Việt Nam tham gia Hội chợ Paris 2015
42 doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ Paris 2015 (Foire de Paris 2015) lần thứ 111, diễn ra từ ngày 29-4 đến 10-5, nhằm quảng bá và bán các sản phẩm sản xuất tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Cảnh Cường, Tham tán thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, cho biết, Hội chợ Paris thường niên có quy mô lớn nhất tại Pháp, với khoảng 3.500 gian hàng đến từ 50 nước, trưng bày trên tổng diện tích 220 nghìn m2, thu hút khoảng 600 nghìn người tham dự. Đây cũng là hội chợ hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, nội thất truyền thống lớn nhất của Pháp và châu Âu.
Diện tích các gian hàng của Việt Nam khoảng một nghìn m2, tại Khu triển lãm số ba, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan, các thương gia Pháp và quốc tế. Các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ các sản phẩm đặc trưng như: hàng thủ công mỹ nghệ, thổ cẩm, đồ trang sức, sơn mài, quần áo, lụa tơ tằm…
Sau khi tìm hiểu, trò chuyện với các doanh nghiệp, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn, cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi tham dự Hội chợ Paris và tôi rất ấn tượng về sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp của Việt Nam tại Hội chợ năm nay. Qua thăm các gian hàng của Việt Nam, tôi thấy các mặt hàng rất phong phú. Các doanh nghiệp cho biết hàng hóa của họ bán chạy”.
Tuy nhiên, để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia Hội chợ nhiều hơn nữa, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn gợi ý: thứ nhất, cùng với sứ quán, thương vụ cần thăm dò thị trường, tích cực tìm hiểu thị hiếu của người dân Pháp như thế nào, những mặt hàng nào họ yêu chuộng và mua nhiều nhất. Làm việc với Ban Tổ chức (BTC) Hội chợ để khu trưng bày của Việt Nam được bố trí ở những vị trí thuận lợi hoặc có những điều kiện ưu ái nhất định, nhằm thu hút đông đảo doanh nghiệp Việt Nam tham gia hội chợ. BTC Hội chợ cũng cần có chính sách ưu đãi về giá thuê gian hàng, nhất là đối với những nước còn đang phát triển, xa xôi như Việt Nam nhằm khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam đến dự hội chợ.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp trong nước cũng cần nghiên cứu kỹ thị trường của Pháp nói riêng và thị trường châu Âu nói chung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa hơn nữa để giới thiệu tại hội chợ, làm sao mỗi một năm chúng ta có sản phẩm mới bán ra thị trường và đáp ứng thị hiếu của khách hàng.
Bên cạnh những mặt hàng dành cho người có thu nhập trung bình, các doanh nghiệp cũng cần giới thiệu đến khách hàng các mặt hàng có giá trị cao hơn, chất lượng tốt hơn dành cho những tầng lớp khách hàng cao cấp hơn.
Bà Carine Preterre, Giám đốc Hội chợ đánh giá cao việc các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ, khẳng định các doanh nghiệp Việt Nam tham dự hội chợ làm phong phú hơn cho Hội chợ Paris. Các mặt hàng của Việt Nam đa dạng về chủng loại, mẫu mã và chất lượng các sản phẩm tốt. Nhiều sản phẩm của Việt Nam rất thu hút khách hàng.
Chị Nguyễn Thị Bích Hồng, Phó Giám đốc Vinexad, nhà tổ chức hội chợ, cho biết, các mặt hàng truyền thống của Việt Nam vẫn là các mặt hàng về hàng thủ công mỹ nghệ, sơn mài, lụa tơ tằm… được người dân Pháp ưa chuộng. Một số khó khăn đối với doanh nghiệp Việt Nam là giá cả xuống, nhưng ngược lại, tiền thuê mặt bằng của hội chợ lại tăng, tới 30 EUR/m2.
Vé mời năm nay cũng yêu cầu các doanh nghiệp tham gia phải mua, những năm trước không như vậy. Khó khăn nữa là doanh nghiệp Việt Nam đi trong bối cảnh vẫn còn khủng hoảng kinh tế, các mặt hàng chưa đổi mới nhiều, doanh nghiệp thấy mặt hàng nào bán được là họ tập trung nên các gian hàng nom giống nhau.
Trong những năm qua, cùng với Sứ quán Việt Nam tại Pháp, Thương Vụ Việt Nam tại Pháp, Hội Doanh nhân Việt Nam tại Pháp (ABVietFrance) luôn là cầu nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Pháp, phối hợp tổ chức, giúp đỡ cho các doanh nghiệp Việt Nam dự hội chợ. Đặc biệt, hai năm nay, ABVietFrance đứng ra tổ chức chương trình văn nghệ, trình diễn áo dài truyền thống, nhằm giới thiệu về văn hóa Việt Nam đến với bạn bè Pháp và quốc tế tham dự hội chợ.
Ông Nguyễn Hải Nam, Chủ tịch ABVietFrance cho biết, để chuẩn bị cho buổi biểu diễn văn nghệ, trình diễn áo dài thành công, Hội đã lên kế hoạch từ tháng 10-2014, sau đó về nước tìm nhà thiết kế, mời người mẫu…
Đến với Hội chợ, khách tham quan được thưởng thức chương trình âm nhạc và múa truyền thống do ban nhạc “Tiếng tơ đồng” trình diễn và biểu diễn thời trang áo dài của nhà thiết kế Ngô Nhật Huy, chuyên thiết kế áo dài truyền thống nổi tiếng của Việt Nam.
Theo Nhandan.org.vn

Ý kiến ()