Việt Nam tích cực hợp tác trong bảo đảm an ninh hạt nhân
Việt Nam đề nghị các quốc gia trong quá trình phát triển TNPPs, cần nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp và thực tiễn quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, bảo vệ môi trường biển.
Ngày 11/2/, phát biểu tại Hội nghị quốc tế về an ninh hạt nhân, tổ chức tại Vienna, Cộng hòa Áo từ 10-14//2020 (ICONS 2020), Đại sứ Lê Dũng, Đại diện thường trực Việt Nam tại Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị đã nêu bật ý nghĩa của quá trình áp dụng công nghệ và kỹ thuật hạt nhân vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y tế và bảo vệ môi trường, góp phần thiết thực vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân tại Việt Nam.
Tuy nhiên, quá trình này cũng đặt ra cho các quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng nhiều thách thức trong vấn đề bảo đảm an ninh và an toàn hạt nhân.
Đại sứ Lê Dũng nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết và nghĩa vụ theo các văn kiện quốc tế có liên quan, đặc biệt là Công ước về bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân (CPPNM) và Văn kiện sửa đổi CPPNM.
Việt Nam đánh giá cao việc ICONS 2020 đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng về an ninh hạt nhân ngay trong ngày đầu tiên của Hội nghị và tin tưởng văn kiện này sẽ giúp thúc đẩy hơn nữa các hoạt động hợp tác nhằm bảo đảm an toàn và an ninh hạt nhân.
Đại sứ Lê Dũng đã thông báo về chính sách và một số biện pháp của Việt Nam trong bảo đảm an ninh hạt nhân.
Về chính sách, việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc quyết định thông qua Kế hoạch hành động quốc gia về ứng phó nguy cơ, sự cố hóa học, sinh học, bức xạ và hạt nhân giai đoạn 2019-2025 đã góp phần hoàn thiện khung pháp lý cho các bộ, ngành và địa phương Việt Nam xây dựng và thực hiện các biện pháp phù hợp để ứng phó với các sự cố về an ninh hạt nhân.
Bên cạnh đó, quá trình hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và IAEA cũng như các đối tác khác về chuyển giao công nghệ, đào tạo, nâng cao năng lực đã giúp Việt Nam triển khai một số hoạt động và xây dựng đội ngũ chuyên gia có chất lượng về an ninh hạt nhân.
Đại sứ Lê Dũng đã lưu ý Hội nghị về những nguy cơ mới và đang nổi lên trong bảo đảm an ninh hạt nhân. Trong đó, việc phát triển các công nghệ hạt nhân mới như các cơ sở hạt nhân di dộng (TNPPs) một mặt giúp các quốc gia giải quyết được nhiều vấn đề kinh tế-xã hội như cung cấp điện năng cho các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; hỗ trợ hoạt động hàng hải tại các vùng biển có thời tiết khắc nghiệt nhưng cũng tạo ra lo ngại về bảo đảm an ninh, an toàn, ngăn chặn ô nhiễm môi trường biển.
Việt Nam đề nghị các quốc gia, trong quá trình phát triển TNPPs, cần nghiêm túc tuân thủ các nghĩa vụ theo luật pháp và thực tiễn quốc tế về bảo đảm an ninh, an toàn hạt nhân, bảo vệ môi trường biển.
Việt Nam cũng kêu gọi IAEA đóng vai trò trung tâm trong việc quy tụ các quốc gia và củng cố các khuôn khổ quốc tế về an ninh, an toàn trong quá trình vận hành các TNPPs.
ICONS là Hội nghị được tổ chức hai năm một lần để các quốc gia và các tổ chức có liên quan chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm và biện pháp về bảo đảm an ninh hạt nhân.
Tại Hội nghị năm nay, các quốc gia đã thông qua Tuyên bố Bộ trưởng nhấn mạnh cam kết duy trì an ninh trong các hoạt động hạt nhân, thúc đẩy việc mở rộng thành viên và thực hiện hiệu quả CPPNM và Văn kiện sửa đổi CPPNM, kêu gọi IAEA sớm hoàn thiện Kế hoạch an ninh hạt nhân giai đoạn 2022-2025, tạo điều kiện để thúc đẩy các hoạt động hợp tác và biện pháp ứng phó với những nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh hạt nhân toàn cầu.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị còn có ông Nguyễn Tuấn Khai, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ hạt nhân, đại diện của Bộ Khoa học và Công nghệ và Phái đoàn Việt Nam bên cạnh IAEA và các tổ chức quốc tế khác tại Vienna./.
Ý kiến ()