Việt Nam trong mối quan hệ ngày càng mở rộng giữa ASEAN và Canada
Theo Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Canada-ASEAN, Việt Nam hiện là điểm đến hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Canada khi thâm nhập thị trường khu vực Đông Nam Á này.
Quan hệ giữa ASEAN và Canada đang ngày càng được mở rộng kể từ khi hai bên nâng cấp quan hệ lên tầm Đối tác Chiến lược vào năm 2023 và Canada liên tục đẩy mạnh sự hiện diện tại khu vực này.
Người Canada đang chứng tỏ quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc thúc đẩy mối quan hệ kinh tế, cũng như xúc tiến mối quan hệ thương mại và đầu tư vào khu vực ASEAN.
Điều này được thể hiện thông qua sự kiện thành lập Hội Nghị sỹ Hữu nghị Canada-ASEAN và đưa Hội đồng Kinh doanh Canada-ASEAN (CABC) trở thành tổ chức chính thức của Canada trong việc kết nối với ASEAN.
Đồng Chủ tịch Hội Nghị sỹ Hữu nghị Canada-ASEAN, Thượng nghị sỹ Clement Gignac, cho biết sự kiện này ghi nhận việc Canada rất coi trọng mối quan hệ với ASEAN, cam kết sẽ hoạt động tích cực trong thời gian tới để giúp các doanh nghiệp Canada tăng cường thêm các mối quan hệ với khu vực này.
Sự hiện diện của các Thượng nghị sỹ và Hạ nghị sỹ trong Hội Nghị sỹ Hữu nghị cũng cho thấy những cam kết của Nghị viện Canada trong việc hỗ trợ hết sức cho CABC triển khai các hoạt động tại ASEAN.
ASEAN đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của Canada kể từ năm 2021, với giá trị thương mại song phương xấp xỉ 50 tỷ USD.
Việc CABC được chính thức công nhận và trở thành một trong ba tổ chức kinh doanh đối tác với ASEAN, gồm cả Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN và Hội đồng Kinh doanh EU-ASEAN là một dấu mốc quan trọng, củng cố cam kết của tổ chức này trong việc kết nối cộng đồng doanh nghiệp và thúc đẩy quan hệ kinh tế bền chặt hơn nữa giữa hai bên.
Chủ tịch CABC Wayne Farmer nêu rõ hội đồng vinh dự khi có được sự công nhận này, nhấn mạnh tới vai trò và cam kết liên tục của hội đồng trong việc tăng cường quan hệ kinh tế giữa Canada và các quốc gia thành viên ASEAN.
Điều này mở ra những con đường mới để thúc đẩy hợp tác, thương mại và đầu tư. Việc Hội nghị sỹ Hữu nghị mong muốn hợp tác với chúng tôi cũng là dấu hiệu cho thấy chính quyền đã thực sự chú ý tới các hoạt động của CABC trong khu vực.
Đại sứ Lào tại Mỹ và Canada Sisavath Inphachanh, người đại diện cho ASEAN với vai trò là nước Chủ tịch năm 2024, cho biết sự kiện này cho thấy Nghị viện Canada rất chú trọng tới việc hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc xây dựng mối quan hệ với các nước thành viên ASEAN.
CABC đã có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động đầu tư kinh doanh ở khu vực từ lâu nay, trong khi Hội Nghị sỹ Hữu nghị Canada-ASEAN sẽ hoạt động với vai trò thúc đẩy việc hỗ trợ các doanh nghiệp Canada tìm kiếm cơ hội đầu tư kinh doanh vào các nước ASEAN.
CABC được thành lập từ năm 2012 tại Singapore, với vai trò thúc đẩy và tăng cường quan hệ thương mại giữa các doanh nghiệp tư nhân của Canada với khu vực ASEAN.
Sự công nhận này khẳng định vai trò của CABC như một thực thể tích cực trong hệ sinh thái ASEAN. Điều này sẽ góp phần củng cố thêm tiếng nói của CABC trong ASEAN và cũng là chất xúc tác để tăng cường quan hệ thương mại với Canada.
Với trọng tâm là tăng cường quan hệ kinh tế, CABC sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Canada và Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Canada.
Tháng tới, CABC sẽ tham gia phái đoàn thương mại Canada tới Malaysia và Việt Nam. Ông Farmer cho biết Việt Nam hiện đang là điểm đến hàng đầu của nhiều doanh nghiệp Canada khi thâm nhập thị trường ASEAN.
Việt Nam, Indonesia hay Philippines, với những lý do khác nhau, đều là những quốc gia mà giới doanh nghiệp Canada chú ý do quy mô nền kinh tế và mối giao lưu nhân dân.
Việc Nam cũng đang được hưởng lợi từ Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và chắc chắn cũng sẽ có được phần thưởng xứng đáng từ Hiệp định Thương mại Tự do Canada-ASEAN trong tương lai.
Việt Nam đang là đối tác thương mại lớn nhất của Canada trong ASEAN, là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và đang mang đến nhiều cơ hội thương mại cho các doanh nghiệp Canada.
Họ tìm đến Việt Nam như một phần trong chiến lược chuyển đổi hoạt động sản xuất và chuỗi cung ứng, cũng như là điểm đến cho hàng hóa dịch vụ và các quỹ đầu tư của Canada./.
Ý kiến ()