Vietcombank hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, kinh doanh
Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Vietcombank đã quán triệt từ Hội Sở chính đến các Chi nhánh, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thực hiện chủ trương, chính sách của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN), để chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn, Vietcombank đã quán triệt từ Hội Sở chính đến các Chi nhánh, thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ hỗ trợ doanh nghiệp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ những giải pháp hỗ trợ đồng bộ…
Từ cuối năm 2012 và những tháng đầu năm 2013, khi mặt bằng lãi suất giảm, thanh khoản của hệ thống có tín hiệu cải thiện tốt, chấp hành chỉ đạo của Chính phủ, Vietcombank đã là ngân hàng tiên phong đi đầu trong việc thực hiện chủ trương giảm lãi suất của NHNN, qua đó luôn duy trì mức lãi suất hợp lý và cạnh tranh trên thị trường.
Cụ thể, tính từ đầu năm 2012 đến nay, qua ba lần giảm lãi suất, mức lãi suất cho vay cao nhất của Vietcombank hiện chỉ còn 13%/năm, lãi suất cho vay bình quân chỉ ở mức 10%/năm.
Riêng các khách hàng kinh doanh thuộc 05 lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao), Vietcombank đang áp dụng mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND là 9%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Thông tư số 16/2013/TT-NHNN ngày 27-6-2013.
Việc hạ lãi suất của Vietcombank đã tạo hiệu ứng lan tỏa toàn thị trường. Ngay sau khi Vietcombank thực hiện giảm lãi suất huy động, nhiều NHTMNN và NHTMCP lớn cũng đã có động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động khiến mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường giảm đáng kể.
Động thái này không chỉ đón đầu mà còn tạo tiền đề cũng như tạo ra sự đồng thuận lớn của các ngân hàng trên thị trường đối với việc thực thi nghiêm túc, triệt để các chủ trương/chính sách của Chính phủ và NHNN trong việc hạ lãi suất để kích thích tăng trưởng kinh tế và bình ổn vĩ mô.
Việc hạ lãi suất cũng là cơ sở quan trọng để các ngân hàng thực hiện hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ khách hàng. Cũng nhờ đó, nhiều khách hàng của Vietcombank đã vượt qua được thời điểm khó khăn, dần ổn định sản xuất, phát triển kinh doanh.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, Vietcombank chủ trương phải đảm bảo chất lượng tín dụng, không hạ chuẩn cho vay trên nguyên tắc không bỏ qua các điều kiện trọng yếu nhưng cũng không quá rườm rà, thách đố, gây khó khăn cho khách hàng.
Mặt khác, Vietcombank còn hỗ trợ doanh nghiệp bằng việc đã đưa ra chính sách giá cạnh tranh, ưu đãi đối với từng khách hàng cụ thể, dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá xếp hạng tín dụng.
Ngoài ra, tiến hành chính sách ưu tiên phát triển dư nợ bán lẻ, chuẩn hoá các bộ sản phẩm tín dụng bán lẻ, giảm lãi suất cho vay đối với một số nhóm khách hàng có chất lượng tín dụng và tài sản đảm bảo tốt.
Song song với việc thực hiện các chương trình tín dụng lớn theo chủ trương của Chính phủ (cho vay thu mua tạm trữ thóc gạo vụ Đông Xuân và Hè Thu, cho vay trong lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản…), Vietcombank đã chủ động triển khai các chương trình cho vay ưu đãi dành cho các đối tượng được ưu tiên với lãi suất ngắn hạn VND thấp nhất có thể là 5,0%/năm.
Một số chương trình cho vay ưu đãi lãi suất hiện đang được Vietcombank triển khai trong năm 2013 như: Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất VND với quy mô 50.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất USD với quy mô 1 tỷ USD; Chương trình VNĐ lãi suất USD quy mô 10.000 tỷ đồng; Chương trình cho vay ưu đãi lãi suất ngắn hạn đối với 50 khách hàng định danh (tốt nhất hệ thống).
Các chương trình ưu đãi lãi suất này đều được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như thông qua các hoạt động tiếp xúc trực tiếp, cụ thể đến khách hàng.
Bên cạnh đó, mọi thủ tục, hồ sơ vay vốn cũng đã được Vietcombank tiết giảm tối đa và đăng tải công khai. Mục tiêu cuối cùng là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp có thể tiếp cận và sử dụng hiệu quả các nguồn ưu đãi để phát triển sản xuất, kinh doanh.
Kết quả trong tám tháng đầu năm 2013, doanh số giải ngân của Vietcombank cho các chương trình này lên tới 111.754 tỷ quy VND. Đối với các khách hàng khó khăn tạm thời, Vietcombank đã xem xét thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-2-2011 và NHNN tại Quyết định số 780/QĐ-NHNN ngày 23-4-2012, đồng thời xem xét cho vay mới đối với những dự án khả thi để các khách hàng có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo nguồn trả nợ.
Như vậy, với chính sách lãi suất và chính sách khách hàng kể trên, Vietcombank đã thể hiện nỗ lực thu xếp nguồn vốn giá rẻ để sẵn sàng đồng hành, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp nói riêng và các tầng lớp khách hàng nói chung.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy là mặc dù nguồn cung tín dụng dồi dào, mặt bằng lãi suất cho vay thấp song tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng nói chung và Vietcombank nói riêng vẫn ở mức khiêm tốn so với kế hoạch đặt ra. Điều này nói lên khả năng hấp thụ vốn của Doanh nghiệp và khách hàng giảm sút
… đến “đồng hành cùng tháo gỡ”
Từ thực tế cho thấy, việc tháo gỡ khó khăn cho Doanh nghiệp và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quan hệ giữa Doanh nghiệp và Ngân hàng đòi hỏi cần phải có sự nỗ lực hơn nữa từ cả hai phía Ngân hàng và Doanh nghiệp.
Về phía Ngân hàng: Chủ động tiếp xúc với khách hàng, tìm kiếm khách hàng tốt thông qua chính sách khách hàng hợp lý (bao gồm cả việc giảm lãi suất và hy sinh lợi nhuận trong ngắn hạn); Tiếp tục có chính sách hỗ trợ Doanh nghiệp khắc phục khó khăn như cơ cấu lại nợ, tính toán lại vòng quay vốn lưu động, miễn và giảm lãi vốn vay… đối với Doanh nghiệp có khả năng phục hồi trên cơ sở khả năng tài chính của tổ chức tín dụng; Thực hiện các biện pháp nâng cao năng lực tài chính và quản trị của Ngân hàng.
Về phía Doanh nghiệp: Lựa chọn các phương án kinh doanh hiệu quả, tập trung vào các mảng sản xuất kinh doanh chủ chốt, có thế mạnh (core business), có khả năng tạo ra dòng tiền bền vững, không đầu tư dàn trải, đầu tư mạo hiểm; Nghiên cứu các biện pháp tiết giảm chi phí sản xuất để tăng khả năng cạnh tranh; Tái cấu trúc kinh doanh theo hướng mạnh dạn cắt bỏ những dự án đầu tư, những hoạt động kinh doanh không cấp thiết, chưa hiệu quả, nhằm củng cố nguồn lực tài chính và quản trị cho các mảng sản xuất kinh doanh chính; Duy trì cơ cấu tài chính cân đối, lành mạnh, quản lý chặt chẽ dòng tiền kinh doanh, minh bạch về báo cáo tài chính; Tăng cường các biện pháp và công cụ quản trị rủi ro trong doanh nghiệp…
Thực tế tình trạng khó khăn hiện nay không phải chỉ đối với doanh nghiệp hay ngân hàng hoặc là khó khăn “hai trong một” của cả Ngân hàng và Doanh nghiệp mà đòi hỏi bên cạnh các giải pháp chỉ trong phạm vi hệ thống ngân hàng thương mại (được cho là không đầy đủ) cần xem xét có thêm các giải pháp từ bên ngoài.
Theo đó rất cần Chính phủ và các cơ quan hữu quan cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý hàng tồn kho; hoàn thiện khung pháp lý đối với các hoạt động mua bán nợ, mua bán tài sản đảm bảo; đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp theo chủ trương, định hướng của Chính phủ nhằm lành mạnh hóa tình hình tài chính doanh nghiệp; có chính sách kích cầu tiêu dùng; và có chính sách trợ giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực quản trị kinh doanh… Có như vậy, sự hỗ trợ tích cực từ phía các Ngân hàng, sự nỗ lực, cố gắng từ phía các Doanh nghiệp mới có thể gặt hái được thành quả tích cực dần ổn định sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()