Việt Nam-Thụy Sĩ tăng cường hợp tác và hiểu biết về ASEAN
Thụy Sĩ là đối tác thương mại quan trọng và là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện lực.
Đại sứ Lê Linh Lan cùng các diễn giả tham dự Tuần lễ hội thảo trực tuyến trong khuôn khổ Dự án Khám phá ASEAN.
Nhận lời mời của Ban Giám đốc Đại học Khoa học Ứng dụng & Nghệ thuật Tây Bắc Thụy Sỹ (FHNW), ngày 16/2, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sĩ Lê Linh Lan đã tham dự với tư cách diễn giả chính tại Hội thảo về Việt Nam trong khuôn khổ Tuần lễ hội thảo trực tuyến trong khuôn khổ Dự án Khám phá ASEAN (Explore ASEAN).
Với chủ đề “ASEAN: Một thực thể, Công nghệ Thông minh, Kỹ thuật số và Phát triển Bền vững”, Tuần lễ Hội thảo “Khám phá ASEAN” năm nay nhằm mục tiêu tìm hiểu phương thức ASEAN xử lý các hệ quả của cuộc khủng hoảng COVID-19 thông qua các nỗ lực hợp tác, thông tin minh bạch và hiệu quả.
Trong khi kinh tế khu vực đã và đang phát triển tích cực nhờ ứng dụng công nghệ cũng như sự bùng nổ sử dụng điện thoại thông minh, quá trình số hóa cũng đang làm thay đổi mạnh mẽ viễn cảnh kinh tế của khu vực. Bên cạnh việc nghiên cứu sự chuyển dịch kỹ thuật số của ASEAN, dự án cũng tập trung vào các giải pháp công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Việt Nam cùng hai nước ASEAN khác là Singapore, Thái Lan được lựa chọn là nước nghiên cứu trọng điểm.
Phát biểu tại Hội thảo, Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trên toàn cầu, tác động tiêu cực đến nhiều mặt của tình hình kinh tế thế giới trong hơn một năm qua.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao cùng sự đồng lòng của chính phủ và toàn xã hội, về cơ bản Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch bệnh. Với tốc độ tăng trưởng GDP 2,91% năm 2020, Việt Nam là một trong số hiếm hoi các nước giữ được tăng trưởng GDP dương, trong khi nhiều nước trên thế giới rơi vào suy thoái nặng nề.
Việt Nam đã đạt được “mục tiêu kép,” đó là đẩy lùi đại dịch đồng thời duy trì tăng trưởng kinh tế. Các thiết chế tài chính trên thế giới đều nhận định đầy lạc quan về triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2021.
Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng ở mức 6,7% năm 2021. Các nhà kinh tế của Bank of America dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh mẽ ở mức 9,3% trong năm 2021.
Đề cập những yếu tố hỗ trợ phục hồi kinh tế mạnh mẽ trong thời gian tới, Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh hiệu ứng tích cực của việc ký kết gia nhập một loạt các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trong thời gian qua.
Đặc biệt, việc Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 sẽ mở ra những cơ hội to lớn thúc đẩy thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và các nước châu Âu, hỗ trợ sự phục hồi kinh tế của các nước thời kỳ hậu COVID-19.
Tháng 11/2020 vừa qua, trong vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã thúc đẩy thành công việc ký kết Hiệp định hợp tác kinh tế khu vực (RCEP) với mục tiêu tự do hóa thương mại đầu tư và tăng cường hợp tác kinh tế giữa 15 nền kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 đối tác là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc.
Với 30% GDP toàn cầu, RCEP là khối thương mại tự do lớn nhất thế giới, là tiến triển hết sức quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ thương mại tự do và toàn cầu hóa ngay trong năm đại dịch COVID-19. Những yếu tố trên củng cố thêm lợi thế so sánh vốn có của Việt Nam để thu hút mạnh mẽ làn sóng dịch chuyển dòng vốn đầu tư và chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu tới Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và khủng hoảng COVID-19.
Về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Thụy Sĩ, Đại sứ Lê Linh Lan khẳng định cơ hội và tiềm năng thời gian tới còn rất lớn. Thụy Sỹ là đối tác thương mại quan trọng và là nhà đầu tư châu Âu lớn thứ 6 tại Việt Nam với tổng đầu tư khoảng 2 tỷ USD, tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện lực.
Hiện có khoảng gần 100 doanh nghiệp, tập đoàn tên tuổi lớn của Thụy Sĩ đang hoạt động ở Việt Nam như Nestlé (thực phẩm), Novartis, Roche (dược phẩm), Holcim (ximăng), ABB (thiết bị điện) đang hoạt động ở Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 trong ASEAN của Thụy Sỹ, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước năm 2019 đạt hơn 3,6 tỷ USD. Từ năm 2012, Việt Nam và Khối Thương mại tự do châu Âu (EFTA) bao gồm 4 nước Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland và Liechtenstein chính thức đàm phán hiệp định thương mại tự do. Hiện hai bên đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán FTA để sớm hoàn tất việc ký kết Hiệp định trong năm 2021 khi hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập Quan hệ ngoại giao (1971-2021).
Phiên Hội thảo về Việt Nam đã diễn ra sôi nổi với sự tham dự đông đảo của các sinh viên cao học và các giáo sư, giảng viên đại học của trường FHNW, cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động tại vùng Tây Bắc Thụy Sĩ. Trong phần thảo luận, Đại sứ cũng dành thời gian trao đổi trả lời nhiều câu hỏi quan tâm đến triển vọng phát triển, chính sách và các lĩnh vực thu hút đầu tư của Việt Nam, chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong thời gian tới.
Dự án “Khám phá ASEAN” của Trường Kinh doanh thuộc Đại học FHNW được khởi động từ năm 2001 với sứ mệnh “Xây dựng cầu nối với Đông Nam Á” và “Bắc nhịp cầu cho các tài năng trẻ” với mục tiêu trang bị cho sinh viên kiến thức về các nền kinh tế ASEAN, giúp tiếp cận thị trường, thiết lập mạng lưới doanh nghiệp tại khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, góp phần tăng cường hợp tác kinh tế giữa Thụy Sĩ và các nước ASEAN./.
Theo Vietnamplus
Ý kiến ()