Việt Nam tham gia tranh cử Tổng Giám đốc UNESCO
Ngày 27/4, Đại sứ Phạm Sanh Châu, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, đã trình bày chương trình hành động với tư cách là ứng cử viên chức Tổng Giám đốc UNESCO.
Đại sứ Phạm Sanh Châu (ngoài cùng bên trái) và 8 ứng cử viên chức Tổng Giám đốc UNESCO. |
Phần trình bày của Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng 8 ứng cử viên khác diễn ra trong khuôn khổ kỳ họp thứ 201 của Hội đồng Chấp hành Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) vào ngày 26-27/4 tại Paris, Pháp.
Tại phỏng vấn, trình bày chương trình hành động của mình, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đưa ra 3 thông điệp lớn về tầm nhìn UNESCO với các đề xuất đổi mới để các hoạt động của tổ chức này ngày càng hiệu quả.
Thứ nhất, UNESCO phải tiếp tục sứ mệnh hòa bình của mình, bởi vì đây là sứ mệnh cao cả đã được Hiến chương của UNESCO công nhận. Thứ hai, UNESCO cần tiếp tục quá trình cải cách để trở thành một tổ chức hiệu quả hơn, năng động hơn, có thể hợp tác tốt hơn và định vị lại vị thế của mình trong hệ thống các tổ chức của LHQ. Thứ ba, UNESCO cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để thế giới hiểu rằng tổ chức này không chỉ chăm lo đến các vấn đề văn hóa, giáo dục, mà còn rất mạnh trên lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; UNESCO quyết tâm phối hợp cùng với các nước để xây dựng một xã hội thông tin, trong đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận đến thông tin.
Sau phần giới thiệu tóm tắt, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã trả lời câu hỏi của các thành viên Hội đồng Chấp hành nhằm làm sáng tỏ quan điểm của ông về cách giải quyết các thách thức đang đặt ra cho UNESCO như ngân sách ngày càng eo hẹp trong khi nhu cầu ngày càng lớn, cách thức triển khai các dự án để UNESCO vừa là tổ chức trí tuệ nhưng cũng đồng thời là tổ chức hành động ở cấp địa phương, các giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác và đối thoại giữa các bên trong khuôn khổ hoạt động của UNESCO…
Năm nay, UNESCO đưa ra một quy trình hoàn toàn mới trong việc chọn Tổng Giám đốc, giống quy trình chọn Tổng Thư ký của LHQ.
Thay vì tiến hành những cuộc phỏng vấn trong phạm vi hẹp, năm nay, lần đầu tiên, UNESCO cho phép đại diện các phái đoàn ngoại giao được vào phòng họp để tham dự, truyền hình trực tiếp hình ảnh ứng cử viên và tăng thời gian phiên điều trần từ 60 phút lên 90 phút.
Theo quy định của UNESCO, tại kỳ họp lần thứ 202 được tổ chức vào tháng 10 tới, Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ bỏ phiếu kín lựa chọn ứng cử viên duy nhất để giới thiệu ra Đại hội đồng UNESCO lần thứ 39 vào tháng 11/2017 để chính thức phê chuẩn Tổng Giám đốc bằng phiếu kín./.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()