Việt Nam tiếp tục là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Với chủ đề “Triển vọng kinh tế năm 2022 và Chính sách Tài chính xanh”, Tọa đàm do Bộ Ngoại giao và Ngân hàng Standard Chartered phối hợp tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đã thu hút sự tham dự của hơn 120 đại biểu đại diện lãnh đạo các cơ quan trung ương, địa phương, viện nghiên cứu và doanh nghiệp, cùng nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước.
Các chuyên gia đã đánh giá lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam, đồng thời đưa ra khuyến nghị nhằm hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh và phát triển bền vững.
Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered đã chia sẻ những nhận định về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Ông Tim Leelahaphan (T.Li-la-ha-phan), chuyên gia phụ trách Thái Lan và Việt Nam của Ngân hàng Standard Chartered nhận định, nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2022. Tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ đạt 6,7% trong năm 2022 và 7% trong năm 2023. Triển vọng trung hạn của Việt Nam duy trì tích cực. Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và là điểm đến được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Hoạt động đầu tư vào Việt Nam dự kiến sẽ phục hồi trong năm nay sau một thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chủ đề Tài chính xanh và kiến nghị chính sách với Việt Nam đã được các chuyên gia kinh tế và đại diện doanh nghiệp sôi nổi trao đổi. Các tổ chức và nhiều đối tác quốc tế khẳng định, tài chính xanh là xu thế sẽ được đẩy mạnh trong thời gian tới. Trong đó, nguồn vốn được huy động từ cả khu vực nhà nước, tư nhân và các định chế tài chính và các tổ chức phi lợi nhuận nhằm thực hiện các mục tiêu và ưu tiên về phát triển bền vững.
Tọa đàm cũng đưa ra các cách thức, giải pháp cụ thể để Việt Nam có thể tiếp cận và huy động các nguồn lực tài chính xanh nhằm giúp Việt Nam có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Nhiều đối tác và các doanh nghiệp đánh giá cao chủ trương, chính sách của Việt Nam về tăng trưởng xanh và giảm phát thải, khẳng định sẽ tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả các chính sách tài chính xanh.
Ông Ben Hung, Tổng Giám đốc khu vực châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, chia sẻ: “Việt Nam là một thị trường quan trọng trong mạng lưới hoạt động của Standard Chartered tại châu Á. Chúng tôi cam kết đầu tư vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình phát triển bền vững”. Chuyên gia nhấn mạnh, việc chính phủ chú trọng vào phát triển nền kinh tế theo hướng xanh và bền vững sẽ giúp tăng cường niềm tin cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư, thúc đẩy họ đầu tư nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam.
Bà Michele Wee (M.Uy), Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam chia sẻ, trong một cuộc khảo sát do Standard Chartered thực hiện gần đây, các khách hàng đều cho rằng Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư. Việt Nam đang đóng một vai trò ngày càng quan trọng trong hoạt động thương mại quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu. Standard Chartered luôn nỗ lực hỗ trợ quá trình phục hồi và tăng trưởng bền vững của Việt Nam.
Lãnh đạo Standard Chartered nhấn mạnh, Tọa đàm là một phần trong những nỗ lực của Standard Chartered nhằm đóng góp vào việc triển khai các chính sách về phát triển bền vững của Việt Nam. Với mong muốn trở thành Ngân hàng phát triển bền vững nhất thế giới, Standard Chartered đã đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng nhằm đạt được mức phát thải các-bon bằng 0 từ các hoạt động cấp vốn do ngân hàng thực hiện vào năm 2050, trong đó có các mục tiêu cho năm 2030 đối với các lĩnh vực phát thải nhiều các-bon.
Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng đánh giá cao Ngân hàng Standard Chartered phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức Tọa đàm nhằm trao đổi về báo cáo vừa hoàn thành trong tháng 2/2022 của Ngân hàng về triển vọng kinh tế toàn cầu và Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh, các hoạt động nghiên cứu, tham mưu và đối thoại chính sách kinh tế có ý nghĩa rất quan trọng khi các quốc gia đứng trước những lựa chọn chính sách có tính bước ngoặt, tác động không chỉ đến triển vọng kinh tế trước mắt mà còn quyết định khả năng phục hồi, phát triển bền vững trong dài hạn.
Ý kiến ()