Việt Nam tiếp tục duy trì vững chắc mức sinh thay thế
Từ năm 1994 đến nay, công tác dân số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Ngày 10/7, tại Hà Nội, Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam tổ chức Lễ kỷ niệm Ngày Dân số thế giới 11/7/2019 với chủ đề “25 năm sau Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển: Thúc đẩy tiến độ nhằm hiện thực hóa những nội dung đã cam kết” với sự tham gia của đại diện một số bộ, ngành, đại diện các Đại sứ quán, tổ chức phi chính phủ.
Kết quả sau 25 năm Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển
Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) được tổ chức năm 1994 đã đánh dấu một điểm khởi đầu mang tính đột phá. Nội dung của Hội nghị đã giúp chương trình phát triển dân số tại các quốc gia trên thế giới có cách nhìn nhận một cách toàn diện hơn về cách thức mà thế giới nhìn nhận về dân số, phát triển và quyền sinh sản. Tại Hội nghị ICPD tổ chức năm 1994, 179 quốc gia đã thông qua một Chương trình hành động với tầm nhìn sâu rộng trong lĩnh vực dân số và phát triển. Các quốc gia đều đồng thuận với quan điểm cho rằng, cần đặt con người vào vị trí trung tâm. Thời điểm năm 1994, chỉ khoảng 15% phụ nữ đã kết hôn tại các nước kém phát triển nhất có sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại. Hiện nay, tỷ lệ này là 37%. 25 năm trước, tử vong của phụ nữ liên quan đến thai sản (tỷ số tử vong mẹ) tại các nước kém phát triển nhất là xấp xỉ 800/100.000 sơ sinh sống. Hiện nay, con số này đã giảm xuống một nửa.
Năm 2019 đánh dấu 25 năm ngày tổ chức Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển, đồng thời là năm thứ 50 của tổ chức UNFPA ra đời là thời điểm thích hợp cho Hội nghị Thượng đỉnh tại Nairobi được tổ chức vào tháng 11/2019, đưa ra phương hướng, chiến lược hành động mới phù hợp với sự phát triển của thế giới.
Bà Astrid Bant, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam cho biết: Từ năm 2016 đến nay, Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đã và đang bước vào giai đoạn thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững với mong muốn đạt được 17 mục tiêu Phát triển bền vững đã đề ra. Chương trình nghị sự và những mục tiêu này tập trung vào việc xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người dân, đồng thời đảm bảo không một ai bị bỏ lại phía sau. Bà Astrid Bant cũng khẳng định: UNFPA đã xây dựng kế hoạch chiến lược mới nhằm hỗ trợ chương trình nghị sự 2030 và củng cố cam kết của Quỹ Dân số Liên Hợp quốc tới Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển đạt được 3 kết quả, gồm: Không có tử vong mẹ; không có nhu cầu chưa được đáp ứng về kế hoạch hóa gia đình; không có bạo lực giới và các hành vi có hại đối với phụ nữ và trẻ em gái.
Những thành tựu của Việt Nam
Theo số liệu từ Quỹ Dân số Liên hợp quốc tại Việt Nam, trong thời gian qua, công tác dân số tại Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Năm 2018, dân số Việt Nam đạt khoảng 95 triệu người. Tốc độ gia tăng dân số được khống chế thành công. Tốc độ tăng dân số bình quân hàng năm 1,7% giai đoạn 1989-1999 đã giảm xuống dưới 1,2% giai đoạn 1999-2009 và khoảng 1% giai đoạn từ 2010 đến nay. Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 6,39 con năm 1960 xuống 2,33 con năm 1999, đạt mức sinh thay thế 2,09 con năm 2006, sớm hơn 10 năm so với mục tiêu của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và tiếp tục được duy trì cho đến nay. Cơ cấu dân số thay đổi tích cực, số lượng và tỷ trọng dân số phụ thuộc giảm, dân số trong độ tuổi lao động tăng mạnh. Từ năm 1989 đến nay, dân số dưới 15 tuổi giảm mạnh từ 39,2% xuống 24,0%; dân số trong độ tuổi lao động tăng từ 56,1% lên 68,4%; dân số trên 65 tuổi tăng từ 4,7% lên 7,6%.
Cơ cấu lao động dịch chuyển theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ trên 27% năm 1993 lên 56% năm 2016; lao động nông nghiệp giảm từ trên 72% xuống còn 44,0%. Từ năm 2007, Việt Nam bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng và dự kiến đạt đỉnh vào năm 2020, với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Bộ Y tế cho biết: Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tỷ lệ suy dinh dưỡng và tỷ suất tử vong trẻ em đã giảm hai phần ba; tỷ số tử vong mẹ giảm ba phần tư so với năm 1990. Mạng lưới tầm soát, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh đã từng bước được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành phố. Đến nay, 25% bà mẹ mang thai và 35% trẻ em sơ sinh ra được tầm soát, chẩn đoán, can thiệp và điều trị sớm một số bệnh, tật. Ông Nguyễn Đức Vinh cũng nhấn mạnh điểm đáng ghi nhận trong cải thiện chất lượng dân số của Việt Nam là tầm vóc thể lực của người Việt Nam có bước cải thiện lớn: Từ năm 1993 đến nay, chiều cao trung bình của thanh niên Việt Nam tăng thêm 3cm, đạt 164cm ở nam và 153cm ở nữ. Tuổi thọ trung bình tăng từ 65,5 tuổi năm 1993 lên 73,5 tuổi năm 2018, cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Số năm sống trung bình sau khi đạt 60 tuổi của người Việt Nam đã tương đương nhiều nước Châu Âu.
Định hướng công tác dân số trong thời gian tới
Hiện nay, vấn đề dân số đang là thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam. Những trọng tâm của phát triển dân số tại Việt Nam theo UNFPA khuyến nghị cần chú trọng bao gồm: Quy mô dân số lớn, mật độ dân số cao và tiếp tục tăng. Mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng. Tỷ số giới tính khi sinh đang mức nghiêm trọng và ngày càng lan rộng. Di cư diễn ra với cường độ mạnh trên phạm vi cả nước. Thời kỳ dân số vàng đan xen với già hóa dân số với tốc độ rất nhanh. Đặc biệt, chất lượng dân số còn hạn chế.
Tại Lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định: Trong 25 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu quan trọng trong việc thực hiện ưu tiên được nêu trong Tuyên bố của Hội nghị Bộ trưởng các nước châu Á – Thái Bình Dương về dân số và phát triển. Việt Nam đã có những ứng phó hiệu quả đối với các vấn đề dân số mới nổi, bao gồm các chính sách và chương trình dựa trên bằng chứng phù hợp để cải thiện và kiểm soát ung thư cổ tử cung, giảm các nhu cầu chưa được đáp ứng về các phương tiện tránh thai trong nhóm thanh niên chưa kết hôn, cải thiện khả năng tiếp cận giáo dục giới tính toàn diện cho thanh thiếu niên và cải thiện việc phòng ngừa và ứng phó với các hành vi có hại như bạo lực giới, mất cân bằng giới tính khi sinh, kết hôn trẻ em.
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nhấn mạnh: Trong thời gian tới, công tác dân số tại Việt Nam cam kết mạnh mẽ tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Chương trình hành động ICPD và đặc biệt tập trung vào duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỉ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số một cách chủ động; phân bố dân số hợp lý; từng bước nâng cao chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ hữu cơ với phát triển kinh tế – xã hội, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững theo đúng tinh thần của Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về công tác dân số trong tình hình mới./.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()