Việt Nam tham gia tích cực các khuôn khổ hợp tác trong khu vực
Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 19 do báo Nikkei và Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) tổ chức đã khai mạc tại thủ đô Tô-ki-ô ngày 23-5.
Hội nghị Tương lai châu Á lần thứ 19 do báo Nikkei và Trung tâm nghiên cứu kinh tế Nhật Bản (JCER) tổ chức đã khai mạc tại thủ đô Tô-ki-ô ngày 23-5.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo các chính phủ, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và giới học giả đến từ các nước trong khu vực. Ðoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam do đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ dẫn đầu đã tham dự hội nghị.
Với chủ đề “Châu Á tìm kiếm các bước đi tiến tới các mối quan hệ và hội nhập mạnh mẽ hơn”, hội nghị thảo luận các vấn đề liên quan hội nhập, phát triển kinh tế và những thách thức đối với an ninh khu vực trong bối cảnh mới có sự thay đổi ban lãnh đạo ở một số nước, trong đó có Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như căng thẳng gia tăng trong tranh chấp lãnh thổ ở khu vực.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động nhanh và khó lường, đòi hỏi phải có những cách tiếp cận mới về liên kết và hội nhập. Theo Phó Thủ tướng, việc tham gia các cơ chế hợp tác khu vực là một cách để xây dựng lòng tin, qua đó giúp giảm bớt nguy cơ xung đột. Ông nhấn mạnh,Việt Nam luôn tham gia một cách tích cực và có trách nhiệm các khuôn khổ hợp tác, liên kết trong khu vực.
Ðể có thể tiếp tục tăng trưởng năng động, góp phần xây dựng một khu vực ổn định và thịnh vượng hơn, Phó Thủ tướng cho rằng, trong thời gian tới cần tăng cường hợp tác và liên kết trong sáu lĩnh vực sau: Tăng cường tự do hóa thương mại và đầu tư đi đôi với giảm thiểu rủi ro của đầu tư tài chính; Bảo đảm nguồn cung nhân lực cho các nước phát triển phải đối diện với tình trạng già hóa dân số và các nước đang phát triển thiếu nhân lực trình độ cao; Ðẩy mạnh phát triển dịch vụ vận chuyển hàng hóa; Phối hợp quản lý và khai thác bền vững nguồn nước; Nỗ lực giảm thiểu ô nhiễm môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; Hợp tác bảo đảm an ninh mạng.
Các diễn giả cũng đề cập mục tiêu thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 và vai trò của ASEAN trong các diễn đàn hợp tác của khu vực.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản P.Ki-si-đa đánh giá cao sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của châu Á, cho rằng môi trường an ninh ở khu vực Mê Công đã được cải thiện, song còn tồn tại những vấn đề nóng ở khu vực Ðông Á, như chương trình phát triển hạt nhân của Triều Tiên và tranh chấp biển đảo. Ông cho biết, trước những biến động tình hình ở châu Á, Thủ tướng Nhật Bản S.A-bê đã công bố 5 nguyên tắc ngoại giao với ASEAN, nhằm tăng cường quan hệ chính trị, an ninh, kinh tế, văn hóa và giao lưu con người vì hòa bình, phồn vinh của khu vực.
* Cùng ngày, bên lề hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản A-bê, Chủ tịch Liên minh Nghị sĩ hữu nghị Nhật-Việt T.Ni-cai và Chủ tịch Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản A.Ta-na-ca. Trong các cuộc gặp, hai bên đánh giá cao quan hệ tốt đẹp giữa hai nước và nhất trí tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác chiến lược song phương.
Theo Nhandan
Ý kiến ()