-------------------***-------------------
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính, Thủ tướng Quốc vụ viện nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa Lý Cường thăm chính thức Việt Nam từ ngày 12 đến 14-10. Đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường trên cương vị mới.
-------------------***-------------------
Những kết quả quan trọng mang tính lịch sử
Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng gần gũi, vừa là đồng chí, vừa là anh em. Mối quan hệ này do đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông gây dựng và được nhiều thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp, trở thành tài sản quý báu của cả hai dân tộc.
Gần 75 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao (18-1-1950 / 18-1-2024), dòng chảy chính trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc là hữu nghị hợp tác. Nhân dân hai nước đã kề vai sát cánh, dành cho nhau sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn và quý báu, góp phần vào thành công của sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước của mỗi nước.
Hai bên đã xác định phát triển quan hệ hai nước theo phương châm “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999) và tinh thần “Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2005). Năm 2008, hai bên nhất trí thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc, khung hợp tác cao nhất, nội hàm sâu rộng nhất trong quan hệ của Việt Nam với các nước trên thế giới. Trung Quốc cũng là quốc gia đầu tiên cùng Việt Nam xây dựng khuôn khổ hợp tác này.
Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 10-2022) và chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (tháng 12-2023), từ ngày 18 đến 20-8-2024, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm cấp nhà nước rất thành công đến Trung Quốc. Điểm nhấn quan trọng của chuyến thăm là hai bên đã ra “Tuyên bố chung về việc tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, thúc đẩy xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc”, có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại.
Hai nước đã đề ra phương hướng “6 hơn” bao gồm: Tin cậy chính trị cao hơn; hợp tác quốc phòng-an ninh thực chất hơn; hợp tác thực chất sâu sắc hơn; nền tảng xã hội vững chắc hơn; phối hợp đa phương chặt chẽ hơn; bất đồng được kiểm soát, giải quyết tốt hơn.
Trên cơ sở định hướng “6 hơn”, quan hệ hai Đảng, hai nước duy trì đà phát triển rất tích cực, lan tỏa mạnh mẽ đến các cấp, các ngành, hình thành không khí hợp tác sôi động, hiệu quả, thiết thực và đạt nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Từ đầu năm 2024 đến nay, các hoạt động giao lưu, tiếp xúc cấp cao và các cấp tiếp tục diễn ra sôi động, đa dạng hình thức: Các đồng chí Lãnh đạo chủ chốt hai nước trao đổi điện mừng nhân dịp 74 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Trung Quốc và nhân dịp Quốc khánh mỗi nước; chia sẻ những khó khăn do thiên tai gây ra.
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội (Nhân đại) và Mặt trận Tổ quốc (Chính hiệp) hai nước thông qua các hình thức linh hoạt, thường xuyên gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi mật thiết, góp phần tăng cường tin cậy chính trị, củng cố vững chắc cho nền tảng chính trị của quan hệ hai Đảng, hai nước.
Trong các cuộc tiếp xúc, hai bên đều khẳng định coi nước kia là ưu tiên trong chính sách đối ngoại của nước mình. Trung Quốc nhấn mạnh kiên trì chính sách hữu nghị với Việt Nam và luôn coi Việt Nam là hướng ưu tiên trong ngoại giao láng giềng. Việt Nam khẳng định luôn coi quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam.
Các lĩnh vực hợp tác thực chất
Với sự nỗ lực chung của hai bên, hợp tác giữa Việt Nam-Trung Quốc trong các lĩnh vực tiếp tục đạt tiến triển mới, ngày càng sâu sắc, toàn diện và thực chất, điển hình là hợp tác về kinh tế, thương mại, đầu tư.
Đến nay, Việt Nam vẫn duy trì vị trí là đối tác thương mại lớn nhất trong ASEAN, đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên bang Nga).
Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu song phương đạt 130,78 tỷ USD, tăng 25%. Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đạt 1,7 tỷ USD, tiếp tục đứng đầu về dự án cấp mới với 662 dự án. Lũy kế hết tháng 8-2024, Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam 29 tỷ USD, đứng thứ 6/148 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam với 4.865 dự án. Các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế có đầu tư FDI và tại 55/63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.
Cùng với những bước phát triển rất tích cực trong quan hệ giữa hai Đảng, hai nước, hợp tác quốc phòng Việt Nam-Trung Quốc thời gian qua được cả hai bên quan tâm, thúc đẩy, thể hiện rõ tính thực chất hơn với nhiều hoạt động thiết thực được triển khai, như: Trao đổi đoàn cấp cao, hợp tác giáo dục-đào tạo, hợp tác quân, binh chủng, lực lượng thực thi pháp luật trên biển, quản lý biên giới, nghiên cứu chung, trao đổi học thuật...
Cùng với đó, hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc trên các lĩnh vực giáo dục, du lịch, văn hóa, giao lưu nhân dân, hợp tác ở các cơ chế đa phương... cũng chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ và thực chất. Sau 3 năm gián đoạn do đại dịch Covid-19, năm 2023, Việt Nam đã đón 1,75 triệu lượt khách Trung Quốc, đứng thứ hai trong số các thị trường gửi khách đến Việt Nam (sau Hàn Quốc với 3,6 triệu lượt). Trong 8 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đón 2,4 triệu lượt khách Trung Quốc vào Việt Nam, chiếm 21,4% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam, đứng thứ hai sau Hàn Quốc.
Đến nay, đã có gần 60 tỉnh, thành phố của Việt Nam thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương Trung Quốc. Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, địa phương hai bên đã thiết lập và tổ chức định kỳ nhiều cơ chế, chương trình hợp tác...
Chuyến thăm chính thức tới Việt Nam của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa rất đặc biệt đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đúng vào dịp hai bên đang hướng tới kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1950-2025).
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường thăm chính thức Việt Nam trước hết nhằm khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; tiếp tục đưa các mối quan hệ đi vào chiều sâu, đồng thời tạo thế đan xen lợi ích, tăng độ tin cậy; triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như chính sách nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn củng cố, làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Trung Quốc. Chuyến thăm cũng là dịp để lãnh đạo cấp cao hai nước đi sâu trao đổi ý kiến về một loạt vấn đề quan trọng, đặc biệt là các biện pháp nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác song phương.
Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng, nhu cầu và nền tảng quan hệ song phương hiện có, với quyết tâm và nỗ lực chung của hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Ý kiến ()