Việt Nam thuộc nhóm hút thuốc lá cao trên thế giới
Mặc dù có xu hướng giảm, nhưng với tỉ lệ 45,3% nam giới hút thuốc, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới.
Nói không với thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính bạn và những người xung quanh |
Kết quả Điều tra về tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại Việt Nam (GATS 2015) cho thấy, so với năm 2010, tỉ lệ hút thuốc (bao gồm cả thuốc lá có khói và không khói) ở cả nam và nữ trong năm 2015 có xu hướng giảm từ 23,8-22,5%. Trong đó, tỉ lệ hút thuốc ở nam giới giảm từ 47,4% xuống 45,3%.
Đối với sản phẩm thuốc lá điếu, tỉ lệ hút ở cả nam và nữ giảm từ 19,9% xuống 18,2%.
Tại khu vực thành thị, tỉ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 47,7% xuống 42,7%. Tỉ lệ hút thuốc lá điếu của cả nam và nữ ở khu vực thành thị giảm từ 22% xuống 18,8%.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), sự giảm đáng kể tỉ lệ hút thuốc ở nhóm nam giới tại khu vực thành thị cho thấy thành công bước đầu của công tác truyền thông về tác hại thuốc lá, về các quy định của Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá sau 3 năm Luật có hiệu lực.
Tuy nhiên, điều tra cũng cho thấy, mặc dù có xu hướng giảm, nhưng với tỉ lệ 45,3% nam giới hút thuốc, Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có tỉ lệ sử dụng thuốc lá cao trên thế giới. Bên cạnh đó, trong khi tỉ lệ hút thuốc ở khu vực thành thị giảm, thì ở khu vực nông thôn lại không có sự thay đổi.
Tỉ lệ hút thuốc thụ động tuy có giảm rõ rệt tại hầu hết địa điểm công cộng, như: Tại nơi làm việc giảm 13,3% (từ 55,9% xuống 42,6%), trên phương tiện giao thông công cộng giảm 15% (từ 34,3% xuống còn 19,4%), nhưng vẫn còn ở mức cao (tại nhà là 62%, tại nơi làm việc là 42%, trong nhà hàng là 80%).
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết, trong thời gian tới, để tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Quỹ Phòng, chống tác hại thuốc lá đẩy mạnh thực thi quy định cấm hút thuốc tại các nơi công cộng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định cấm hút thuốc tại các cơ sở y tế, cơ quan hành chính Nhà nước và các nơi công cộng trong nhà khác.
Bộ Y tế cũng sẽ đề xuất với Chính phủ và Quốc hội triển khai đánh giá tác động của việc tăng thuế thuốc lá hiện nay đến tiêu dùng các sản phẩm thuốc lá và cần có lộ trình tiếp tục tăng thuế đến mức có thể giúp giảm tỉ lệ hút thuốc.
Theo Điều tra GATS 2015, cảnh báo sức khỏe trên bao thuốc lá đã được thực hiện gần 2 năm, vì thế cần phải sớm thực hiện việc đánh giá hiệu quả để đề xuất việc luân phiên thay đổi các hình ảnh cảnh báo này bằng hình ảnh mới nhằm tác động mạnh mẽ hơn đến người sử dụng.
GATS 2015 là điều tra toàn cầu về tình hình sử dụng thuốc lá nhằm giám sát tình hình sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành tại các nước.
Đây là lần thứ 2 Việt Nam tham gia điều tra này. Điều tra lần đầu tiên được thực hiện vào năm 2010.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()