Việt Nam-Trung Quốc đối thoại chiến lược quốc phòng
Chiều 23/4, Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp Thứ trưởng Việt Nam-Trung Quốc lần thứ 7 đã diễn ra tại TP. Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc).
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến và các thành viên Đoàn Việt Nam tại Đối thoại. Ảnh: QĐND |
Đối thoại diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam và Trung tướng Thiệu Nguyên Minh, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tham mưu liên hợp Quân ủy Trung ương Trung Quốc.
Tham gia đoàn công tác về phía Việt Nam còn có Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.
Cuộc đối thoại đã thành công tốt đẹp, trong đó hai bên trao đổi về tình hình thế giới, khu vực và các vấn đề cùng quan tâm. Hai bên cho rằng, châu Á-Thái Bình Dương đang trở thành điểm giao thoa lợi ích và cạnh tranh ảnh hưởng của các nước trong và ngoài khu vực. Cùng với đó là sự nổi lên của những vấn đề an ninh phi truyền thống như dịch bệnh, môi trường, thiên tai, chủ nghĩa dân tộc cực đoan, khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… tác động sâu sắc tới hòa bình, ổn định và phát triển của các nước. Từ đó, hợp tác quốc tế trong ứng phó với các thách thức chung trở thành nhu cầu tất yếu.
Trong bối cảnh đó, cùng với các đối tác ngoài khu vực, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã có những đóng góp quan trọng cho hòa bình, ổn định của khu vực. Các cơ chế hợp tác do ASEAN đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN Mở rộng (ADMM ) đang ngày càng phát huy hiệu quả, thể hiện ở việc ngày càng có nhiều đối tác ngoài ASEAN mong muốn tham gia.
Hai bên thống nhất đánh giá, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua không ngừng được mở rộng và có các hình thức hợp tác phong phú, tập trung vào các lĩnh vực: Trao đổi đoàn các cấp, nhất là hoạt động tiếp xúc cấp cao, đào tạo, quân y, hợp tác giữa các quân binh chủng, gìn giữ hòa bình Liên Hợp Quốc, trao đổi kinh nghiệm về công tác Đảng, công tác chính trị trong quân đội… Hợp tác giữa lực lượng biên phòng hai nước cũng được hai bên đánh giá cao, đặc biệt trong các lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, duy trì an ninh, trật tự khu vực biên giới.
Hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về các vấn đề trên biển. Thứ trưởng Hoàng Xuân Chiến khẳng định: Biển Đông là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới, không chỉ có giá trị chiến lược về kinh tế thương mại và quốc phòng-an ninh mà còn có giá trị chiến lược về địa chính trị. Do vậy, các nước liên quan cần tích cực hợp tác, giữ gìn hòa bình, ổn định để đem lại lợi ích chung.
Quan điểm nhất quán của Việt Nam là giải quyết các bất đồng trên biển thông qua các biện pháp hòa bình, trên tinh thần nhận thức chung mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thiết thực và hiệu quả; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không làm phức tạp tình hình, không có hành động vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, hai bên thống nhất cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các lĩnh vực hợp tác theo các thỏa thuận đã ký, nhất là Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng đến năm 2025 giữa Bộ Quốc phòng hai nước; tiếp tục thực hiện nghiêm túc 3 văn kiện pháp lý về biên giới giữa hai nước và các thỏa thuận, biên bản hợp tác đã ký kết; hợp tác chặt chẽ trong quản lý, kiểm soát xuất nhập cảnh, vượt biên trái phép; phối hợp chặt chẽ đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm…, cùng nhau duy trì tốt an ninh trật tự khu vực biên giới.
Ý kiến ()