Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ
Ngày 21-10, Đại Hội đồng LHQ Khóa 70 đã bỏ phiếu bầu 18 nước thành viên của Hội đồng Kinh tế - Xã hội LHQ (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 - 2018. Việt Nam trúng cử với số phiếu bầu cao (182 trong tổng số 187 phiếu) và chính thức đảm nhận nhiệm vụ thành viên ECOSOC từ ngày 1-1-2016.
Là một trong sáu cơ quan chính của LHQ, ECOSOC thực hiện các chức năng về kinh tế, xã hội của LHQ, nhằm giải quyết các vấn đề quốc tế về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, y tế, nhân đạo. ECOSOC có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng các chính sách, điều phối các nỗ lực quốc tế, tăng cường phối hợp chính sách để thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển. Trong ba năm tới, với tư cách thành viên ECOSOC, Việt Nam sẽ trực tiếp đóng góp tích cực vào việc triển khai thực hiện Chương trình Nghị sự năm 2030 về phát triển bền vững, góp phần đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống phát triển của LHQ.
Việt Nam trở thành thành viên ECOSOC với số phiếu bầu cao thể hiện vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế; đồng thời là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong xây dựng và phát triển đất nước cũng như những đóng góp của Việt Nam với LHQ thúc đẩy xây dựng một thế giới tiến bộ và tốt đẹp hơn. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đánh dấu bước tiến mới trong nỗ lực triển khai chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, vì hòa bình, phát triển và tiến bộ xã hội, theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế. Việt Nam đã đảm nhiệm thành công cương vị thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ (2008 – 2009) và đang là thành viên Hội đồng Nhân quyền (2014 – 2016).
* Cùng ngày, tại Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới lần thứ 133 (IPU-133) và các hội nghị liên quan tại Giơ-ne-vơ (Thụy Sĩ), các nghị viện thành viên đã bầu Việt Nam là một trong hai quốc gia đại diện các quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia Ban Chấp hành IPU nhiệm kỳ 2015 – 2019. Ban Chấp hành IPU gồm 17 thành viên, là cơ quan tư vấn cao nhất cho Hội đồng Điều hành về toàn bộ các vấn đề liên quan hoạt động của IPU. Với tư cách đại diện khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại Ban Chấp hành IPU, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò và vị thế quốc gia nói riêng và của khu vực nói chung tại diễn đàn liên nghị viện lớn nhất thế giới, góp phần thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao vì lợi ích quốc gia, đồng thời hài hòa với lợi ích khu vực và thế giới.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()