Việt Nam và Nhật Bản thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á
Tin từ Bộ Ngoại giao cho biết, tiếp tục chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản, ngày 18-3, tại Phủ Thủ tướng Nhật Bản, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê. Trong bầu không khí hữu nghị, thực sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn sự đón tiếp trọng thị của Hoàng gia, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản. Thủ tướng S. A-bê bày tỏ Chính phủ và nhân dân Nhật Bản vui mừng được đón Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước, khẳng định phía Nhật Bản hết sức coi trọng chuyến thăm và coi đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước.
* Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu ý kiến trước QH Nhật Bản
Hai vị lãnh đạo bày tỏ vui mừng về sự phát triển mạnh mẽ của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị, an ninh quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư đến giao lưu nhân dân, hợp tác văn hóa, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt kể từ khi hai nước thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược năm 2009. Trên cơ sở đó, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nâng cấp quan hệ Việt Nam – Nhật Bản lên tầm cao mới, trở thành Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á.
Trên cơ sở khuôn khổ quan hệ mới, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng S. A-bê đã trao đổi sâu rộng và nhất trí về những định hướng lớn cũng như các biện pháp cụ thể để đưa quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, thực chất và sâu sắc trên mọi lĩnh vực.
Về chính trị, hai bên nhất trí duy trì thường xuyên các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao, triển khai hiệu quả các khuôn khổ, cơ chế hợp tác ở các cấp. Thủ tướng Nhật Bản bày tỏ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực chấp pháp trên biển. Về kinh tế, Thủ tướng S. A-bê khẳng định tiếp tục coi Việt Nam là đối tác quan trọng hàng đầu trong chính sách ODA và sẽ tích cực hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư, phối hợp chặt chẽ để triển khai hiệu quả các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao và các dự án hợp tác quy mô lớn. Hai nhà lãnh đạo nhất trí thúc đẩy hợp tác toàn diện trong lĩnh vực nông nghiệp; hoan nghênh Bộ Nông nghiệp hai nước thành lập Nhóm Công tác chung và xây dựng kế hoạch hợp tác dài hạn. Hai bên cũng trao đổi ý kiến về các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa hợp tác về phát triển nguồn nhân lực, khoa học công nghệ và y tế. Phía Nhật Bản cam kết tích cực hỗ trợ Việt Nam nâng cấp một số trường đại học trọng điểm và trường dạy nghề của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, nghiên cứu việc mở rộng quy mô tiếp nhận ứng viên điều dưỡng viên, hộ lý từ Việt Nam và tăng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam sang thực tập kỹ thuật.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh đề xuất của phía Nhật Bản về việc thiết lập cơ chế trao đổi về văn hóa và giao lưu nhân dân nhằm củng cố tình cảm hữu nghị và sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước, mở rộng hoạt động du lịch học tập đối với học sinh phổ thông từ Nhật Bản sang Việt Nam, tăng cường hợp tác về phát thanh truyền hình, thể thao và du lịch. Hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận về đơn giản hóa hơn nữa thủ tục cấp thị thực cho người Việt Nam mang hộ chiếu phổ thông.
Hai bên khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn, cơ chế hợp tác và tại các tổ chức khu vực và quốc tế, đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phồn vinh tại khu vực; khẳng định tầm quan trọng của bảo đảm hòa bình, ổn định, và phát triển ở khu vực, trong đó có bảo đảm hòa bình, an ninh an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982.
* Kết thúc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã ký Tuyên bố chung về quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á -Thái Bình Dương, chứng kiến lễ ký các văn kiện về việc Chính phủ Nhật Bản cung cấp khoản vay 123 tỷ yên ưu đãi đợt 2 tài khóa 2012 cho năm dự án về xây dựng đường bộ cao tốc Bắc-Nam (đoạn Đà Nẵng – Quảng Ngãi, đoạn Hồ Chí Minh – Dầu Giây); phát triển cơ sở hạ tầng cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng Lạch Huyện phần cầu và phần hạ tầng cảng; xây dựng Nhà máy nhiệt điện Thái Bình và đường dây truyền tải. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng S. A-bê cũng chứng kiến ký kết các văn bản hợp tác giữa các bộ, ngành hai nước, như Chương trình hợp tác chiến lược giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản; Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế, Phúc lợi Xã hội Nhật Bản; Biên bản thảo luận về hợp tác giữa Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Nhật Bản và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
* Trước đó, sáng 18-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã thăm và có bài phát biểu trước QH Nhật Bản. Với đầu đề “Đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi”, bài phát biểu của Chủ tịch nước vừa là bức thông điệp khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản, vừa nêu bật những đánh giá sâu sắc về tình hình thế giới, khu vực và những xu thế lớn của thời đại.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nêu rõ, thế giới và khu vực đang chứng kiến nhiều thay đổi sâu sắc, toàn cầu hóa và liên kết kinh tế đa tầng nấc mở ra cơ hội và triển vọng to lớn cho châu Á – Thái Bình Dương trở thành trung tâm quyền lực mới của thế giới trong thế kỷ 21. Trên thế giới, tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển bền vững, thân thiện môi trường, trên nền tảng tri thức và công nghệ cao là xu thế lớn. Do vậy, đổi mới và sáng tạo để thích ứng trong một thế giới đang thay đổi là sự lựa chọn tất yếu của mọi quốc gia, dân tộc.
Quan hệ song phương Việt Nam – Nhật Bản, theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, đã không ngừng đổi mới và phát triển toàn diện trong suốt 40 năm qua. Năm 2009, hai nước đã xác lập khuôn khổ “Quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”. Thành quả mối quan hệ đó không chỉ mang lại lợi ích to lớn, thiết thực cho nhân dân hai nước, mà còn khẳng định chân lý rằng, tinh thần khoan dung, đối thoại thay đối đầu, tôn trọng lẫn nhau, hợp tác cùng có lợi là sự lựa chọn tốt nhất đối với mỗi quốc gia, dân tộc.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, Nhật Bản hiện là đối tác hàng đầu và quan trọng trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam. Nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản được Việt Nam sử dụng hiệu quả, nhiều công trình quan trọng phục vụ thiết thực đời sống của người dân Việt Nam và trở thành biểu tượng đẹp của sự hợp tác. Chủ tịch nước cảm ơn QH, Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản về tấm lòng và cử chỉ hào hiệp ngay cả khi Nhật Bản phải khắc phục hậu quả động đất, sóng thần.
Giao lưu nhân dân và doanh nghiệp, hợp tác văn hóa, du lịch là nhân tố quan trọng tạo nên sức sống mạnh mẽ, nền tảng cho quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Hợp tác khoa học – công nghệ, giáo dục – đào tạo là điểm sáng trong hợp tác. Những phát triển quan trọng trong quan hệ song phương mang dấu ấn và được sự ủng hộ mạnh mẽ của QH hai nước, trong đó có đóng góp to lớn của nhóm Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản và Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt…
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khẳng định, công cuộc đổi mới toàn diện gần 30 năm qua đã đưa Việt Nam từ một nước thu nhập thấp trở thành một nền kinh tế đang phát triển năng động và là điểm đến đầy triển vọng của các nhà đầu tư. Để thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện, xây dựng nhà nước pháp quyền, mở rộng dân chủ, tăng cường cải cách nền hành chính, cải cách tư pháp, đổi mới lập pháp, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường, đi đôi với giữ vững ổn định chính trị – xã hội, ưu đãi khuyến khích đầu tư.
Việt Nam mong đợi sự hợp tác hiệu quả và tích cực của Nhật Bản qua việc chia sẻ kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ ODA và lựa chọn Việt Nam là điểm đến ưu tiên trong làn sóng đầu tư mới. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để thu hút đầu tư mới của Nhật Bản. Việc Nhật Bản là nước đầu tiên trong nhóm G7 công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường là sự ghi nhận cụ thể kết quả rất đáng khích lệ của công cuộc đổi mới ở Việt Nam.
Bên cạnh thúc đẩy hợp tác song phương, hai nước cũng hợp tác tích cực trên nhiều diễn đàn đa phương quan trọng. Việt Nam ủng hộ Nhật Bản trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, có vai trò và vị thế xứng đáng trên trường quốc tế. Việt Nam đánh giá cao những sáng kiến quan trọng của Nhật Bản nhằm thúc đẩy hợp tác ở khu vực và sẽ nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Nhật Bản hướng tới một khu vực hòa bình, ổn định và phồn vinh.
Theo Chủ tịch nước, thế giới đang đứng trước các thách thức phức tạp, đa chiều, ngày càng gay gắt, từ các tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển đảo, an ninh hạt nhân, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia, cho tới những vấn đề an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, thiên tai, nguồn nước… Việt Nam tin rằng các mục tiêu an ninh, phát triển và vị thế của quốc gia chỉ đạt được khi mỗi quốc gia gắn vận mệnh của mình với vận mệnh chung của khu vực và thế giới. Với những vấn đề tranh chấp trên biển, Việt Nam trước sau như một, kiên trì nguyên tắc giải quyết bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật Biển năm 1982, tôn trọng độc lập, chủ quyền và lợi ích chính đáng của nhau. Các bên liên quan đều phải kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực… (Toàn văn bài phát biểu đăng trên Báo Nhân Dân điện tử).
Bài phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã được QH Nhật Bản nhiệt liệt hoan nghênh và đánh giá cao, để lại ấn tượng sâu đậm và mạnh mẽ trong chính giới Nhật Bản. Thay mặt QH Nhật Bản, Chủ tịch Hạ viện Bưn-mây I-bư-ki bày tỏ tán đồng và hết sức tâm đắc với những thông điệp được nêu trong bài phát biểu của Chủ tịch nước. Ông cho rằng những lời nói nồng ấm và nhận định sâu sắc của Chủ tịch nước đã giúp QH và nhân dân Nhật Bản thêm vững tâm vượt qua khó khăn để tiếp tục phát triển, đồng thời thắt chặt mối quan hệ hữu nghị gắn bó giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
* Tối cùng ngày, Thủ tướng Sin-dô A-bê và Phu nhân tổ chức chiêu đãi trọng thể Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng Phu nhân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
* Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có các cuộc gặp riêng Chủ tịch Hạ viện Bưn-mây I-bư-ki và Chủ tịch Thượng viện Ma-xa-a-ki I-a-ma-da-ki. Chủ tịch nước bày tỏ vinh dự trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Nhật Bản lần này có dịp đến thăm và phát biểu tại QH Nhật Bản, một trong những cơ quan lập pháp có truyền thống lịch sử lâu đời nhất của châu Á. Chủ tịch nước cảm ơn các vị Chủ tịch Hạ viện và Thượng viện Nhật Bản dành tình cảm tốt đẹp cho Việt Nam, quan tâm thúc đẩy giao lưu giữa QH hai nước; đồng thời tin tưởng rằng hai vị Chủ tịch tiếp tục đóng góp cho việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và hai QH.
* Chiều 18-3, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp đồng chí Ca-dư-ô Si-i, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Đảng CS Nhật Bản. Chủ tịch nước chúc mừng thành công của Đại hội Đảng CS Nhật Bản lần thứ 26 hồi tháng 1 vừa qua và đồng chí Si-i tiếp tục được tín nhiệm bầu vào vị trí Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ban Chấp hành T.Ư Đảng CS Nhật Bản. Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng được biết Đảng CS Nhật Bản đã giành kết quả quan trọng trong các cuộc bầu cử QH và địa phương năm 2013, cũng như tiếp tục duy trì sự tăng trưởng về số lượng đảng viên. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và đồng chí Si-i bày tỏ phấn khởi về sự phát triển không ngừng của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, trong đó quan hệ truyền thống giữa hai Đảng cũng tiếp tục phát triển tốt đẹp. Đồng chí Si-i cho biết, Đảng CS Nhật Bản mong muốn thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giao lưu, trong đó có tăng cường trao đổi đoàn và trao đổi lý luận giữa hai Đảng. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh tầm quan trọng tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế trao đổi lý luận trong bối cảnh hiện nay; mời đồng chí Si-i và lãnh đạo Đảng CS Nhật Bản sang thăm Việt Nam.
* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã làm việc với Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt. Chủ tịch nước cảm ơn về những tình cảm, sự ủng hộ to lớn của Chủ tịch Ni-cai Tô-si-hi-rô và Ban Lãnh đạo và Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt dành cho Việt Nam; tin tưởng rằng, với sức mạnh to lớn của mình thông qua việc quy tụ được đại diện của tất cả các chính đảng chủ chốt trong QH Nhật Bản, Liên minh tiếp tục phát huy vai trò quan trọng và đóng góp thực chất vào sự phát triển của quan hệ Việt Nam – Nhật Bản. Chủ tịch nước cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam cũng trao đổi thẳng thắn với các nghị sĩ nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.
* Tiếp cựu Thủ tướng Nhật Bản Y-u-ki-ô Ha-tô-y-a-ma cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao và cảm ơn tình cảm tốt đẹp và những đóng góp quan trọng của ông Ha-tô-y-a-ma nhiều năm qua vào việc thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Nhật Bản, nhất là trên cương vị Thủ tướng Nhật Bản cũng như Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ Hữu nghị Nhật – Việt của Đảng Dân chủ Nhật Bản. Ông Ha-tô-y-a-ma cho biết, nhân dân Nhật Bản vinh dự được đón Chủ tịch nước với tư cách quốc khách; đồng thời nêu những đề xuất cụ thể để tăng cường hợp tác giữa hai nước, nhất là về đào tạo nghề, hợp tác nông nghiệp, cải tạo chất lượng đất đai. Chủ tịch nước hoan nghênh những quan tâm và ý tưởng của ông Ha-tô-y-a-ma và mong muốn, với uy tín lớn của mình trong chính giới và tài giới Nhật Bản, ông Ha-tô-y-a-ma tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả tăng cường quan hệ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản.
* Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước đã tiếp Chủ tịch Hội đồng thúc đẩy ngoại giao nhân dân của Nhật Bản (FEC), ông Chi-hi-rô Ca-na-ga-oa và các đại diện tiêu biểu của Hội đồng. Chủ tịch nước đánh giá cao tình cảm tốt đẹp và những đóng góp quý báu của FEC và ông Ca-na-ga-oa vào việc thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng rằng, với số lượng thành viên đông đảo và tầm ảnh hưởng của mình, FEC sẽ tiếp tục đóng góp thực chất, hiệu quả vào việc mở rộng và tăng cường quan hệ giữa hai nước.
* Tiếp Chủ tịch đảng Công Minh (Komei), ông Na-chư-ô Y-a-ma-gư-chi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao và cảm ơn sự quan tâm, ủng hộ của ông Y-a-ma-gư-chi và đảng Công Minh đối với công cuộc xây dựng đất nước của Việt Nam cũng như việc tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam-Nhật Bản. Ông Y-a-ma-gư-chi khẳng định, đảng Công Minh, với tư cách là đảng liên minh cầm quyền, sẽ tiếp tục thúc đẩy Chính phủ Nhật Bản tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác hữu nghị với Việt Nam, trong đó hỗ trợ Việt Nam hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, xóa đói, giảm nghèo và ứng phó hiệu quả biến đổi khí hậu. Chủ tịch nước và ông Y-a-ma-gư-chi nhất trí thúc đẩy giao lưu và hợp tác giữa hai đảng thời gian tới.
* Tại cuộc tiếp Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản Ban-ri Cai-ê-đa, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Đảng Dân chủ Nhật Bản cũng như của cá nhân Chủ tịch Cai-ê-đa trong việc tăng cường quan hệ giữa hai nước. Trong giai đoạn chính quyền của Đảng Dân chủ Nhật Bản (2009-2012), hai bên đã triển khai nhiều dự án hợp tác quan trọng. Chủ tịch nước hy vọng, Chủ tịch Cai-ê-đa và Đảng Dân chủ Nhật Bản tiếp tục quan tâm, ủng hộ phát triển quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Nhật Bản cũng như quan hệ giao lưu giữa hai Đảng.
* Tiếp Chủ tịch Đảng Của mọi người, ông Y-ô-si-mi Oa-ta-na-bê, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh, Nhà nước và nhân dân Việt Nam không bao giờ quên tình cảm của cố Phó Thủ tướng Mi-chi-ô Oa-ta-na-bê, người cha đáng kính của ông Y-ô-si-mi Oa-ta-na-bê, cũng như những đóng góp quan trọng của ông trên cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt đối với quan hệ hai nước. Ông Y-ô-si-mi Oa-ta-na-bê khẳng định quyết tâm góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước, mở rộng hơn nữa giao lưu và hợp tác giữa hai Đảng.
* Tại buổi tiếp Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) Ta-na-ca A-ki-hi-cô, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cảm ơn và đánh giá cao việc Nhật Bản đã hỗ trợ tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam thông qua nguồn vốn ODA trong hơn 20 năm qua. Trong đó, JICA với vai trò là cơ quan điều phối của Chính phủ Nhật Bản về hợp tác ODA đã có những đóng góp quan trọng. Chủ tịch nước đề nghị JICA tiếp tục tích cực hỗ trợ triển khai Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt – Nhật… Ông Ta-na-ca A-ki-hi-cô khẳng định, JICA coi trọng hợp tác với Việt Nam và sẽ tiếp tục triển khai các dự án quan trọng tại Việt Nam thời gian tới.
* Tiếp ông Oa-ta-na-bê, Tổng Giám đốc điều hành Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Chủ tịch nước đánh giá cao và đề nghị JBIC tiếp tục có những đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước. Chủ tịch nước cũng đề nghị JBIC tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng đầu tư, kinh doanh, nhất là trong các ngành đã được chọn lựa theo Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam – Nhật Bản. Chủ tịch nước khẳng định, Việt Nam tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho JBIC cũng như các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động đầu tư, kinh doanh có hiệu quả tại Việt Nam. Ông Oa-ta-na-bê cho biết, JBIC sẵn sàng cung cấp các khoản tín dụng dài hạn (10 đến 15 năm) cho các dự án hạ tầng của Việt Nam và phối hợp thúc đẩy hợp tác theo phương thức đối tác công – tư (PPP).
* Cùng ngày, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Nhật Bản, như Daiwa Security, Mitsubishi, Quỹ OGC, Fujitsu và SE. Tại các cuộc tiếp, Chủ tịch nước hoan nghênh và đánh giá cao những đóng góp của các tập đoàn Nhật Bản thúc đẩy quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa hai nước cũng như sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam; đề nghị các tập đoàn, doanh nghiệp Nhật Bản phát huy vai trò tích cực trong việc thúc đẩy đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để công ty nước ngoài, đặc biệt là các công ty Nhật Bản đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
* Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Nhật Bản, chiều 18-3, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Phư-mi-ô Ki-si-đa. Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã làm việc với Bộ trưởng Giáo dục Nhật Bản; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát làm việc với Chủ tịch Tổ chức Zenchu thuộc Hiệp hội Nông nghiệp Nhật Bản.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()