Việt Nam thuộc nhóm quốc gia phát triển kỹ thuật số nhanh chóng
MasterCard và trường Fletcher thuộc Đại học Tufs (Mỹ) mới đây đã công bố kết quả khảo sát “Chỉ số phát triển kỹ thuật số” toàn cầu, trong đó cung cấp danh sách các quốc gia có mức độ sẵn sàng nhất trong việc hỗ trợ hàng tỷ người sử dụng Internet thế hệ tiếp theo.
Theo kết quả từ cuộc khảo sát này, Singapore (xếp hạng nhất) và Hồng Kông (xếp hạng 3) là hai trong số ba quốc gia đứng đầu nhờ vào nền kinh tế kỹ thuật số phát triển, và vẫn đang tiếp tục tăng trưởng. Việt Nam hiện nằm trong nhóm “Bùng nổ” bao gồm các quốc gia hiện có điểm số về mức độ sẵn sàng thấp, nhưng đang phát triển nhanh chóng.
Thụy Điển (hạng 2), Vương Quốc Anh (4) và Thụy Sỹ (5) nằm trong top 5, trong số 50 quốc gia khảo sát lần này. Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan được xếp vào top 3 nền kinh tế số phát triển nhanh nhất nhờ vào tỷ lệ dân số sử dụng điện thoại thông minh và Internet gia tăng nhanh chóng. Sáu trong số top 10 quốc gia đứng đầu trong danh mục này là các nước châu Á.
Mặc dù hiện nay đã có 2.9 tỷ người sử dụng Internet trên toàn thế giới, nhưng báo cáo khảo sát này cũng nhận định đây vẫn là cơ hội cho các doanh nghiệp và chính phủ trong việc mở rộng khả năng tiếp cận Internet cho 60% dân số còn lại trên thế giới.
Ông Raj Dhamodharan, Trưởng Bộ phận Những Giải pháp Thanh toán Mới khu vực châu Á-Thái Bình Dương của MasterCard chia sẻ: “Châu Á là điểm nóng của việc tiếp cận kỹ thuật số. Chúng tôi quan sát thấy các quốc gia phát triển trong khu vực giữ những vị trí hàng đầu trong khảo sát, và những quốc gia đang phát triển có tiềm năng to lớn nhờ vào tốc độ tiếp cận kỹ thuật số rất nhanh. Chỉ số này giúp các doanh nghiệp và chính phủ tại châu Á hiểu được bối cảnh phát triển kỹ thuật số tại quốc gia của họ, cho thấy những xu hướng và cung cấp những thông tin giá trị về những người dùng Internet trong thời điểm hiện tại và những dự đoán trong tương lai.”
Nghiên cứu cũng nêu ra 4 nhân tố thúc đẩy phụ thuộc lẫn nhau – cung, cầu, các tổ chức và sự cải tiến – giúp xác định sự phát triển kỹ thuật số của từng quốc gia và được sử dụng như những điểm đánh giá chiến lược cho sự tăng trưởng trong tương lai.
Trong khi các quốc gia phát triển chiếm lĩnh những vị trí dẫn đầu, một bức tranh khác lại xuất hiện khi đo lường tốc độ tiếp cận kỹ thuật số. Nghiên cứu đã phân tích sự phát triển của từng thị trường từ năm 2008 cho đến 2013 để hiểu những quy chuẩn của từng nước, theo dõi sự tiến bộ và xác định những lĩnh vực cần cải thiện. Các quốc gia được chia thành 4 nhóm quỹ đạo khác nhau:
– “Bùng nổ”: Những quốc gia này hiện có điểm số về mức độ sẵn sàng thấp, nhưng đang phát triển nhanh chóng. Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam, và Philippines là những ví dụ. Nếu tốc độ phát triển này duy trì, các quốc gia này sẽ trổi dậy trở thành những nền kinh tế số mạnh mẽ, nhưng chỉ số nghiên cứu cho thấy giai đoạn tăng trưởng tiếp theo có thể khó khăn hơn để đạt được.
– “Chững lại”: Mặc dù đã đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ trước đây, những quốc gia thuộc quỹ đạo này (hầu hết là những quốc gia Tây Âu, Bắc Âu, Australia và Nhật Bản) đều đã trưởng thành.
– “Nổi trội””: Những quốc gia này, chẳng hạn như Singapore, Hong Kong, Mỹ và New Zealand, có được và tiếp tục duy trì mức độ giao dịch kỹ thuật số cao với sự hỗ trợ của nền tảng hiện đại và những người tiêu dùng nội địa thông minh. Để tiếp tục là những thị trường Nổi trội, các quốc gia này phải tiếp tục đẩy mạnh sự cải tiến và sáng tạo.
– “Cẩn trọng”: Những quốc gia này đang đối diện với những thách thức, nhưng với tổng dân số gộp lại lên đến 2.5 tỷ người, các quốc gia này có những cơ hội đầu tư lớn. Indonesia, Nga, Nigeria, Ai Cập, và Kenya là những ví dụ.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()