Viết tiếp lịch sử đáng tự hào giữa hai đất nước, dân tộc
Sau nhiều nỗ lực của cả Nga và Việt Nam, công tác chuẩn bị dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại “thủ đô phương bắc” nước Nga đang gấp rút hoàn thiện, sẵn sàng cho lễ khánh thành đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu đến Petrograd, nay là Saint Petersburg (30/6/1923-30/6/2023).
Hoạt động tặng tài liệu tiếng Nga cho các cơ sở giáo dục tại Việt Nam. (Ảnh Trung tâm Khoa học và Văn hóa Nga tại Hà Nội) |
Đứng dưới tượng Bác cao ba mét, giữa khung cảnh mùa hè Saint Petersburg dịu dàng với nhiều dấu tích lịch sử, người dân hai nước rất tự hào, xúc động: Bác đã đến, và mãi hiện diện nơi đây.
Nỗ lực từ hai phía
Tháng 9/2019, tại hội thảo về di sản tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh diễn ra ở Saint Petersburg, Thống đốc Saint Petersburg Alexander Beglov (A.Be-gơ-lốp) vui mừng thông báo kế hoạch dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại “thủ đô phương bắc” của Nga. Quyết định được đưa ra cùng ngày trước đó, trong buổi làm việc giữa đại diện chính quyền thành phố và đồng chí Võ Văn Thưởng, thời điểm đó là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Một năm sau, tháng 10/2020, Saint Petersburg tổ chức lễ đặt phiến đá tại vị trí dự kiến dựng tượng Người. Vị trí dự kiến dựng tượng – nơi giao nhau giữa con phố mang tên “Hồ Chí Minh” và đại lộ “Khai sáng”, được đánh giá là vị trí có tính biểu tượng cao, mảnh đất đắc địa, với mặt chính hướng về phía đông, phía Việt Nam.
Saint Petersburg không còn xa lạ với người dân Việt Nam. Thành phố có hàng trăm cây cầu tự hào về những trang sử chung với “dải đất hình chữ S”. Chính từ thành phố cảng này, Chủ tịch Hồ Chí Minh tận mắt chứng kiến một đất nước Liên Xô đang nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh, tích cực xây dựng, kiến thiết lại đất nước.
Tròn 100 năm kể từ khi Bác đến Liên Xô, bến tàu nơi Người đặt chân đến vẫn bình yên lặng sóng. Nhưng câu chuyện về hành trình của Người trào dâng trong trái tim mỗi người dân.
Nhiều công trình nghiên cứu, tài liệu đã viết, trước chuyến đi lần đầu đến quê hương Cách mạng Tháng Mười, khi được Trung ương Đảng Cộng sản Pháp cử đi Liên Xô dự Đại hội Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc phải chuẩn bị rất cẩn thận để rời Paris một cách bí mật, do hồi ấy từ Pháp đi Liên Xô rất nguy hiểm.
Nguyễn Ái Quốc đã viết một số bài cho các báo của Đảng Cộng sản Pháp để khiến mọi người tưởng rằng Người vẫn đang ở Pháp, đồng thời tỏ ra nhàn rỗi, không tham gia các hoạt động chính trị. Sáng đi làm, chiều vào thư viện hoặc bảo tàng, tối xem phim. Dần dần, mật thám không còn thiết theo gót Nguyễn Ái Quốc.
Thời đó, vì nguy hiểm, từ Paris đến Moskva chỉ có một con đường duy nhất là qua Đức. Tối 13/6/1923, như mọi lần, Nguyễn Ái Quốc mua vé xem buổi chiếu phim cuối cùng. Giữa chừng, Người ra khỏi rạp, nhanh chóng xuống xe điện ngầm đến ga xe lửa ở phía bắc Paris, rồi đáp xe lửa đến Berlin (Đức). Ngày 27/6/1923, Nguyễn Ái Quốc, với hộ chiếu mang tên Chen Vang, được đưa xuống tàu Karl Liebknecht (Các Líp-nếch), rời Hamburg. Ngày 30/6/1923, Nguyễn Ái Quốc đến cảng Petrograd.
Trước khi đặt chân đến Liên Xô, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khao khát được đến đất nước của lãnh tụ V.I.Lênin, để học tập và trau dồi kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh sắp tới của dân tộc mình. Người đánh giá rất cao Luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, giúp Người tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Chính quãng thời gian sống, làm việc tại Liên Xô đã góp phần giúp Nguyễn Ái Quốc đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân Việt Nam đến thắng lợi vẻ vang.
Niềm vinh dự lớn lao
Sau khi đặt phiến đá nặng gần 10 tấn, hai phía Việt Nam và Nga đã tích cực thúc đẩy, để dự án dựng bức tượng thứ năm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Nga diễn ra đúng kế hoạch. Tiến độ dựng tượng luôn là nội dung quan trọng trong các cuộc gặp, làm việc giữa Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi với đại diện chính quyền Saint Petersburg.
Nhiều lần khẳng định các cấp lãnh đạo hai nước ủng hộ và đánh giá cao dự án dựng tượng, Đại sứ và lãnh đạo thành phố vẫn không giấu nổi niềm vui về những tiến triển trong thực hiện dự án.
Quyết định của chính quyền Saint Petersburg dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh là minh chứng cho tình cảm nồng hậu và sự kính trọng sâu sắc mà người dân Nga dành cho vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam, cũng là minh chứng của mối quan hệ hữu nghị hợp tác gắn bó chặt chẽ giữa hai nước. Càng gần đến ngày khánh thành tượng Bác, chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn những tình cảm nồng ấm mà người dân Nga dành cho Người.
Giữa tháng 5 vừa qua, trong xưởng đúc tượng Denis ở Saint Petersburg, những người thợ vẫn cặm cụi ghép những tấm đồng dày lên từng phần tượng. Trong không gian nồng mùi sơn, ánh đèn ám mầu khói, tượng Bác đặt giữa trung tâm xưởng dần được hoàn thiện. Đoàn Đại sứ quán Việt Nam tại Nga bước vào, hồ hởi đi vòng quanh, bất chợt dừng lại: “Đúng tượng Bác đây rồi. Đôi dép cao-su của Bác đây rồi”.
Ông Dương Chí Kiên, doanh nhân người Việt tại Saint Petersburg đồng hành cùng dự án dựng tượng chia sẻ, cuối tháng 2 năm nay, xưởng Denis vui mừng đón phôi tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau hành trình phôi được vận chuyển từ Việt Nam sang Almaty (Kazakhstan) bằng máy bay, rồi từ đó đến Saint Petersburg bằng xe tải. Những người thợ nhớ lại, lúc nhận phôi tượng, ai cũng hãnh diện vì trọng trách được giao.
Trong xưởng, ông Vladimir Kornilov (V.Co-nhi-lốp) quấn khăn trùm đầu, vẫn để lộ những sợi tóc bạc. Khuôn mặt ông lúc nào cũng tươi tắn, không giấu nổi vinh dự thực hiện một tác phẩm mang tính biểu tượng cao. Sự kính trọng dành cho lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam nhắc ông và các đồng nghiệp làm việc một cách trách nhiệm, cẩn trọng. Với họ, tượng Bác sẽ viết tiếp lịch sử chung đáng tự hào giữa hai dân tộc Việt Nam và Nga.
Từ Việt Nam sang, ngắm nhìn tượng Bác đã hoàn thiện, ông Nguyễn Văn Võ, nhà điêu khắc, tác giả bức tượng cùng nhiều đồng nghiệp Việt Nam cảm thấy rất hài lòng. Tinh thần của tượng cơ bản được giữ nguyên từ mẫu đất sang chất liệu đồng. Theo tác giả bức tượng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người rất thích đọc sách và hay đi công tác. Ý tưởng bức tượng được lấy từ hoàn cảnh Bác dừng ven đường, ngồi trên mỏm đá đọc sách.
Mấy năm nay, kiến trúc sư Anatoly Chernov (A.Che-rơ-nốp) và con gái, cũng là đồng nghiệp của ông mỗi lần đến dự hội thảo, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam, đều mang theo mình bản thảo chi tiết phối cảnh khuôn viên dựng tượng. Việc được chọn thực hiện dự án trở thành niềm tự hào của ông Chernov. Người kiến trúc sư biết ơn số phận đã chọn ông và các đồng nghiệp. Cơ duyên này đã giúp uy tín, danh tiếng của họ tăng lên.
Tư tưởng Hồ Chí Minh sống mãi
Từ khi công bố dự án dựng tượng Người, Phó Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Saint Petersburg Vyacheslav Kalganov (V.Can-ga-nốp) luôn trăn trở về tiến độ dự án. Tình yêu với Việt Nam trong người đàn ông này thường được chúng tôi miêu tả bằng việc “có thể thảo luận về quan hệ hai nước hằng ngày”. Chúc mừng về bước phát triển mới trong quan hệ Việt-Nga, ông Kalganov hạnh phúc: Công trình không chỉ tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn quảng bá di sản, tư tưởng của Người sống mãi.
Tình cảm người dân Nga dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh được thể hiện bằng nhiều cách. Là đôi mắt ngấn lệ của kiến trúc sư Chernov khi lắng nghe ca khúc ngợi ca Người. Là sự mừng vui của ông Kalganov khi đón nhận hiện vật về Bác. Và cả câu chuyện cảm động của cựu chiến binh Alexey Skreblyukov (A.Xcre-bliu-cốp) (Học viện truyền thông quân đội, Saint Petersburg) về vinh dự được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ông Skreblyukov rưng rưng: “Hồ Chí Minh là lãnh tụ kính yêu của người dân Việt Nam, và của cả tôi”.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đến Liên Xô. Những tư liệu quý về Bác trở thành niềm tự hào của những người làm công tác lưu trữ, trong đó có Chủ tịch Ủy ban Lưu trữ Saint Petersburg Petr Tishchenko (P.Ti-schen-cô).
Với ông Tishchenko, trưng bày những thông tin về cuộc đời Người mang lại nhiều cảm hứng mới. Đó là câu chuyện xứng đáng trở thành lý tưởng. Nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành điển hình cho tình yêu dành cho quê hương, đất nước, khả năng lãnh đạo. Bác Hồ là người đặt nền móng cho quan hệ Việt-Nga. Mỗi bước đi của Người trên địa cầu này cần được kể lại cho các thế hệ sau.
Những tâm tư, nguyện vọng của người dân hai nước giúp chúng tôi tin rằng, bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” tại Saint Petersburg. Gần đó, ngôi trường 488 rất tự hào với bảo tàng về Bác, nơi chào đón mọi người ghé thăm, tìm hiểu cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người, nơi cũng truyền cảm hứng để những thế hệ trẻ viết tiếp câu chuyện về tình hữu nghị hai nước.
“Thủ đô phương bắc” nước Nga có hàng trăm cây cầu, nhưng trong những ngày lịch sử này, có một cây cầu được nhắc đến nhiều hơn cả. Đó là cầu nối hữu nghị Việt-Nga. Bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là một trong những “cây cầu hữu nghị” đó.
Nguồn:https://nhandan.vn/viet-tiep-lich-su-dang-tu-hao-giua-hai-dat-nuoc-dan-toc-post758742.html
Ý kiến ()