Việt Nam và cơ chế kết nối một cửa quốc gia ASEAN
Ngay từ thời điểm xây dựng dự thảo Nghị định, Hiệp định thư đưa nội dung của các điều ước vào thực hiện, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc ASEAN, nỗ lực cùng các quốc gia khác triển khai cơ chế 1 cửa ASEAN để đảm bảo chính thức khởi hành khi đủ 10 nước ASEAN phê chuẩn.
Việc triển khai Cơ chế kết nối một cửa quốc gia được chính thức khởi động từ năm 2015 và tính đến nay đã có 11 Bộ, ngành kết nối với hàng trăm thủ tục được đơn giản hóa, bước đầu tạo thuận lợi thương mại hiệu quả rõ rệt. Nhằm đạt mục tiêu 80% thủ tục được thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia vào quý I/2019, việc kết nối giữa các bộ, ngành và đơn vị liên quan đang được tiếp tục đẩy mạnh, nhằm hướng tới xây dựng một nền hành chính công minh bạch.
Cơ chế kết nối một cửa quốc gia ra đời và triển khai nằm trong lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế, tiết kiệm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, mà còn góp phần thuận lợi hoá hoạt động quản lý nhà nước, thương mại và đưa thương mại điện tử vào cuộc sống.
Dự án Cơ chế kết nối một cửa quốc gia do Tổng cục Hải quan chủ trì, được chính thức triển khai từ năm 2015. Đến nay, ngoài thủ tục thông quan hàng hóa của Bộ Tài chính, khoảng 47 thủ tục của 11 bộ, ngành đã được đưa lên cơ chế một cửa quốc gia và sắp tới sẽ có thêm 100 thủ tục được đưa lên cơ chế một cửa quốc gia.
Có thể thấy rõ việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia đã tác động lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu và hiệu quả rõ nhất là trong năm 2017 đã tiết kiệm được 200 triệu USD cho cộng đồng doanh nghiệp, theo con số thống kê của Tổng cục hải quan. Ông Phạm Duyên Phương, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê Hải quan, khẳng định: Thông qua việc thực hiện cơ chế một cửa này, doanh nghiệp rút ngắn được chi phí, rút ngắn được thời gian và quan trọng hơn là cơ chế một cửa quốc gia được thực hiện trong môi trường điện tử, chứng từ điện tử nên hạn chế tiếp xúc giữa doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước, qua đó hạn chế được tiêu cực, phiền hà. Mặt khác, tính minh bạch của hồ sơ cao hơn, rõ ràng độ tin cậy của thông tin cao hơn, minh bạch hơn dẫn đến hiệu quả quản lý của cơ quan nhà nước sẽ tốt hơn.
Nhờ kết nối một cửa, việc chuẩn bị một hồ sơ nhập khẩu của doanh nghiệp đã giảm được 30 giờ, từ 106 giờ xuống còn 76 giờ. Tương tự, hồ sơ xuất khẩu giảm được 33 giờ. Với khoảng hàng triệu hồ sơ xuất khẩu-nhập khẩu, ước tính riêng chi phí chuẩn bị hồ sơ đã tiết kiệm khoảng 600 triệu USD trong năm 2017. Việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia bước đầu đã thực sự mang lại những hiệu quả to lớn cho công tác cải cách hành chính. Thông qua cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp đến làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính, do đó giảm được chi phí, thời gian thông quan.
Ông Nguyễn Hải Anh, Giám đốc công ty xuất nhập khẩu IEA, cho biết: Trước đây khi làm thủ tục hải quan, trong quá trình làm thủ tục thì cần các loại giấy phép, giấy đăng ký thì trước đây phải đăng ký bằng giấy và phải đem bản gốc đó đến xuất trình với cơ quan hải quan. Nhưng qua Cổng thông tin một cửa quốc gia thì bên mình chỉ đăng ký qua điện tử và nhận được các giấy tờ điện tử khi xuất trình với hải quan chỉ xuất trình cái số đã đăng ký rồi nên giảm rất nhiều thời gian, công sức và nhân lực và từ đó tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp lên rất nhiều.
Một trong những mục tiêu quan trọng mà Chính phủ đặt ra là Việt Nam vươn lên đứng ngang hàng trong nhóm 4 nước có môi trường cạnh tranh thuận lợi trong khối ASEAN. Vì vậy, để tạo động lực cho hoạt động xuất nhập khẩu ngày càng phát triển, góp phần vào tăng trưởng kinh tế của đất nước, Việt Nam đang xây dựng khung pháp lý đồng bộ để đẩy nhanh tiến độ kết nối một cửa quốc gia. Mục tiêu là hết Quý 1, năm 2019 khoảng 80% thủ tục được thực hiện theo cơ chế một cửa quốc gia và đến năm 2020, tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh được thực hiện thông qua kết nối một cửa quốc gia, dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Cùng với đó, cải cách toàn diện hoạt động kiểm tra chuyên ngành, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành.
Là thành viên tích cực của ASEAN trong việc triển khai cơ chế một cửa ASEAN, ngay từ thời điểm xây dựng dự thảo Nghị định, Hiệp định thư đưa nội dung của các điều ước vào thực hiện, Việt Nam đã chủ động tham gia các nhóm làm việc ASEAN, nỗ lực cùng các quốc gia khác triển khai cơ chế một cửa ASEAN để đảm bảo chính thức khởi hành khi đủ 10 nước ASEAN phê chuẩn (hiện nay đã có 8 nước). Việc đẩy nhanh tiến độ triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo hướng cải cách toàn diện nhằm tiếp tục lộ trình hội nhập quốc tế của Việt Nam./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()