Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế
Hội nghị lần thứ 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) diễn ra từ ngày 5 - 20/6 tại Giơnevơ (Geneva) với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 185 quốc gia thành viên với chủ đề "Xây dựng tương lai tươi sáng thông qua thúc đẩy phát triển bền vững". Hội nghị tập trung bàn thảo các vấn đề như phát triển bền vững, việc làm xanh, việc làm cho những lao động yếu thế nhất, đối thoại xã hội, thương lượng tập thể và thách thức về già hóa dân số. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân dẫn đầu đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng.
Hội nghị lần thứ 102 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) diễn ra từ ngày 5 – 20/6 tại Giơnevơ (Geneva) với sự tham dự của hơn 5.000 đại biểu đến từ 185 quốc gia thành viên với chủ đề “Xây dựng tương lai tươi sáng thông qua thúc đẩy phát triển bền vững”. Hội nghị tập trung bàn thảo các vấn đề như phát triển bền vững, việc làm xanh, việc làm cho những lao động yếu thế nhất, đối thoại xã hội, thương lượng tập thể và thách thức về già hóa dân số. Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân dẫn đầu đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể của Đại hội đồng.
Phát biểu tại hội nghị, Tổng Giám đốc ILO Gai Raiđơ (Guy Ryder) đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các tiêu chuẩn lao động và việc làm hợp pháp. Ông Raiđơ nói: “Chúng ta đang trong quá trình đưa ILO trở thành tổ chức mang đến những đánh giá, nghiên cứu trên thế giới có giá trị cao nhất về việc làm, đồng thời tiếp tục là tổ chức hỗ trợ các tổ chức công đoàn, những người sử dụng lao động và các chính phủ”.
Theo ILO, già hóa dân số đã có những tác động đáng kể đến vấn đề lao động và các chính sách bảo vệ xã hội. Dân số thế giới đang trở nên già hơn với độ tuổi trung bình sẽ tăng lên 38 vào năm 2050, so với độ tuổi 28 năm 2009. Đến khi đó, cứ 4 người trong độ tuổi lao động sẽ có một người trên 65 tuổi, so với tỷ lệ 9 người hồi năm 2000.
(Nguồn: ippmedia.com) |
Thứ trưởng Phạm Minh Huân cho biết: những chủ đề của hội nghị chính là những lĩnh vực mà Việt Nam rất quan tâm. Trên thực tế, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong việc xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách và thực thi pháp luật, xúc tiến việc làm bền vững. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang gặp những thách thức như tiếp tục nâng cao năng lực cho các đối tác xã hội, thực thi có hiệu quả các chính sách pháp luật quốc gia cũng như các cam kết quốc tế.
Là một thành viên có trách nhiệm, Việt Nam tiếp tục xúc tiến hợp tác sâu rộng với ILO, đoàn Việt Nam đã gặp và làm việc với Tổng Giám đốc ILO Raiđơ và các quan chức ILO khác với nhiều nội dung hợp tác được thảo luận. Nhân hội nghị lần này, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương, tổ chức đối thoại giữa kỳ Việt Nam – Mỹ, gặp và làm việc với Thứ trưởng Bộ Lao động Arập Xêút, trưởng đoàn các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham dự Hội nghị Bộ trưởng Lao động các nước châu Á – Thái Bình Dương và các nước không liên kết.
Với tư cách là thành viên chính thức của Hội đồng quản trị ILO và là đại diện cho ASEAN, điều phối viên giữa ASEAN với ILO, Việt Nam vừa thực hiện vai trò của một trong 28 nước thành viên của Hội đồng quản trị, vừa thể hiện quan điểm và yêu cầu của ASEAN đối với ILO. Chính vì vậy, tiếng nói của Việt Nam và ASEAN trong Hội đồng quản trị ngày càng được coi trọng. Việt Nam đã chủ động đề xuất và tham vấn các nước ASEAN nhiều nội dung được đưa ra thảo luận trong Hội đồng quản trị như cải cách Hội đồng quản trị, cải cách Đại hội đồng ILO, cải cách các ủy ban tài chính và chương trình hợp tác kỹ thuật của ILO. Các nội dung đề xuất của Việt Nam được thảo luận kỹ và có ý nghĩa rất lớn trong hoạt động của Hội đồng quản trị. Việt Nam ủng hộ Mianma, kiên trì kiến nghị với Hội đồng quản trị và kiến nghị lên Đại hội đồng ILO để giảm dần và xóa bỏ cấm vận đối với Mianma, cũng như chấm dứt hai nghị quyết liên quan đến lao động cưỡng bức của Mianma. Đồng thời, Việt Nam phối hợp với các nước đang phát triển kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các ủy ban của ILO theo nguyên tắc công khai, công bằng, có tính đến các điều kiện phát triển, đặc điểm văn hóa và bối cảnh của các nước.
Được thành lập năm 1919, ILO đã trở thành tổ chức chuyên môn đầu tiên hợp nhất với cơ quan Liên hợp quốc vào năm 1946. Số lượng các nước thành viên đã tăng từ 44 lên 185 quốc gia hiện nay. Ngày 17/2/2002, ILO thiết lập Văn phòng đại diện tại Hà Nội. Từ tháng 6/2002, Việt Nam được bầu là thành viên phó Hội đồng quản trị của ILO với 3 nhiệm kỳ liên tục đến năm 2011. Tại hội nghị lần thứ 100 của ILO, Việt Nam được bầu làm thành viên chính thức của Hội đồng quản trị ILO nhiệm kỳ 2011-2014, thể hiện vị thế và uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Theo Dangcongsan
Ý kiến ()