Việt Nam vươn lên thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar
Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam-Myanmar tăng từ 250 triệu USD năm 2011 lên 860 triệu USD năm 2018, trung bình hơn 19%/năm, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc Myanmar, ngày 18/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã tiếp Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Soe Win; thăm cán bộ nhân viên Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Yangon; làm việc với đại diện một số doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.
Tại buổi tiếp Bộ trưởng Kế hoạch và Tài chính Soe Win, hai bên đánh giá hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, tài chính-ngân hàng giữa Việt Nam và Myanmar trong thời gian qua đã có nhiều khởi sắc, đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Đáng lưu ý, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ 250 triệu USD năm 2011 lên 860 triệu USD năm 2018, trung bình hơn 19%/năm, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn thứ 9 của Myanmar.
Hai bên bày tỏ hài lòng việc Việt Nam đã vươn lên thành nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 7 của Myanmar với 18 dự án lớn và tổng vốn đăng ký đạt gần 2,2 tỷ USD, nổi bật là dự án đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông Quân đội ( Viettel ) trong lĩnh vực viễn thông.
Ngoài các tập đoàn lớn như Hoàng Anh Gia Lai, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam ( BIDV )…, các doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng đang tăng cường đầu tư vào Myanmar như FPT, VNPT, Đông Á, Minh Đức, Eurowindow…
Cho đến nay, 4 tổ chức tài chính của Việt Nam đã có văn phòng đại diện hoặc văn phòng chi nhánh tại Myanmar.
Hai bên nhất trí đánh giá Việt Nam và Myanmar là hai nền kinh tế có nhiều điểm tương đồng, nhưng vẫn có thể bổ trợ cho nhau nếu biết tận dụng các tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao việc Chính phủ Myanmar đã quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh, đầu tư tại Myanmar trong thời gian qua.
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ trưởng Soe Win tiếp tục chỉ đạo, tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là về đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm dịch và thông quan, thu hẹp danh mục các mặt hàng nhập khẩu cần xin phép, thực hiện đăng ký sở hữu tài sản đã đầu tư tại Myanmar cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Phó Thủ tướng cũng đánh giá cao việc Ngân hàng Trung ương Myanmar vừa qua đã ban hành một số chính sách, quy định, tạo thuận lợi cho các tổ chức tín dụng nước ngoài, trong đó có Việt Nam, hoạt động và đóng góp cho sự phát triển của thị trường tài chính Myanmar; đề nghị phía Myanmar tiếp tục cho phép các tổ chức tín dụng của Việt Nam thiết lập và mở rộng hiện diện tại Myanmar.
Bộ trưởng Soe Win khẳng định Chính phủ Myanmar đang nỗ lực đơn giản hóa thủ tục nhằm tạo môi trường đầu tư thông thoáng cho doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam; tuy nhiên cũng cho rằng đây là quá trình đòi hỏi cần có thời gian, nên mong các doanh nghiệp Việt Nam kiên nhẫn và hợp tác với phía Myanmar.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Soe Win cũng đã trao đổi phương hướng giải quyết khó khăn,vướng mắc trong lĩnh vực tài chính của một số doanh nghiệp ta như Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và BIDV.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đến thăm cán bộ nhân viên Đại sứ quán và gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Yangon; thăm văn phòng đại diện của một số doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu tại Myanmar, gồm BIDV, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Viettel, Việt Nam Airlines, Trung tâm chăm sóc khách hàng công ty FastGo của Tập đoàn VinaCapital; và gặp gỡ Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam vừa được thành lập tại Myanmar.
Tại buổi nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán, bà con Việt kiều và doanh nghiệp, Phó Thủ tướng đã thông tin về tình hình phát triển kinh tế-xã hội và một số thành tựu quan trọng của nước ta thời gian qua; đồng thời thông báo một số kết quả nổi bật trong các cuộc hội đàm và tiếp xúc với Lãnh đạo cấp cao Myanmar trong chuyến thăm.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh Chính phủ và nhân dân Myanmar luôn coi trọng tăng cường quan hệ hữu nghị và Đối tác Hợp tác Toàn diện với Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực; trong đó quan tâm thúc đẩy hơn nữa các hoạt động giao lưu nhân dân, tận dụng đường bay thẳng giữa hai nước với tần suất 7 chuyến/tuần cũng như việc hai nước có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, lịch sử và tôn giáo.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc hai bên đang thúc đẩy hoàn tất thủ tục mở rộng thời hạn miễn thị thực từ 14 ngày hiện nay thành 30 ngày cho người mang hộ chiếu phổ thông sẽ góp phần tạo thuận lợi cho việc đi lại của công dân hai nước, thúc đẩy giao thương cũng như du lịch, văn hóa, thể thao…
Phó Thủ tướng cho rằng cộng đồng người Việt tại Myanmar hiện với số lượng khiêm tốn, nhưng có nhiều tiềm năng phát triển, mở rộng trong tương lai do ngày càng có nhiều doanh nghiệp Việt Nam quan tâm kinh doanh, đầu tư tại Myanmar.
Phó Thủ tướng mong muốn cộng đồng tuân thủ luật pháp sở tại, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau và có nhiều hoạt động thiết thực đóng góp cho quan hệ hai nước.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, công tác lãnh sự và cộng đồng nhằm hỗ trợ kịp thời và hiệu quả doanh nghiệp và bà con người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại địa bàn.
Trong các cuộc làm việc với doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Phó Thủ tướng cho biết Lãnh đạo hai nước đã cam kết tạo thuận lợi hơn nữa cho hợp tác thương mại và đầu tư, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mục tiêu trên 1 tỷ USD vào năm 2020, đồng thời tăng mạnh đầu tư hai chiều.
Phó Thủ tướng hoan nghênh các nỗ lực và đóng góp tích cực của cộng đồng doanh nghiệp tại Myanmar trong việc thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar; đánh giá cao các doanh nghiệp đã chủ động, tích cực tháo gỡ khó khăn, khai thác tối đa lợi thế của hai nước, từng bước khẳng định vị thế ở sở tại.
Phó Thủ tướng cho rằng với tình hình Myanmar hiện nay, Chính phủ Myanmar đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy hợp tác với các đối tác nước ngoài, trong đó có Việt Nam; các doanh nghiệp cần kiên nhẫn và cùng Chính phủ hai nước tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các doanh nghiệp tuân thủ nghiêm túc luật pháp sở tại, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội của Myanmar, có các chương trình thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR); phối hợp với các bộ, ngành trong nước đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư giữa hai nước.
Phó Thủ tướng cho biết đã trao đổi với các nhà Lãnh đạo Myanmar về các biện pháp nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng, viễn thông, khai khoáng, năng lượng…
Phó Thủ tướng đề nghị phía Myanmar tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo môi trường an toàn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có đơn giản hóa thủ tục, rút ngắn thời gian kiểm dịch và thông quan cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, thu hẹp danh mục các mặt hàng cần xin giấy phép, đẩy nhanh tiến độ cấp phép, có cơ chế chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư Việt Nam, giải quyết thỏa đáng các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp Việt Nam.
Tại cuộc gặp với Câu lạc bộ doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, Phó Thủ tướng hoan nghênh Câu lạc bộ vừa được thành lập ngày 28/5/2019 với 30 hội viên và tôn chỉ hoạt động “Gắn kết, hợp tác, thành công”. Phó Thủ tướng chúc Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, mở rộng mạng lưới thành viên và hợp tác tốt với Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, xây dựng cộng đồng doanh nhân Việt Nam tại Myanmar đoàn kết, vững mạnh, ngày càng phát triển, có nhiều đóng góp thiết thực cho hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư và quan hệ hai nước./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()