Viết tiếp bản hùng ca trên quê hương anh hùng
LSO-Kỷ niệm 590 năm chiến thắng Chi Lăng lịch sử (10/10/1427- 10/10/2017) là dịp để thế hệ hôm nay và mai sau thể hiện sự tôn kính, khắc ghi công ơn của các bậc hiền tài, nghĩa sỹ và người dân Chi Lăng đã anh dũng chiến đấu, hy sinh trên mảnh đất lịch sử. Nhân dịp này, phóng viên Báo Lạng Sơn đã gặp gỡ các thế hệ, những người đang viết tiếp bản hùng ca trên quê hương anh hùng.
Bà Vi Thị Thu Hường, Phó Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin, Trưởng Ban Quản lý di tích lịch sử và danh thắng huyện Chi Lăng:“ Tăng cường phát huy giá trị lịch sử, thu hút khách du lịch về thăm các di tích”.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Chi Lăng anh hùng, lại được công tác trong lĩnh vực văn hóa, bà Vi Thị Thu Hường rất vui và tự hào khi thấy các di tích, danh thắng của quê hương mình ngày càng được quan tâm, trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị. Đặc biệt là Khu di tích lịch sử Chi Lăng (gồm 52 điểm di tích) được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp Quốc gia từ năm 1962, ngày càng thu hút đông khách du lịch đến tham quan, học tập truyền thống lịch sử dân tộc. Số lượt khách đến tham quan tại các điểm di tích trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt khoảng gần 70.000 lượt khách (tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ 2016).
Bà Hường chia sẻ: Để tiếp tục phát huy được giá trị của di tích trên địa bàn huyện, tôi và các đồng nghiệp sẽ cố gắng làm tốt công tác quản lý, đồng thời nghiên cứu, tham mưu cho UBND huyện và kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa tiếp tục chú trọng đầu tư, tu bổ, cắm mốc khoanh vùng bảo vệ các di tích, ngày càng phát triển, phát huy giá trị, xứng với tầm vóc lịch sử.
Ông Vy Ngọc Lưu, cựu chiến binh, trưởng thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng:“Phát triển kinh tế gắn liền với giáo dục truyền thống lịch sử”.
Mặc dù đã ngoài 60 tuổi nhưng trưởng thôn Vy Ngọc Lưu vẫn thường xuyên trực tiếp đến các hộ dân tuyên truyền, vận động bà con chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quan tâm, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; tập trung phát triển kinh tế, xây dựng đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp. Nhờ đó, Quán Thanh luôn được biết đến như một thôn kiểu mẫu trong xã và giữ vững danh hiệu thôn văn hóa trong nhiều năm liền.
Ngoài việc thôn, việc làng, ông Lưu còn tham gia làm trưởng ban quản lý đền Quỷ Môn. Ông cho biết: Quỷ Môn là ngôi đền linh thiêng, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa tinh thần trên mảnh đất Chi Lăng anh hùng. Trong thời gian tới, nhờ nguồn vốn xã hội hóa, đền sẽ được trùng tu, tôn tạo mở rộng diện tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu của khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Anh Phạm Hùng Mạnh, Bí thư Đoàn Trường THPT Chi Lăng:“Luôn cố gắng truyền tải những kiến thức lịch sử đến đoàn viên thanh niên”.
Anh Phạm Hùng Mạnh cho biết: Được sinh ra và lớn lên trong thời bình chỉ biết đến chiến tranh qua những trang sách hay trên đài, báo, truyền hình nhưng tôi luôn tự hào về những chiến công hiển hách mà các thế hệ cha anh đi trước đã chiến đấu, hy sinh để và bảo vệ quê hương Chi Lăng nói riêng và đất nước ta nói chung, đặc biệt là chiến thắng Chi Lăng lịch sử.
Với cương vị là thủ lĩnh thanh niên, anh luôn gương mẫu và nêu cao vai trò trách nhiệm của bản thân đối với tổ chức Đoàn để tuyên truyền và giáo dục tư tưởng đạo đức cách mạng cho các bạn đoàn viên thanh niên. Đồng thời qua các hoạt động ngoại khóa hay ngoài giờ lên lớp, anh luôn tích hợp vào đó những nội dung như: tìm hiểu về lịch sử của nhà trường, lịch sử xây dựng và phát triển của huyện, hay buổi buổi lao động tình nguyện dưới nhà trưng bày – bảo tàng chiến thắng Chi Lăng.
Nhóm PV
Ý kiến ()