Việt Nam với HĐBA: Nâng cao vị thế, tạo môi trường cho hội nhập
Với nhiều sáng kiến, đề xuất được đưa ra tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét trong bối cảnh thế giới qua một năm đầy khó khăn do dịch COVID-19.
Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Bảo an. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)
Năm 2020 là năm đầu tiên Việt Nam đảm nhiệm vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong nhiệm kỳ 2020-2021.
Với nhiều sáng kiến, đề xuất được đưa ra tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã để lại những dấu ấn đậm nét trong bối cảnh thế giới qua một năm đầy khó khăn do dịch COVID-19.
Điều này cũng góp phần nâng cao vị thế, tạo dựng môi trường quốc tế và khu vực thuận lợi cho công cuộc phát triển, hội nhập của đất nước; tiếp tục tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị với các nước vì mục tiêu chung là hòa bình, ổn định và thịnh vượng.
Từ sự tín nhiệm của quốc tế…
Ngày 7/6/2019, Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 đã tiến hành bỏ phiếu bầu các Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020- 2021. Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao kỷ lục 192/193.
Đây là lần thứ hai Việt Nam nhận được sự ủng hộ của các quốc gia, vùng lãnh thổ thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc để đảm nhận trọng trách này (nhiệm kỳ đầu tiên là năm 2008-2009).
Trong bài viết “Đối tác vì Hòa bình bền vững: Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực cho nỗ lực chung của quốc tế vì hòa bình, an ninh, phát triển và tiến bộ” nhân sự kiện có tính lịch sử này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Việc Việt Nam lần thứ hai trong vòng hơn 10 năm được bầu làm thành viên cơ quan có vai trò hàng đầu của Liên hợp quốc trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế không chỉ là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với vị thế của Việt Nam đổi mới, hội nhập, mà còn là sự tin tưởng, kỳ vọng vào những đóng góp trách nhiệm của Việt Nam đối với hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế trong những năm tới.”
Đánh giá về tầm quan trọng của việc Việt Nam trúng cử Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Đại sứ Đinh Thị Minh Huyền, nguyên Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế, Bộ Ngoại giao, cho rằng điều này thể hiện sự ủng hộ và tín nhiệm của các nước thành viên Liên hợp quốc đối với Việt Nam, một nước có đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ, tôn trọng và cam kết mạnh mẽ đối với các nguyên tắc, mục tiêu cao cả của Liên hợp quốc; luôn mong muốn đóng góp nhiều hơn vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc đề cao luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc; thúc đẩy vai trò của Liên hợp quốc và các thể chế đa phương, đặc biệt trong việc duy trì hòa bình, an ninh quốc tế.
Cùng với đó, điều này còn khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện vị thế, uy tín ngày càng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; từ đó giúp Việt Nam có thêm thuận lợi để phát huy vai trò của Việt Nam tại Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế khác, nhằm thực hiện nhiệm vụ của công tác đối ngoại là giữ vững môi trường hòa bình, tạo các điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng, phát triển, bảo vệ đất nước.
Ông Hunter Marston, nguyên trợ lý nghiên cứu cấp cao của viện Brookings tại Mỹ, cho rằng việc Việt Nam được bầu là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi Việt Nam đã cho thấy vai trò ngày càng tăng của mình trên mặt trận thương mại, ngoại giao quốc tế cũng như an ninh khu vực ở Đông Nam Á.
Ông Hunter Marston nhận định trong vai trò này, Việt Nam có thể có những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực như: y tế công cộng, chống lại các bệnh truyền nhiễm, thúc đẩy an ninh hàng hải, chống cướp biển, cũng như ngăn chặn nạn đánh bắt cá và buôn người bất hợp pháp. Việt Nam cũng là một nước đi đầu trong công tác rà phá vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh và có thể là quốc gia hình mẫu cho các quốc gia khác muốn phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
…tới những đóng góp có trách nhiệm
Đảm nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng Bảo an ngay trong tháng 1/2020 – tháng mở đầu năm kỷ niệm 75 năm thực hiện Hiến chương Liên hợp quốc, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên trong tháng là: “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc để duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” với sự tham gia của 111 diễn giả từ 106 quốc gia.
Cùng với đó, Việt Nam thông qua Tuyên bố Chủ tịch lần đầu tiên trong lịch sử Hội đồng Bảo an về chủ đề: Tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc; tổ chức Phiên họp lần đầu tiên của Hội đồng Bảo an về chủ đề “Hợp tác giữa Liên hợp quốc và các tổ chức khu vực: Vai trò của ASEAN.”
Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhận xét đây là lần đầu tiên nội dung hợp tác giữa Hội đồng Bảo an với một tổ chức khu vực được nêu ra. Nói cách khác, Việt Nam đã đưa ra được vai trò, hình ảnh của ASEAN tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Từ sáng kiến này, Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 75 đã thảo luận và thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết về hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc với 110 nước đồng bảo trợ. Nghị quyết đạt kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết về hợp tác ASEAN-Liên hợp quốc được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2002.
Cùng với các nội dung trên, trong tháng Việt Nam làm Chủ tịch, Hội đồng Bảo an đã phản ứng rất kịp thời trước những vấn đề nảy sinh, đe dọa hòa bình và an ninh quốc tế, trong đó có những vấn đề nổi lên như: Syria, Libya, tiến trình hòa bình Trung Đông, Yemen, Nam Sudan… Việt Nam đã đáp ứng tất cả các sáng kiến và đề nghị của các nước, vận dụng sáng tạo các luật lệ, thông lệ của Hội đồng Bảo an, thúc đẩy việc xây dựng đồng thuận để Hội đồng Bảo an đề ra được các quyết định kịp thời.
Trong năm 2020, các ưu tiên của Việt Nam về vai trò của phụ nữ với hòa bình và an ninh cũng được thúc đẩy. Điểm nhấn là việc tổ chức Hội nghị quốc tế về phụ nữ, hòa bình và an ninh “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết đến kết quả.”
Hội nghị được tổ chức theo hình thức kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến, thu hút sự tham gia của gần 400 đại biểu đến từ gần 90 quốc gia, cơ quan của Liên hợp quốc, tổ chức quốc tế…
Trong khuôn khổ Hội nghị, Việt Nam đã đề xuất Cam kết hành động Hà Nội với những khuyến nghị hành động cụ thể nhằm tăng cường sự hiện diện và tham gia của phụ nữ trong các tiến trình hòa bình, tăng cường trao quyền cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế-xã hội, hỗ trợ tài chính và lồng ghép chương trình nghị sự phụ nữ, hòa bình và an ninh vào các hoạt động gìn giữ hòa bình ở mọi cấp độ, cũng như ghi nhận vai trò quan trọng của phụ nữ trong giải quyết các thách thức mới nổi lên.
Hội nghị lần này, cũng như sự tham gia đóng góp xuyên suốt của Việt Nam trên cương vị kép là Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, đã tiếp tục khẳng định đường lối, chính sách nhất quán của Đảng , Nhà nước Việt Nam về thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền và tăng cường vị thế của phụ nữ.
Phát biểu tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu rõ, dịch COVID-19 đã cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tạo điều kiện và đảm bảo cho phụ nữ tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa trong các tiến trình ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết xã hội – những yếu tố then chốt giúp xây dựng và củng cố một nền hòa bình bền vững, bao trùm.
Đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 xuất hiện và diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Việt Nam đã đề xuất sáng kiến về Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, 27/12 hằng năm.
Với sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng rãi của cộng đồng quốc tế, thể hiện qua việc có 112 quốc gia đồng bảo trợ cho Nghị quyết, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua bằng đồng thuận Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh vào ngày 27/12 hằng năm.
Điều này cho thấy sáng kiến này của Việt Nam đưa ra đúng thời điểm và đáp ứng đúng sự quan tâm cao của cộng đồng quốc tế về phòng, chống đại dịch COVID-19 cũng như các dịch bệnh khác hiện nay và trong tương lai.
Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong lĩnh vực này và cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng, thúc đẩy thông qua thành công tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
Nghị quyết này có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức của từng cá nhân, cộng đồng, quốc gia và quốc tế về tầm quan trọng và sự cần thiết, cấp bách của việc phòng ngừa, hợp tác, sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh.
Trước tình hình chính trị-an ninh, kinh tế-xã hội quốc tế năm 2020 diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường do tác động tiêu cực, đa chiều của đại dịch COVID-19; xu thế cạnh tranh chiến lược nước lớn, căng thẳng gia tăng tại nhiều điểm nóng ở khu vực Trung Đông-Bắc Phi, Đông Phi, Mỹ Latinh…, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã xử lý khối lượng công việc lớn, đa dạng với gần 400 cuộc họp cấp Đại sứ, Trưởng phái đoàn và hàng trăm cuộc họp cấp làm việc; thông qua hơn 100 văn kiện về 68 đề mục khác nhau trong chương trình nghị sự.
Trên cơ sở đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam đã chủ động tham gia đóng góp và hoàn thành tốt nhiệm vụ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phục vụ phát triển, bảo vệ lợi ích quốc gia và nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Tổ trưởng Tổ công tác liên ngành về việc Việt Nam đảm nhận cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, khẳng định Việt Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ. Việt Nam đã đáp ứng các mục tiêu, yêu cầu và phương châm đề ra, đóng góp chủ động, tích cực vào hoạt động của Hội đồng Bảo an. Qua đó, góp phần tạo dựng môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển và hội nhập của đất nước, cùng với đó, thúc đẩy quan hệ song phương tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước.
Thứ trưởng Lê Hoài Trung nhận định việc tham gia chủ động và đóng góp tích cực của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an được dư luận báo chí, truyền thông và học giả quốc tế đánh giá tích cực; khơi dậy niềm tự hào, củng cố sự tin tưởng của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên vào đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước, trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực chuẩn bị tổ chức Đại hội XIII của Đảng, đề ra nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước trong thời gian tới.
Tuy tình hình thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp do tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19 và xu thế hợp tác, đấu tranh giữa các nước, Việt Nam sẽ quyết tâm hoàn thành tốt trọng trách, đóng góp nhiều hơn nữa cho các nỗ lực chung tại Hội đồng Bảo an vì hòa bình, an ninh quốc tế, vì ổn định, phát triển bền vững của các quốc gia, và vì cuộc sống bình an, thịnh vượng của mọi người dân trên thế giới./.
Ý kiến ()