Việt Nam tích cực tìm kiếm cơ hội đầu tư và thương mại ở châu Phi
Tại AFIC 7, Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận giới thiệu tình hình kinh tế Việt Nam, thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư, nông nghiệp Việt Nam-châu Phi và tiềm năng hợp tác trong thời gian tới.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia châu Phi. (Nguồn: worldbank.org)
Diễn đàn Thương mại và Đầu tư châu Phi lần thứ 7 – 2021 (AFIC 7), do Trung tâm Đầu tư và Phát triển Arab-châu Phi tổ chức theo hình thức trực tiếp và cả trực tuyến, đã diễn ra trong hai ngày 24 và 25/5 tại thủ đô Algiers, dưới sự bảo trợ của Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune.
Đoàn Việt Nam do Đại sứ Nguyễn Thành Vinh dẫn đầu đã tham gia sự kiện.
Với chủ đề “Sản xuất tại châu Phi,” Diễn đàn AFIC 7 đã thu hút sự tham gia của đông đảo lãnh đạo các tổ chức khu vực và quốc tế, các đại sứ quán, chuyên gia, nhà nghiên cứu, các phòng thương mại, hơn 600 doanh nghiệp và 70 gian hàng đến từ 35 nước, trong đó có Việt Nam, quan tâm đến lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa và đầu tư tại châu Phi.
Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi trùng với dịp kỷ niệm Ngày châu Phi, đánh dấu sự thành lập Tổ chức châu Phi Thống nhất (nay là Liên minh châu Phi) vào ngày 25/5/1963 và khi 54 quốc gia châu Phi hiện đang tích cực chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định thương mại tự do mậu dịch lục địa (AfCFTA) có hiệu lực từ 1/1/2021.
Những hoạt động chính của diễn đàn lần này bao gồm triển lãm hàng hóa các nước, các cuộc hội thảo và tiếp xúc song phương (B2B) giữa doanh nghiệp, tổ chức kinh tế liên quan đến các lĩnh vực xuất khẩu, công nghiệp thực phẩm và nông nghiệp, công nghệ, du lịch và dịch vụ, năng lượng tái tạo, tài trợ của ngân hàng và tín dụng, phụ nữ doanh nhân Ả rập và châu Phi.
Về phía Việt Nam, trong khuôn khổ sự kiện lần này, ngoài việc tham gia trực tuyến của khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam từ trong nước, Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam tại Algeria (kiêm các nước như Senegal, Mali, Niger, Gambia) đã tổ chức gian hàng tại Hội chợ và trưng bày nhiều sản phẩm của Việt Nam như cà phê, chè, gạo, hạt tiêu, sữa, bánh tráng, bột sắn, dây cáp điện… cũng như các catalogue của doanh nghiệp, ấn phẩm quảng bá văn hóa-du lịch và con người Việt Nam đến bạn bè các nước châu Phi.
Phát biểu tại Diễn đàn, Tham tán Thương mại Hoàng Đức Nhuận đã giới thiệu tình hình kinh tế Việt Nam, thực trạng quan hệ thương mại, đầu tư, nông nghiệp Việt Nam-châu Phi và tiềm năng hợp tác trong thời gian tới.
Dịp này, Tham tán thương mại Hoàng Đức Nhuận cũng thông báo kế hoạch Việt Nam tổ chức Hội nghị quốc tế về hợp tác nông nghiệp Việt Nam-châu Phi vào cuối năm 2021 theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Hiện nay, Việt Nam đã có quan hệ thương mại với tất cả các quốc gia châu Phi.
Năm 2019, trao đổi thương mại giữa Việt Nam và khu vực này đạt 7,4 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu 3,4 tỷ USD hàng hóa các loại, tăng 17% so năm 2018.
Những mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang châu phi gồm hàng công nghiệp (điện thoại di động và linh kiện, máy tính và linh kiện, hàng dệt may, giày dép), hàng nông nghiệp (gạo, cà phê, hạt tiêu, cơm dừa, hạt điều nhân), hàng thủy sản (cá tra, ba sa, tôm), hàng vật liệu xây dựng.
Về nhập khẩu, Việt Nam mua từ châu Phi chủ yếu là hàng nguyên liệu thô như điều thô, bông, gỗ, đồng, quặng, thức ăn gia súc, khí hóa lỏng… phục vụ các ngành công nghiệp chế biến trong nước và xuất khẩu.
Những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam ở khu vực này gồm Nam Phi, Ai Cập, Bờ Biển Ngà, Ghana, Algeria, Maroc, Nigeria, Cameroon.
Về hợp tác đầu tư, 20 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Phi đứng đầu là Seychelles, Mauritius, Angola, Swaziland và Kenya đã đầu tư vào Việt Nam, với tổng số vốn là 2,35 tỷ USD chủ yếu trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ lưu trú, tư vấn.
Theo chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư vào 12 nước châu Phi như Algeria, Cameroon, Burundi, Tanzania, Mozambique… với tổng số vốn gần 3 tỷ USD trong các lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí, viễn thông, thủy điện, sản xuất xi-măng, chế biến gỗ, hạt điều.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, những năm qua Việt Nam đã cử trên 400 chuyên gia sang hỗ trợ phát triển nông nghiệp tại nhiều nước châu Phi như Mozambique, Benin, Guinea, Senegal.
Nhờ sự trợ giúp tận tình của chuyên gia nông nghiệp Việt Nam, năng suất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản tại các dự án thí điểm đều tăng, từng bước góp phần giúp các nước châu Phi đảm bảo an ninh lương thực.
Liên quan đến tình hình hội nhập kinh tế quốc tế, cho đến nay, Việt Nam đã ký 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong khuôn khổ đa phương và song phương (trong đó có 14 hiệp định đã có hiệu lực) với các đối tác lớn ở khắp các châu lục trừ châu Phi.
Tại diễn đàn lần này, nhiều đối tác châu Phi bày tỏ sự quan tâm đến các mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng như mong muốn kêu gọi Việt Nam tăng cường hợp tác đầu tư với các nước châu Phi, nhất là trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, khai thác mỏ.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 lan rộng trên quy mô toàn cầu như hiện nay, diễn đàn thương mại và đầu tư trực tuyến này sẽ tạo ra một nền tảng quan trọng góp phần tăng cường quan hệ đối tác, đầu tư, các mối quan hệ chiến lược quốc tế và trao đổi thương mại thông qua việc thiết lập danh mục các nhà xuất khẩu, nhập khẩu và doanh nghiệp của các nước tham gia, trong đó có Việt Nam.
Đây là một cơ hội rất tốt để chúng ta có thể tìm hiểu các tiềm năng, cơ hội đầu tư và thương mại ở khu vực châu Phi, các chính sách mới của lục địa, đồng thời tạo điều kiện gặp gỡ, tiếp xúc giữa các doanh nghiệp Việt Nam và châu Phi, đặc biệt khi 54 quốc gia khu vực này đang tích cực chuẩn bị cho việc thực thi AfCFTA.
Hiệp định này sẽ mở ra cơ hội đầu tư cho doanh nghiệp các nước ngoài châu Phi vì các dòng thuế bên trong lục địa sẽ được dỡ bỏ đến 90% trong vòng 10 năm tới.
Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam nếu đầu tư sang các quốc gia là địa bàn trọng điểm, chiến lược, có tình hình chính trị ổn định, nguồn nhân công và tài nguyên dồi dào, thì có thể tận dụng những thế mạnh tại chỗ và hưởng những ưu đãi về thuế quan để sản xuất, xuất khẩu sang các nước khác trong khu vực./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()