Việt Nam và Indonesia phấn đấu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD
Với nền tảng là tình hữu nghị truyền thống được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam và Indonesia phát triển ngày một toàn diện, chặt chẽ hơn. Những thành quả hợp tác đạt được giữa hai nước trong những năm qua đã tạo động lực thúc đẩy quan hệ song phương, đồng thời góp phần hiện thực hóa các mục tiêu phát triển mà mỗi nước đã đề ra.
Các cơ chế hợp tác song phương đạt nhiều kết quả thực chất. (Ảnh ĐẠI SỨ QUÁN INDONESIA TẠI VIỆT NAM) |
Những năm qua, dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Indonesia tiếp tục phát triển tốt đẹp. Các hoạt động tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao, các cấp được duy trì linh hoạt, góp phần tăng cường gắn kết giữa hai nước. Nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác, trong đó có Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược giai đoạn 2019-2023, được thực hiện hiệu quả. Hợp tác trong các lĩnh vực, như giáo dục, văn hóa, nông nghiệp, nghề cá, năng lượng… được quan tâm, thúc đẩy.
Về hợp tác song phương, thương mại là lĩnh vực gặt hái được nhiều thành tựu nổi bật. Indonesia hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam trong ASEAN, trong khi Việt Nam là đối tác lớn thứ tư của Indonesia trong Hiệp hội. Kim ngạch thương mại hai chiều đạt 11,5 tỷ USD năm 2021, lần đầu vượt mục tiêu 10 tỷ USD hai bên đã đặt ra. Trong 10 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại song phương đạt 11,6 tỷ USD. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Indonesia là hàng dệt may, máy vi tính, điện thoại di động và linh kiện… Một số mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia là than đá, dầu mỡ động thực vật, sắt thép…
Là nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh, Việt Nam hướng đến mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và là nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045. Là thành viên của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Indonesia đang triển khai Tầm nhìn 2045, đưa Indonesia trở thành quốc gia phát triển vào thời điểm kỷ niệm 100 năm thành lập nước.
Trả lời phỏng vấn TTXVN, Đại sứ Việt Nam tại Indonesia Tạ Văn Thông nhận định, chính sách hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam và Tầm nhìn 2045 của Indonesia đem lại nhiều cơ hội hợp tác giữa hai bên. Điều này sẽ góp phần giúp hai nước cùng đạt được các mục tiêu hợp tác và phát triển đã đề ra.
Nâng kim ngạch thương mại song phương lên 15 tỷ USD vào năm 2028 là mục tiêu Việt Nam và Indonesia đang đặt ra. Nhằm hướng tới mục tiêu này, hai bên đang nỗ lực tận dụng hiệu quả những tiềm năng hợp tác, duy trì đà tăng trưởng thương mại theo hướng cân bằng hơn.
Hai bên đã nhất trí tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu; thúc đẩy sớm tổ chức kỳ họp lần thứ 8 Ủy ban hỗn hợp về thương mại, khoa học, kỹ thuật. Bên cạnh đó, hai bên cũng thúc đẩy tìm kiếm cơ hội mở rộng đầu tư, nhất là trên các lĩnh vực tiềm năng, như ngư nghiệp, thủy sản, xây dựng hạ tầng, năng lượng tái tạo, chuyển đổi số…
Những phương hướng hợp tác này đã được hai bên nhất trí tại kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác song phương Việt Nam-Indonesia do Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và người đồng cấp Indonesia Retno Marsudi (R.Ma-xu-đi) đồng chủ trì tại Indonesia tháng 7 vừa qua.
Tăng trưởng cũng là trọng tâm hợp tác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á trong năm 2023, thời điểm Indonesia đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch ASEAN. Theo Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi (Đ.Áp-đi), Indonesia mong muốn sát cánh cùng Việt Nam và các nước thành viên củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, thúc đẩy sự phát triển bền vững của khu vực.
Tại kỳ họp lần thứ 4 Ủy ban hợp tác song phương vừa qua, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, Việt Nam sẽ cùng các nước thành viên ASEAN phối hợp chặt chẽ Indonesia để các hoạt động của ASEAN trong năm 2023 diễn ra thành công tốt đẹp.
Năm 2023 là thời điểm Việt Nam và Indonesia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược và cũng là cơ hội để hai bên đẩy mạnh hợp tác thực chất hơn nữa trên cả bình diện song phương và đa phương. Điều này sẽ đóng góp vào quá trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước, đem lại lợi ích thiết thực của người dân hai nước; góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác, phát triển thịnh vượng ở khu vực và trên thế giới.
Ý kiến ()