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản, chứng khoán và kinh doanh vận tải thủy. Gói tín dụng trị giá 5.000 tỷ đồng để hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân vay sản xuất kinh doanh (SXKD) từ nay đến hết năm 2012, áp dụng đối với các khoản vay SXKD mới, được ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân trong thời gian triển khai chương trình. Các khoản vay phục vụ thương nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp nông thôn, các khoản vay đặc thù: cho vay kinh doanh tại chợ, cho vay cửa hàng cửa hiệu, cho vay kinh tế trang trại… là các sản phẩm nhận được ưu đãi của chương trình. Chương trình cấp vốn ngắn hạn, trung/dài hạn cho cá nhân, hộ gia đình với lãi suất từ 10,99%/năm.
Công ty TNHH Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân xếp dỡ mã hàng công-ten-nơ đầu tiên
Chiều 31-8, tại bến số 2, 3 và 4 cảng Cái Lân, Công ty TNHH Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân đã tổ chức đón tàu biển MSC PYLOS (Hãng tàu biển MSC – Thụy Sĩ) quốc tịch Morovia chở hơn 1.000 công-ten-nơ vào làm hàng. Đây là hãng tàu biển quốc tế đầu tiên đến bốc xếp hàng công-ten-nơ tại bến 2, 3 và 4 cảng Cái Lân. Theo hợp đồng, tàu biển MSC PYLOS sẽ bốc xếp 2.000 công-ten-nơ tại bến 2, 3 và 4 cảng Cái Lân và định kỳ hằng tuần sẽ có một chuyến tàu vào làm hàng tại đây.
Công ty TNHH Cảng công-ten-nơ quốc tế Cái Lân đang tích cực tìm kiếm thêm bạn hàng để phấn đấu hoàn thành kế hoạch bốc xếp hơn 100.000 TEU qua bến 2, 3 và 4 vào cuối năm 2012.
Được biết, tổng mức đầu tư của Dự án xây dựng bến số 2, 3 và 4 cảng Cái Lân là 155 triệu USD được triển khai thi công từ tháng 12-2010. Đến thời điểm này nhà thầu đã hoàn thành cầu bến số 4 và số 3 với chiều dài 400 m, trong đó có 387 m được Cục Hàng hải Việt Nam cấp giấy phép cho phép tàu vào làm hàng.
Phú Yên không cho phép nuôi thủy sản tại Vũng Rô
UBND tỉnh Phú Yên vừa có công văn chỉ đạo các cơ quan chức năng trong tỉnh giải quyết tình trạng nuôi thủy sản trái phép tại Vũng Rô. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu các doanh nghiệp và hộ gia đình phải kết thúc việc nuôi thủy sản tại khu vực này trước tháng 10 – 2013. Sau đó các doanh nghiệp và hộ gia đình phải tự tháo dỡ hoặc di chuyển lồng, bè để hoàn trả mặt nước cho cảng Vũng Rô mà không yêu cầu bất kỳ một khoản bồi thường nào. Đồng thời, trong thời gian này các ngành chức năng phải tiến hành thu các khoản phí nuôi trồng thủy sản đúng quy định. UBND tỉnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng của tỉnh không cho phép lao động người nước ngoài vào làm việc, nuôi thủy sản tại Vũng Rô.
Đưa vào sử dụng công trình lọc nước biển thành nước ngọt tại đảo Lý Sơn
Ngày 31-8, tại đảo bé An Bình, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), Công ty TNHH công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Doosan Vina) đã chuyển giao công trình lọc nước biển thành nước ngọt cho chính quyền xã An Bình. Công trình có công suất 200 m3/ngày đêm, gồm hai hệ thống hóa hơi nước biển bằng phương pháp thẩm thấu ngược, cùng hai máy phát điện và các công trình phụ trợ và thiết bị đồng bộ khác sẽ giải quyết nhu cầu nước ngọt và nước sạch cho tất cả các hộ dân trên xã đảo này.
Hà Nội tổ chức dạy nghề cho 500 lao động dân tộc thiểu số
Năm 2012, TP Hà Nội tổ chức dạy nghề cho 30.500 lao động nông thôn. Trong đó nhiều trường nghề đã tổ chức các khóa đào tạo trình độ trung cấp nghề và cao đẳng nghề cho 500 lao động nông thôn là người dân tộc thiểu số thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo và hộ cận nghèo, giúp nhiều thanh niên nông thôn tìm được việc làm ổn định, thậm chí xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Tổng kinh phí thực hiện lên tới gần 110 tỷ đồng.
Khu công nghiệp Hiệp Phước có thêm nhà lưu trú cho công nhân
Sáng 31-8, Khu công nghiệp (KCN) Hiệp Phước, huyện Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) đã đưa vào sử dụng khối nhà lưu trú mới cho công nhân (CN) và khu nhà trẻ.
Diện tích sàn xây dựng khu nhà này hơn 4.500 m2, có 83 phòng, dành cho hơn 560 người ở với tổng vốn đầu tư khoảng 28 tỷ đồng. Các phòng ở khu nhà lưu trú mới này được trang bị và cung cấp miễn phí giường, tủ quạt, hệ thống điện thoại, in-tơ-nét, truyền hình cáp… Khu nhà trẻ công lập có thể tiếp nhận 150 trẻ là con của CN lao động trong KCN.
Giá ga tăng 51 nghìn đồng/bình 12 kg
Ngày 31-8, các công ty kinh doanh ga tại TP Hồ Chí Minh cho biết: Từ 7 giờ 30 phút ngày 1-9, giá ga sẽ tăng 4.250 đồng/kg, tương đương tăng 51 nghìn đồng/bình 12 kg so với giá hiện hành. Như vậy, giá ga bán lẻ tới tay người tiêu dùng là từ 418 nghìn đồng đến 425 nghìn đồng/bình 12 kg. Theo các công ty, giá ga trong nước tăng là do giá ga thế giới tháng 9-2012 tăng 175 USD/tấn (lên mức 950 USD/tấn) so với tháng 8-2012.
Đác Nông thu hồi chín dự án đầu tư sản xuất nông, lâm nghiệp không hiệu quả
UBND tỉnh Đác Nông quyết định thu hồi chín dự án đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, với tổng diện tích 5.864 ha. Đây là những dự án được cấp giấy phép trồng rừng nguyên liệu, trồng cây công nghiệp lâu năm và khoanh nuôi bảo vệ rừng từ năm 2004 đến 2009 trên địa bàn các huyện Tuy Đức, Đác Glong, Đác Song và Krông Nô, nhưng triển khai chậm, sai kế hoạch, vi phạm cam kết, nhà đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án. Trong đó có năm dự án thu hồi toàn bộ diện tích do bỏ đất trống không đầu tư, đầu tư sai mục đích, không hiệu quả và để mất rừng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()