Việt Nam tích cực đóng góp vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong
Nhân dịp diễn ra Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại thủ đô Vientiane, Lào, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng trả lời phỏng vấn báo chí về ý nghĩa, tầm quan trọng của Hội nghị cũng như ý nghĩa của việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị.
Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Bá Hùng. (Ảnh: Trịnh Dũng) |
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết, Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) là cơ chế hợp tác với sự tham gia của bốn quốc gia thành viên, gồm: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Ủy hội được lập ra nhằm thúc đẩy hợp tác toàn diện để xây dựng cộng đồng có trách nhiệm và vì lợi ích chung ở khu vực. Việt Nam đã tham gia tích cực vào MRC ngay từ quá trình thành lập và có nhiều đóng góp về nội dung, lĩnh vực hợp tác.
Đại sứ Nguyễn Bá Hùng nhận định, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 tại Vientiane, Lào vào ngày 5/4, theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào Sonexay Siphandone, thể hiện sự coi trọng của Việt nam đối với cơ chế này. Việc này cũng đồng thời khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như thúc đẩy các nội dung phù hợp với lợi ích của Việt Nam và có ý nghĩa đối với sự phát triển chung, bền vững của lưu vực sông Mekong.
Về ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội nghị, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng đánh giá, trải qua gần 30 năm hình thành và phát triển, hợp tác trong khuôn khổ MRC đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển ở các quốc gia thành viên, cũng như hai nước thượng nguồn là Trung Quốc và Myanmar, cũng như nhiều đối tác quốc tế khác.
Tuy nhiên, hợp tác Mekong nói chung và vai trò của MRC đang đứng trước nhiều thách thức, cả do nguyên nhân chủ quan, khách quan. Chính vì vậy, Hội nghị lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng, là dịp để các quốc gia thành viên và đối tác trao đổi, hướng tới mục tiêu hợp tác giữa các quốc gia thành viên trong việc sử dụng, phát triển, bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững, vì lợi ích chung của các quốc gia thành viên, cũng như phúc lợi của người dân trong lưu vực sông Mekong.
Hội nghị cũng là diễn đàn thúc đẩy thực hiện cam kết chính trị cao nhất của bốn quốc gia thành viên trong việc tăng cường thực hiện có hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của MRC.
Đây cũng là dịp để các bên đánh giá về thách thức và cơ hội liên quan nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực sông Mekong, đồng thời đề ra phương hướng phát triển, quản lý lưu vực và thống nhất các thỏa thuận, kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển lưu vực sông Mekong giai đoạn 2021-2030.
Về những đóng góp của Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Bá Hùng cho biết, nhận thức rõ vai trò và ý nghĩa của MRC đối với sự phát triển bền vững và thịnh vượng của tiểu vùng Mekong cũng như bảo vệ quyền lợi đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia ngay từ giai đoạn đầu của quá trình hình thành cơ chế này, đồng thời luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc Hiệp định Mekong năm 1995, tích cực tham gia giải quyết các vấn đề trong Ủy hội.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong nói chung và MRC nói riêng đi vào thực chất, Việt Nam cam kết mạnh mẽ về chính trị và tham gia một cách chủ động tích cực và có hiệu quả tại MRC, với nhiều đóng góp nổi bật.
Thứ nhất, Việt Nam tích cực cùng các nước thành viên thương lượng và xây dựng các văn kiện quan trọng của MRC, trong đó có Bộ quy chế sử dụng nước cũng như đóng góp vào quá trình cải tổ MRC và Ban Thư ký MRC theo hướng tăng hiệu quả, gọn nhẹ hơn. Đồng thời, cũng tích cực tham gia xây dựng và triển khai các chiến lược, dự án, nghiên cứu quan trọng của MRC.
Thứ hai, Việt Nam tích cực tham gia xây dựng và triển khai chương trình, dự án hợp tác chính của MRC, như Chương trình môi trường, Chương trình thủy sản, Chương trình quản lý lũ và hạn, Chương trình chống biến đổi khí hậu, Chương trình nông nghiệp và tưới, Chương trình giao thông thủy, Chương trình phát triển thủy điện bền vững, Dự án Quản lý tổng hợp tài nguyên nước Mekong, các hoạt động thu thập và chia sẻ thông tin, Chương trình tăng cường năng lực.
Thứ ba, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị cấp cao MRC lần thứ 2 với chủ đề “An ninh nước, năng lượng, lương thực trong bối cảnh biến đổi khí hậu của lưu vực sông Mekong”, tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 4/2014, qua đó góp phần định hướng các hoạt động hợp tác của MRC.
Thứ tư, Việt Nam cũng tích cực tham gia thúc đẩy hợp tác giữa MRC với các đối tác đối thoại và đối tác phát triển, cũng như tham gia thúc đẩy các hoạt động hợp tác liên lưu vực sông, trong đó có các lưu vực sông Hằng, sông Danube, sông Nile, sông Amazon và sông Mississippi.
Ý kiến ()