Việt Nam tham dự Hội nghị quan chức cao cấp G20 lần thứ Nhất
Từ ngày 12-13/12/2016 tại Berlin (Đức), đã diễn ra Hội nghị quan chức cao cấp (Hội nghị Sherpa) Nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) dưới sự chủ trì của Đức.
Tham dự Hội nghị có quan chức cao cấp các nước thành viên G20; các nước khách mời gồm Hà Lan, Na Uy, Singapore, Việt Nam, Chad và Senegal; đại diện các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc, Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD). Việt Nam được nước Chủ tịch G20 là Đức mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 và các hội nghị liên quan của G20 với tư cách là nước Chủ nhà Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017. Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Sherpa G20 do Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Quang Minh, Sherpa Việt Nam, làm Trưởng đoàn.
Với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối” (Shaping an interconnected world), nội dung nghị sự của G20 trong nhiệm kỳ Đức làm Chủ tịch gồm ba trọng tâm: (i) Tạo dựng nền tảng tự cường; (ii) Tăng cường tính bền vững; (iii) Tăng cường trách nhiệm. Trên cơ sở ba trọng tâm này, Hội nghị Sherpa G20 đã thảo luận nhiều vấn đề kinh tế và phát triển toàn cầu trong chương trình nghị sự của G20 trong năm 2017 như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, thương mại và đầu tư toàn cầu, biến đổi khí hậu, năng lượng, cải cách tài chính, thúc đẩy triển khai Chương trình nghị phát triển bền vững 2030 của Liên Hợp Quốc, biến đổi khí hậu, nông nghiệp, lao động, việc làm, y tế, kinh tế số, bình đẳng giới, hỗ trợ Châu Phi, di cư…
Hội nghị ủng hộ chủ đề và các trọng tâm nghị sự do Đức đề xuất cho G20 trong năm 2017, đồng thời gợi mở định hướng nội dung thảo luận trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành của G20. Hội nghị nhấn mạnh G20 trong năm 2017 cần có biện pháp cụ thể, thiết thực và khả thi triển khai các sáng kiến, thỏa thuận đã đạt được để thúc đẩy cải cách cơ cấu, tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư toàn cầu cũng như xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường toàn cầu.
Tại Hội nghị, đoàn Việt Nam đã chủ động, tích cực đóng góp nhiều ý kiến tại các phiên thảo luận. Phát biểu tại Hội nghị, Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Vũ Quang Minh đã nêu chủ đề và các định hướng ưu tiên của Việt Nam trong Năm APEC 2017 đề xuất các nội dung ưu tiên mà APEC 2017 và G20 2017 có thể phối hợp thực hiện và triển khai; nhấn mạnh cần tăng cường sự phối hợp và bổ sung lẫn nhau giữa G20 và APEC trong các vấn đề phát triển mà thế giới đang phải xử lý. Nhiều ý kiến đóng góp có trách nhiệm của đoàn Việt Nam tại Hội nghị về thúc đẩy liên kết kinh tế, thương mại toàn cầu và khu vực, chống xu thế bảo hộ, đối phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, sử dụng hiệu quả nguồn nước sông Mekong, hợp tác ba bên hỗ trợ Châu Phi… được nước chủ nhà Đức và nhiều đại biểu hoan nghênh và tán đồng.
G20 là diễn đàn tập hợp các nền kinh tế lớn nhất thế giới, chiếm 80% GDP và 75% thương mại toàn cầu. Từ năm 2008 đến nay, G20 thường niên tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh nhằm khẳng định cam kết tăng cường phối hợp chính sách để xử lý các vấn đề kinh tế toàn cầu. Hội nghị Sherpa do Đức tổ chức là hội nghị Sherpa đầu tiên trong nhiệm kỳ Đức là Chủ tịch G20, khởi động tiến trình chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức vào đầu tháng 7/2017. Bên cạnh các hội nghị Sherpa, Đức sẽ tổ chức các hội nghị cấp Bộ trưởng, quan chức cao cấp và nhóm công tác trong nhiều lĩnh vực từ nay đến tháng 7/2017 để chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm 2017.
Đây là lần thứ hai Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh và các hội nghị liên quan của G20. Việt Nam lần đầu tiên được mời dự các hội nghị G20 vào năm 2010 tại Hàn Quốc và Canada khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN. Việc tham dự và tích cực đóng góp tại các diễn đàn của các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới như G20 sẽ góp phần quan trọng tăng cường vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()