'Việt Nam trong số 10 quốc gia có mô hình phát triển dương'
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các y bác sỹ và những lực lượng ở tuyến đầu, Việt Nam thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch. Đã hơn 40 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Việt Nam là một trong 10 nước trên thế giới có mô hình phát triển dương, vừa chống dịch thành công, vừa có môi trường an toàn để phát triển kinh tế-xã hội.
Thời gian qua, với sự nỗ lực của các y bác sỹ và những lực lượng ở tuyến đầu, Việt Nam thực hiện quyết liệt phòng, chống dịch. Hơn 40 ngày qua, không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê-Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh nhấn mạnh như vậy tại hội nghị Tập huấn công tác chỉ đạo tuyến năm 2020 cho các cán bộ y tế tại các địa phương trên cả nước, do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh tổ chức ngày 16/10, tại Hà Nội.
Phó giáo sư Khuê phân tích một trong những giải pháp thành công trong công tác điều trị COVID-19 của Việt Nam trong thời gian vừa qua nhờ hoạt động khám chữa bệnh từ xa trên nền tảng số. Trung tâm điều hành, chỉ đạo trực tuyến hỗ trợ COVID-19 được đặt tại Cục Quản lý khám, chữa bệnh đã phát huy hiệu quả. Từ mô hình đó, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi các cơ quan cùng tham gia vào hệ thống này.
Theo thống kê của Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đến nay, hoạt động hình khám, chữa bệnh từ xa được triển khai hơn 1.000 điểm cầu với nhiều hiệu quả cho các y bác sỹ. Nếu như trước kia, các cán bộ y tế phải mất nhiều tháng để đi học nâng cao kinh nghiệm hay chuyển giao công nghệ, hiện nay qua công tác đào tạo trực tuyến, các nhân viên y tế có thể từng giờ, từng phút trao đổi thông tin với các chuyên gia tuyến trên.
Tại buổi tập huấn, đại diện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, đến nay đã có hơn 100 bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và các bệnh viện tư nhân tham gia kết nối với bệnh viện.
Buổi tập huấn nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh từ xa cho các đơn vị. Trong kế hoạch 5 năm đầu triển khai Đề án khám, chữa bệnh từ xa, sẽ thử nghiệm và rút kinh nghiệm dần dần để xây dựng hành lang pháp lý, bảo đảm an toàn cho người bệnh.
Ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án Khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020-2025. Mục tiêu của đề án để mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám, chữa bệnh và hỗ trợ chuyên môn từ các bác sỹ ở tuyến xã cũng như tuyến Trung ương. Bên cạnh đó, người dân sẽ được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại tuyến dưới.
Khi Đề án Khám, chữa bệnh từ xa được phê duyệt, Bộ Y tế đã giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối phối hợp bệnh viện trên toàn quốc cùng các giáo sư, thầy thuốc khẩn trương triển khai hoạt động.
Trong 2 tháng triển khai, hơn 1.000 điểm cầu khám, chữa bệnh được kết nối với gần 30 bệnh viện tuyến Trung ương và các bệnh viện tuyến cuối của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Nhiều bệnh viện, trung tâm y tế tại vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo như Cô Tô, Mường Nhé… đã đăng ký tham gia và được kết nối với các bệnh viện trung ương gồm Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Sản-Nhi Quảng Ninh…/.
Ý kiến ()