-------------------***-------------------
-------------------***-------------------
Cánh cửa nâng tầm vị thế Việt Nam
Hội nghị Bộ trưởng phụ trách Pháp ngữ lần thứ 12 họp tại Bucharest (Romania) tháng 12-1998 đã chính thức thông qua tên gọi của Cộng đồng các nước có sử dụng tiếng Pháp là Tổ chức quốc tế Pháp ngữ (OIF). Đến nay, OIF gồm 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc 5 châu lục. Hoạt động hợp tác đa phương của OIF trải rộng trên nhiều lĩnh vực như: Giáo dục và đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp, văn hóa và truyền thông, công nghệ mới về thông tin và liên lạc, môi trường, năng lượng, đoàn kết vì phát triển, hòa bình dân chủ...
Việt Nam gia nhập Cơ quan hợp tác văn hóa và kỹ thuật (ACCT - tiền thân của OIF) vào năm 1979. Trong 45 năm qua, đặc biệt trong thời kỳ bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã tranh thủ được nhiều sự giúp đỡ, hỗ trợ quý báu của Cộng đồng Pháp ngữ về nguồn vốn, chất xám, kỹ thuật... Đồng thời, Cộng đồng Pháp ngữ là diễn đàn để Việt Nam triển khai chính sách đối ngoại, là kênh để tranh thủ tăng cường quan hệ song phương với một số thành viên phát triển như Pháp, Canada… hay với các nước bạn bè châu Phi truyền thống.
Nhiều nước Pháp ngữ coi Việt Nam là biểu tượng của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây, khâm phục tinh thần quật cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam, và ngày nay là tấm gương thành công trong xóa đói nghèo, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Nhiều nước mong muốn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế - xã hội với Việt Nam, khẳng định Việt Nam là một đối tác tin cậy, tiềm năng và quan trọng.
OIF thể hiện sự coi trọng với Việt Nam, thường xuyên cử đoàn cấp cao thăm Việt Nam. Tổng thư ký Pháp ngữ đã 6 lần thăm Việt Nam (1998, 2004, 2014, 2016, 2019, 2022). Lãnh đạo các thể chế và cơ quan Pháp ngữ khác cũng nhiều lần sang Việt Nam.
Đáp lại sự coi trọng của OIF, lãnh đạo cấp cao nước ta thường xuyên tham dự các hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ. Đặc biệt, năm 1997, Việt Nam đăng cai tổ chức thành công Hội nghị cấp cao Cộng đồng Pháp ngữ. Đây là Hội nghị quan trọng, hoàn tất quá trình phát triển về thể chế của Cộng đồng Pháp ngữ với việc thông qua Hiến chương Pháp ngữ và bầu ra Tổng thư ký đầu tiên của Pháp ngữ, đồng thời cho ra đời ý tưởng Pháp ngữ kinh tế như một trụ cột hợp tác quan trọng trong không gian Pháp ngữ. Việt Nam cũng nhiều lần được Cộng đồng tín nhiệm bầu vào các cương vị quan trọng.
Một trong những hợp tác quan trọng giữa Việt Nam và OIF chính là về giáo dục, đào tạo, giảng dạy tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp, trong đó phải kể đến Dự án các lớp song ngữ tiếng Pháp (1994-2006); giảng dạy tiếng Pháp ở cấp phổ thông và đại học, cấp học bổng nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực mũi nhọn như công nghệ, kinh tế, thương mại, dược, khoa học…. Năm 2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam đã ký Thỏa thuận hợp tác khung với Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), qua đó hỗ trợ đào tạo cho hàng trăm giáo viên tiếng Pháp của Việt Nam và hằng năm đều hỗ trợ các hạng mục về trang thiết bị, nghiên cứu khảo sát về hợp tác đại học và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, OIF cũng bắt đầu hỗ trợ đào tạo một số sĩ quan Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Về kinh tế-thương mại, với 88 quốc gia và vùng lãnh thổ thành viên (trong đó 54 quốc gia là thành viên chính thức), quy mô dân số khoảng 1,2 tỷ người, chiếm 16% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và 20% thương mại toàn cầu, OIF có nhiều tiềm năng và dư địa để đẩy mạnh hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực như nông nghiệp, năng lượng, số hóa/chuyển đổi số. Đến nay, Việt Nam đã có trao đổi thương mại với 44/54 quốc gia thành viên chính thức của OIF. Tính đến hết tháng 6-2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam với các nước thành viên OIF đạt 16,8 tỷ USD, tăng 12,15% so với cùng kỳ năm 2023.
Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực văn hóa-thể thao và thanh niên, có nhiều chương trình hợp tác tích cực như Liên hoan phim Pháp ngữ, Cuộc thi “Phóng viên trẻ Pháp ngữ”….
Với việc tham gia đầy đủ và thực chất trên hầu hết các vấn đề ưu tiên của Cộng đồng, từ hoạch định chiến lược hợp tác, thúc đẩy cải cách hành chính nên Việt Nam được coi thuộc nhóm đang phát triển nòng cốt, có tiếng nói quan trọng đối với việc hoạch định và triển khai chiến lược hợp tác của Cộng đồng Pháp ngữ.
Hợp tác đa dạng trên đà phát triển tích cực
Với Pháp, đây là chuyến thăm đầu tiên tới Pháp của Chủ tịch nước Việt Nam sau 22 năm, nhằm đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp đi vào chiều sâu, thiết thực, trên cơ sở quan hệ song phương phát triển rất tích cực trong chặng đường hơn 50 năm qua.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, quan hệ Việt-Pháp đang trên đà phát triển tích cực. Tháng 9-2013, hai nước ký Tuyên bố chung về quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp. Mối quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước được đánh dấu bởi các chuyến thăm cấp cao, mà nổi bật là chuyến thăm Pháp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tháng 3-2018 và chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Cộng hòa Pháp Édouard Philippe vào tháng 11-2018. Hai nước duy trì nhiều cơ chế hợp tác như: Ðối thoại chiến lược an ninh-quốc phòng, Ðối thoại cấp cao thường niên về kinh tế và Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng.
Về chính trị-ngoại giao, hai nước thường xuyên duy trì tiếp xúc, trao đổi đoàn; hai bên phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, ASEM, ASEAN-EU và cộng đồng Pháp ngữ.
Trong quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp, hợp tác kinh tế được xem là điểm nhấn quan trọng. Pháp hiện là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 và đứng đầu về viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Kim ngạch thương mại song phương tăng 42% trong 10 năm qua, đạt 4,8 tỷ USD trong năm 2023 và 2,96 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024. Việt Nam xuất sang thị trường Pháp chủ yếu là giày dép, dệt may, sản phẩm gốm - sứ - mây - tre đan, thủy sản và máy móc thiết bị, linh kiện điện tử và nhập khẩu từ Pháp chủ yếu là thiết bị hàng không, máy công nghiệp, dược phẩm, sản phẩm nông nghiệp - thực phẩm, hóa chất và mỹ phẩm. Pháp có tổng vốn đầu tư đăng ký tại Việt Nam đạt 3,62 tỷ USD, tổng vốn vay ưu đãi ODA đạt 3,3 tỷ USD.
Về hợp tác quốc phòng song phương, trên cơ sở Tuyên bố Tầm nhìn chung về quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp giai đoạn 2018-2028 và Thỏa thuận về hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp sửa đổi, hợp tác quốc phòng giữa hai nước đạt nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực như: Trao đổi đoàn; các cơ chế đối thoại, tham vấn; đào tạo; công nghiệp quốc phòng; quân y; chia sẻ ký ức lịch sử, khắc phục hậu quả chiến tranh; gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tham vấn, ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn, cơ chế đa phương... Trong chuyến thăm Việt Nam của Bộ trưởng Bộ Quân đội Sébastien Lecornu và Quốc vụ khanh về ký ức và cựu binh Patricia Mirallès nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, hai bên đã ký Ý định thư tăng cường hợp tác quốc phòng Việt Nam-Pháp.
Về hợp tác giáo dục-đào tạo, Pháp luôn coi đây là mục tiêu ưu tiên trong hoạt động hợp tác tại Việt Nam, tập trung chủ yếu vào việc giảng dạy và phát triển tiếng Pháp. Cùng với đó, hằng năm, Chính phủ Pháp dành 80 suất học bổng cho sinh viên Việt Nam sang Pháp học tập, nghiên cứu ở bậc thạc sĩ, tiến sĩ, nhằm giúp Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trên nhiều lĩnh vực: Quản lý kinh tế, ngân hàng, tài chính, luật, công nghệ mới...
Hợp tác văn hóa-du lịch, giao lưu văn hóa giữa hai nước ngày càng phát triển. Mỗi năm, Chính phủ Pháp dành khoảng 5 triệu euro cho ngân sách hợp tác văn hóa với Việt Nam. Pháp đứng thứ 7 trong các nước, vùng lãnh thổ có đầu tư nhiều nhất vào lĩnh vực du lịch tại Việt Nam, với 14 dự án có tổng trị giá 188 triệu USD. Trong khi đó, Việt Nam xác định Pháp là thị trường khách trọng điểm. Hai bên đã phối hợp tổ chức thành công Năm chéo Việt Nam-Pháp tại hai nước nhân kỷ niệm 40 năm (1973-2013) và 50 năm (1973-2023) thiết lập quan hệ ngoại giao; 10 năm quan hệ đối tác chiến lược (2013-2023).
Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, y tế và hợp tác địa phương diễn ra sôi động và ngày càng được tăng cường, mở rộng. Một trong những cầu nối quan trọng của quan hệ Pháp-Việt chính là cộng đồng người Việt Nam tại Pháp với hơn khoảng 350.000 người, là cộng đồng người Việt Nam lớn nhất ở châu Âu, có nhiều đóng góp cho sở tại và gắn kết với quê hương.
Với những thành tựu hợp tác với OIF trong 45 năm cũng như quan hệ hợp tác hữu nghị với Pháp hơn nửa thế kỷ qua, việc tham dự Hội nghị cấp cao Pháp ngữ lần thứ 19 và thăm chính thức Cộng hòa Pháp của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có ý nghĩa rất quan trọng. Hoạt động đối ngoại cấp cao này sẽ góp phần quan trọng vào việc triển khai đường lối đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, coi trọng chủ nghĩa đa phương và thể hiện vai trò thành viên tích cực, trách nhiệm của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế nói chung cũng như trong cộng đồng Pháp ngữ nói riêng; đồng thời đưa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Pháp phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực.
Ý kiến ()