Thứ 3, 24/12/2024 08:44 [(GMT +7)]
Việt Nam "xuất siêu" du học
Chủ nhật, 15/01/2012 | 15:03:00 [(GMT +7)] A A
Năm 2011, lượng du học sinh (DHS) Việt Nam tiếp tục phát triển đáng nể ở nhiều quốc gia.
Theo thống kê của Cục Đào tạo với nước ngoài (Bộ GD&ĐT), nước ta hiện có trên 100.000 DHS theo học tại 49 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó khoảng 90% đi học bằng kinh phí tự túc. Con số này đã tăng gấp 10 so với 10 năm trước.
Du học Mỹ: Tăng ngoạn mục
Tuy lượng DHS Việt đến Úc có vẻ chững lại nhưng đây vẫn là quốc gia có nhiều DHS Việt nhất (khoảng 25.000 người). Xếp thứ nhì là Mỹ (14.888 người), kế tiếp là Trung Quốc (12.500), Singapore (7.000), Anh (6.000), Pháp (5.540), Nga (5.000), Nhật Bản (3.500).
Trong số các quốc gia kể trên, số DHS tại Mỹ gia tăng một cách ngoạn mục, thậm chí nhiều trường đại học ở Mỹ còn đưa Việt Nam vào “danh sách” thị trường mới nổi “rất đáng chú ý”. Gần đây nhất, bản báo cáo thường niên về biến động trong giáo dục quốc tế ở Mỹ Open Doors 2011 đã thống kê số lượng sinh viên Việt Nam trong năm học 2010-2011 đã tăng 14%. Việt Nam hiện xếp thứ tám trong số những nước có nhiều sinh viên du học nhất ở Mỹ so với vị trí thứ 20 cách đây năm năm. Phần lớn DHS theo học ở bậc đại học, chiếm khoảng 72,1% tổng số DHS, 15,2% là cao học, 9,9% ở các cấp học khác và 2,8% học nghề.
Du học sinh EF (Education First) trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: INTERNET
Xu thế mới trong chọn ngành
Tuy nhiên, theo cô Nguyễn Thị Thanh Trí, điều phối viên của tổ chức International Student Exchange, hiện du học Mỹ bậc trung học đang có xu hướng gia tăng. Nhiều bậc cha mẹ tin rằng cho con ra nước ngoài sớm sẽ tạo nền tảng vững chắc cho trẻ ở bậc ĐH vì trẻ sẽ được trang bị các kỹ năng sống, làm việc theo nhóm, kỹ năng trình bày – vốn rất cần thiết ở bậc ĐH Mỹ nhưng lại là điểm yếu của đại đa số HS Việt Nam.
Cũng theo cô Thanh Trí, việc chọn ngành ở bậc ĐH cũng đang có sự thay đổi lớn. Nếu trước đây hầu hết DHS chọn học ngành quản trị kinh doanh thì giờ đây họ đã mở rộng đăng ký vào ngành tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, hóa – sinh.
Xu thế chọn ngành của DHS Việt ở Mỹ cũng không khác biệt so với DHS theo học tại các quốc gia khác. Theo đúc kết của ông Nguyễn Xuân Vang, Cục trưởng Cục Đào tạo với nước ngoài, phần đông DHS diện tự túc thường chọn các ngành kinh tế, tài chính, trong khi DHS được học bổng của Bộ GD&ĐT chủ yếu theo các ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ, quản lý.
Pháp, Đức vùng lên thu hút DHS
Các nước phát triển đã coi việc “nhập khẩu” DHS mang lại nhiều lợi ích cho quốc gia, trong đó không thể không chú ý đến thị trường Việt Nam. Các triển lãm du học quy mô lớn với sự hậu thuẫn của các đại sứ quán nối tiếp nhau diễn ra ở cả ba miền Nam, Trung, Bắc, đó là chưa kể nhiều hội thảo, triển lãm nhỏ của các trường tự tổ chức. Thậm chí năm 2011, du học Pháp đã “vùng lên” khi tổ chức hai đợt triển lãm du học chỉ cách nhau bốn tháng (đợt một vào tháng 8-2011, đợt hai vào tháng 12-2011). Nước Đức chưa có nhiều DHS Việt Nam cũng đã góp mặt chung với Pháp ở đợt triển lãm lần thứ hai.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David B. Shear từng bày tỏ: “Chúng tôi mong sẽ có thêm nhiều sinh viên Việt Nam hơn nữa tới Mỹ – nơi họ có thể khai thác một hệ thống giáo dục đại học có chất lượng cao nhất và đa dạng nhất trên thế giới”. Tuyên bố trên không quên đi kèm với tiếp thị quả thật là khôn khéo.
Không có những đợt quảng bá du học rầm rộ nhưng các trường ĐH của Singapore, Phần Lan có cách làm riêng qua việc tổ chức thi tuyển, phỏng vấn trực tiếp HS Việt. Những HS trúng tuyển – đa phần là “tinh hoa” của các trường chuyên, trường điểm được hưởng học bổng hoặc được Chính phủ cho vay tiền học. Rõ ràng, không chỉ cạnh tranh về mặt thông tin, các nước có nền giáo dục tiên tiến còn cạnh tranh về mặt chính sách.
Du học Úc: Chững lại!
Đơn cử như ở Úc, dự luật thay đổi chính sách visa bắt đầu có hiệu lực từ tháng 11-2011, bao gồm hàng loạt những đổi thay quan trọng như DHS tốt nghiệp chương trình bậc cử nhân trở lên sẽ được cấp visa làm việc dài 2-4 năm và không buộc phải làm việc cho ngành nghề cố định nào. Những thay đổi quan trọng gồm: Sinh viên du học không cần chứng minh thu nhập bình quân/tháng như trước đây mà chỉ cần chứng minh có đủ tiền cho khóa học. SV có thể đăng ký học tiếng Anh tại Úc mà không cần có chứng chỉ tiếng Anh IELTS hay TOEFL trước khi sang như trước đây. Giảm yêu cầu về tiền gửi tiết kiệm cho các loại visa học tiếng Anh, nghề và các khóa không chứng chỉ xuống dưới 36.000 đô la Úc (so với quy định cũ yêu cầu số tiền phải có trong tiết kiệm hoặc tài khoản cá nhân tương đương khoảng 60.000-70.000 đô la Úc)… Những đổi mới trên có nâng cao khả năng cạnh tranh của nền giáo dục Úc trên trường thế giới hay không còn là chuyện “hạ hồi phân giải”. Thế nhưng theo nhiều công ty tư vấn du học, tỉ giá đồng đô Úc cao kéo theo chi phí du học Úc tăng đã khiến không ít phụ huynh chuyển hướng cho con sang học ở các quốc gia khác.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()