Việt Nam và Thái-lan cùng phát triển Hành lang kinh tế phía nam
Việt Nam và Thái-lan chung sức phát triển Hành lang kinh tế phía nam dài 900 km (còn gọi là tuyến R10) nhằm nắm bắt những cơ hội đang lớn dần về thương mại, đầu tư, du lịch, kết nối miền nam Việt Nam với cảng biển nước sâu Dawei ở Myanmar và tạo thuận lợi phân phối hàng hóa giữa Việt Nam, Thái-lan, Campuchia và Myanmar.
Việt Nam và Thái-lan chung sức phát triển Hành lang kinh tế phía nam dài 900 km (còn gọi là tuyến R10) nhằm nắm bắt những cơ hội đang lớn dần về thương mại, đầu tư, du lịch, kết nối miền nam Việt Nam với cảng biển nước sâu Dawei ở Myanmar và tạo thuận lợi phân phối hàng hóa giữa Việt Nam, Thái-lan, Campuchia và Myanmar.
Nhận định này được đưa ra trong bài viết đăng trên nhật báo Nation (Dân tộc) của Thái-lan số ra hôm nay 28-5. Bài báo nêu rõ:
Với những khoản vay từ Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) và Chính phủ Thái-lan, dự kiến tuyến hành lang này sẽ được hoàn tất vào năm 2015.
Mới đây, Tổng lãnh sự Thái-lan tại TP Hồ Chí Minh, bà Panpimon gặp các giám đốc điều hành cấp cao từ các tỉnh miền nam Việt Nam và vùng duyên hải phía đông Thái-lan. Bà cho biết, tuyến R10 sẽ liên kết hai khu vực này và Campuchia. 13 tỉnh, thành phố phía nam Việt Nam, trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, hình thành một khu vực đánh bắt cá và cung cấp hàng hóa nông nghiệp dồi dào, một nguồn thu nhập lớn cho Việt Nam và tại đây sẽ có thêm những dự án cơ sở hạ tầng, trong đó có một cảng nước sâu lớn.
Công ty Charoen Pokphand Foods của Thái-lan vừa lập thành công một trang trại nuôi tôm tại tỉnh Cà Mau. Những dự án như thế này giúp tăng cường quan hệ giữa hai nước và đóng vai trò nền tảng cho những cơ hội kinh doanh trong tương lai.
Theo một giám đốc điều hành Công ty hóa chất Surint Omya Việt Nam, người đã có hơn 20 năm kinh nghiệm kinh doanh tại Việt Nam, tuyến R10 sẽ giúp kết nối các nhà sản xuất hải sản của Thái-lan với nguồn nguyên liệu dồi dào tại Việt Nam, tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa trong khu vực này.
Phó Giám đốc cảng Sihanoukville, ông Pen Sitha, cho biết Campuchia đang lập kế hoạch dự án cảng biển nước sâu thứ sáu cho những tàu lớn, tạo điều kiện vận chuyển hàng hóa, hỗ trợ mở rộng buôn bán và trao đổi kinh tế trong tương lai. Dự án có trị giá khoảng 90 triệu USD này sẽ khởi công vào năm tới và dự kiến hoàn thành trong năm 2017.
Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm Thành Tươi hy vọng Việt Nam và Thái-lan có thể cùng nhau phát triển kết nối trực tiếp bằng đường biển và đường bộ, tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển hàng hóa giữa Cà Mau và tỉnh Tak của Thái-lan trong tương lai gần. Việc kết nối này sẽ bỏ qua tuyến đường gián tiếp hiện nay qua các cảng biển của Campuchia mà tại đó hàng hóa được dỡ rồi vận chuyển tiếp bằng đường bộ. Chi phí thấp hơn qua tuyến trực tiếp này sẽ có lợi cho xuất khẩu của Thái-lan sang Việt Nam.
Ông Tươi cho biết thêm, với những khoản vay từ ADB, Việt Nam có kế hoạch hoàn tất việc nâng cấp và mở rộng tuyến R10 nhằm tạo thuận lợi cho giao lưu văn hóa, xã hội và du lịch giữa Việt Nam, Thái-lan và Campuchia vào năm 2015.
Tỉnh Kiên Giang muốn các cơ quan quản lý du lịch của Việt Nam và Thái-lan giúp quảng bá những điểm thu hút du khách dọc tuyến đường R10 thông qua hợp tác kinh doanh và những hoạt động liên quan du lịch, trao đổi thông tin và nhân sự.
Bên cạnh đó, những hoạt động du lịch qua các dịch vụ tàu thuyền giữa cảng ở đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang và cảng Laem Singh, tỉnh Chanthaburi, là một lĩnh vực nữa cần được thúc đẩy và phát triển.
Theo Giám đốc Văn phòng Tổng cục Du lịch Thái-lan (TAT) tại TP Hồ Chí Minh Chutathip, TAT và cơ quan chức năng của Việt Nam thỏa thuận tăng cường và mở rộng hoạt động du lịch giữa hai nước mỗi năm nhằm thu hút được tổng lượng du khách giữa hai nước đạt một triệu người vào năm 2015. Tuyến R10 sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh du lịch và những hoạt động liên quan thông qua sự hợp tác giữa ba nước Việt Nam, Thái-lan và Campuchia và các chiến dịch chung về quan hệ cộng đồng để quảng bá du lịch trên tuyến R10.
Ba nước cần cải thiện quy trình thủ tục hải quan để thúc đẩy buôn bán, vận chuyển hàng hóa và du lịch qua tuyến R10.
Hướng tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, những nỗ lực chung phát triển Hành lang kinh tế phía nam được quan tâm lớn bởi chúng sẽ thúc đẩy việc mở rộng những thành phố dọc theo và gần tuyến đường này, hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và hợp tác giữa khu vưc công và khu vực tư nhân về lâu dài.
Theo Nhandan
Ý kiến ()